Bến Tre: Nhân rộng mô hình nuôi ong ký sinh trong cộng đồng

04:19 | 06/11/2022

|
Dự án “Nhân rộng mô hình nuôi ong ký sinh trong cộng đồng góp phần quản lý sâu đầu đen hại dừa” do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam chủ trì, vừa được UBND tỉnh cho phép triển khai, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở.
 ảnh sâu đầu đen hại dừa. Ảnh: Mỹ Trang
Hình ảnh sâu đầu đen hại dừa. Ảnh: Mỹ Trang

Tình hình sâu hại vườn dừa

Huyện Mỏ Cày Nam với cây trồng chủ lực là dừa, diện tích trên 16.800ha, diện tích thu hoạch hơn 16.000ha, sản lượng gần 134 triệu trái/năm. Đây là nguồn thu nhập chính của nhiều nông dân trên địa bàn. Ngoài ra toàn huyện có trên 6.045 vườn dừa đang thực hiện quy trình, đạt chứng nhận hữu cơ, tổng diện tích 5.296,8ha, trong đó có 4.760 vườn được chứng nhận đạt hữu cơ, diện tích 4.203ha đạt 24,92% tổng diện tích vườn dừa của huyện. Từ năm 2020 đến nay, sâu đầu đen đã xuất hiện và gây hại làm ảnh hưởng sự sinh trưởng, phát triển, năng suất cây dừa. Diện tích dừa bị nhiễm sâu trên địa bàn huyện trên 400ha, tại 16 xã, thị trấn, với hơn 1.200 hộ.

Hiện nay sâu đầu đen có xu hướng gia tăng và lây lan trên trên diện rộng, gây hại của sâu làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng dừa của huyện. Biện pháp dùng thuốc hoá học phun xịt trừ sâu đầu đen hại dừa chỉ quản lý tạm thời, không áp dụng được lâu dài, gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ của người dân và tốn kém nhiều chi phí, nhất là các vườn dừa hữu cơ của huyện, không thể sử dụng biện pháp hóa học để phòng trừ.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam cho biết: “Dự án thực hiện giải quyết vấn đề mang tính thời sự của địa phương về dịch hại sâu đầu đen, kịp thời hướng dẫn nông dân trên địa bàn các xã, thị trấn nhân nuôi ong ký sinh phóng thích ra môi trường góp phần hạn chế sự phát triển và lây lan của sâu đầu đen hại dừa. Giúp vườn dừa từng bước phục hồi, nhất là bảo vệ các vườn dừa hữu cơ của huyện ổn định năng suất, sản lượng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định và tăng thu nhập cho nông dân trồng dừa”.

Tác động của dự án

Hộ tham gia dự án được ký hợp đồng thực hiện dự án là hộ trồng dừa đang thu hoạch có diện tích bị nhiễm sâu đầu đen, diện tích từ 2.000m2 trở lên. Có công lao động, sức khỏe tốt, siêng năng, chịu khó, ham học hỏi tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thực hiện đúng hướng dẫn quy trình kỹ thuật, có vốn đối ứng, đầu tư hiệu quả, sẵn sàng chia sẻ thông tin kinh nghiệm với các hộ dân khác có nhu cầu.

Mục tiêu của dự án sản xuất thử nghiệm là đào tạo, tập huấn hướng dẫn nông dân thực hành nuôi ong ký sinh tại 16 xã, thị trấn. Xây dựng mô hình nuôi ong ký sinh trong cộng đồng với quy mô 16 hộ nuôi OKS. Báo cáo đánh giá khả năng phục hồi của các vườn dừa (tối thiểu 3,2ha) khu vực thả ong ký sinh (tỷ lệ ong ký sinh thu được ngoài môi trường đạt từ 30-40%). Sản phẩm của dự án là hình thành 16 điểm nuôi ong ký sinh trong cộng đồng ở 16 xã, thị trấn (mỗi xã 1 điểm nuôi).

Dự kiến tổng số mummy thu được 38.400 mummy ký sinh trên sâu đầu đen nuôi trong các điểm nuôi của hộ dân. Lượng ong ký sinh thả ra môi trường ước khoảng 2.000.000 con. Với số lượng ong ký sinh thả ra các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn huyện sẽ góp phần giảm chi phí cho người trồng dừa, từng bước phục hồi và giảm diện tích vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại, phục hồi năng suất, sản lượng, ổn định và tăng thu nhập cho người dân trồng dừa.

Ngày 28-10-2022, Dự án “Nhân rộng mô hình nuôi ong ký sinh trong cộng đồng góp phần quản lý sâu đầu đen hại dừa” đã được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt theo Quyết định số 2498/QD-UBND cho phép triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở, tổng kinh phí thực hiện trên 497 triệu đồng.

Hiện tại, UBND huyện Mỏ Cày Nam cũng đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện dự án “Nuôi ong ký sinh cộng đồng góp phần quản lý sâu đầu đen hại dừa” từ nguồn kinh phí khuyến nông năm 2022 của huyện, giao cho tổ trưởng tổ tư vấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp huyện (Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện) phân công các thành viên thực hiện, thời gian thực hiện từ tháng 4 đến tháng 11-2022, hiện nay đã hướng dẫn người dân nhân nuôi thành công ở 10 nhóm nông dân tại 16 xã, thị trấn, đến nay các nhóm đã nhân nuôi và phóng thích trên 431.000 con ong ký sinh.

Nguồn: Nhân rộng mô hình nuôi ong ký sinh trong cộng đồng

Mỹ Trang

baodongkhoi.vn