Bến Tre: Mỏ Cày Nam khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp

11:57 | 19/08/2023

|
Thời gian qua, huyện Mỏ Cày Nam đã tập trung định hướng cho nông dân về chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp (NN) theo hướng tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả và bền vững. Từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân, để việc sản xuất NN thật sự hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Từng bước phát triển vùng sản xuất dừa hữu cơ và chăn nuôi tập trung, phát huy đặc trưng, thế mạnh sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, chú trọng phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm.
Bến Tre: Cần bổ sung vốn xây lắp cho các gói thầu cầu Rạch Miễu 2Bến Tre: Cần bổ sung vốn xây lắp cho các gói thầu cầu Rạch Miễu 2
Bến Tre: Chuẩn bị xuất khẩu lô dừa đầu tiên sang thị trường MỹBến Tre: Chuẩn bị xuất khẩu lô dừa đầu tiên sang thị trường Mỹ
Bên Tre: Mỏ Cày Nam khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp
Xây dựng vườn dừa hữu cơ. Ảnh: Ngọc Vũ

Cơ cấu lại cây trồng

Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất NN theo hướng phát huy lợi thế địa phương luôn được quan tâm, đã xây dựng, điều chỉnh và triển khai thực hiện quy hoạch. Quy hoạch trồng dừa hữu cơ, dừa uống nước giai đoạn 2020 - 2025 là 5,421ha, giai đoạn 2025 - 2030 là 8.220ha, dừa uống nước 130ha; quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung hiệu quả và bền vững với tổng diện tích đất quy hoạch là 1.887,83ha. Trong đó, khuyến khích người dân bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện, nhu cầu phát triển và thích ứng biến đổi khí hậu. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng mùa vụ thích hợp, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung dừa, cây ăn trái, chăn nuôi, cơ bản đáp ứng yêu cầu nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Huyện đã xây dựng hoàn thành và triển khai đề án phát triển sản xuất tập trung cho 2 sản phẩm chủ lực của huyện là cây dừa và con heo.

Cây dừa là cây trồng chủ lực của huyện, phát triển tập trung với diện tích đạt 16.760ha; trong đó, diện tích thu hoạch 16.350ha, sản lượng ước đạt 180 triệu trái/năm. Toàn huyện có trên 6.275 vườn dừa đang thực hiện quy trình, chứng nhận hữu cơ với tổng diện tích 5.496,8ha, có 4.760 vườn được chứng nhận, diện tích 4.203ha. Diện tích vườn dừa có hệ thống trồng xen, nuôi xen hiệu quả hiện nay đạt 6.130ha. Đồng thời, đã thực hiện việc liên kết với công ty, doanh nghiệp trong tiêu thụ dừa cho nông dân, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị. Hiện Công ty Dừa Á Châu, Lương Quới, Betrimex, Dừa Xanh, Hào Quang đã thực hiện việc liên kết với 15 hợp tác xã trên địa bàn thu mua dừa trái, cơm dừa theo hướng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 5 - 20%. Hiện nay, các công ty trên đã thực hiện thu mua dừa cho người dân theo hợp đồng liên kết với sản lượng thu mua hơn 1,576 triệu trái/tháng.

Ưu tiên phát triển vùng trồng chuyên cây ăn trái bưởi da xanh tập trung tại các xã: Thành Thới A, Thành Thới B, An Thạnh, Đa Phước Hội, Tân Hội, An Định, Tân Trung, Ngãi Đăng với diện tích trồng chuyên đạt 200ha. Các xã còn lại phát triển diện tích cây ăn trái trồng xen đạt 1.920ha, diện tích thu hoạch 1.600ha, năng suất ước đạt 5.600 tấn/năm. Trong đó, có 4,24ha bưởi da xanh của 1 tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP và 41,93ha của 13 tổ hợp tác sản xuất theo quy trình VietGAP.

Phát triển chăn nuôi

Huyện thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch được duyệt. Toàn huyện có 27.739 hộ chăn nuôi, chủ yếu là heo, bò, dê, gà và vịt. Số trang trại chăn nuôi quy mô vừa và quy mô nhỏ khoảng 10.971 hộ, chiếm 39,6% tổng số hộ chăn nuôi. Sản lượng thịt các loại đạt 62.118 tấn, trong đó: thịt heo 88%, thịt gia cầm từ 9%, thịt gia súc ăn cỏ 3%, sản lượng trứng gia cầm đạt 17.161 triệu trứng/năm. Tổng đàn heo ước đạt 240.500 con, sản lượng ước đạt 54.924 tấn/năm. Hiện có 13 tổ hợp tác, 2 hợp tác xã chăn nuôi heo, có 160 thành viên với 32.618 con heo được cấp chứng nhận VietGAHP, đạt 13,2%. Tổ chức thực hiện việc tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân, người dân biết thông tin và đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Heo Mỏ Cày Nam” để phát huy giá trị nhãn hiệu chứng nhận “Heo Mỏ Cày Nam”.

Tổng đàn gia cầm 1,36 triệu con, sản lượng ước đạt 5.367 tấn/năm. Có 9 tổ hợp tác chăn nuôi gà, 100 thành viên với 114 ngàn con được cấp chứng nhận VietGAHP, đạt 9,2%. Diện tích nuôi thủy sản đạt 1.420ha, trong đó có 10ha nuôi tôm chân trắng tập trung chủ yếu tại xã Hương Mỹ, Minh Đức, Tân Trung, Cẩm Sơn và Bình Khánh; diện tích nuôi cá 1.000ha. Tổng sản lượng nuôi đạt 21.754 tấn; trong đó, cá 21.393 tấn, tôm càng xanh 361 tấn, tôm chân trắng 150 tấn. Nhiều mô hình nuôi thủy sản được nhân rộng hiệu quả như mô hình nuôi tôm càng xanh liền canh liền cư trong mương vườn dừa, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực.

Nguồn: Mỏ Cày Nam khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp

Hoàng Lam

baodongkhoi.vn