Bến Tre: Nhuận Phú Tân duy trì và phát triển nghề trồng hẹ

11:30 | 11/04/2024

|
Trên 34 năm qua, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc luôn duy trì và phát triển nghề trồng rau hẹ. Toàn xã có 12 ấp, trong đó 6 ấp chuyên trồng hẹ. Hẹ được trồng nhiều nhất ở ấp Giồng Đắc. Nghề trồng hẹ đã tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bến Tre: Nhuận Phú Tân duy trì và phát triển nghề trồng hẹ
Mô hình tưới hẹ tự động của anh Nguyễn Văn Sơn ở ấp Giồng Đắc.

Thu nhập cao từ rau hẹ

Khoảng năm 1990, tại xã Nhuận Phú Tân ven dòng Cổ Chiên, nông dân ở Giồng Nâu là ấp đầu tiên trồng hẹ, sau đó truyền sang các ấp: Giồng Lớn, Giồng Đắc, Giồng Xép, Giồng Giữa và Giồng Chùa. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Giồng Đắc Nguyễn Văn Bé Tư nhớ lại: “Khoảng năm 2000, ở ấp Giồng Đắc nhà nhà trồng hẹ, người người trồng hẹ, ruộng lên bờ là để trồng hẹ”.

Nối tiếp nghề trồng hẹ của người cha là ông Nguyễn Văn Y, anh Nguyễn Văn Sơn ở ấp Giồng Đắc trồng hẹ từ năm 1996 đến nay. Thừa hưởng kinh nghiệm của cha, anh Sơn trồng hẹ luôn trúng đậm trên diện tích 2.000m2, mỗi năm thu hoạch khoảng 32 tấn hẹ, trừ chi phí còn lời khoảng 340 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Sơn chia sẻ kinh nghiệm sau 28 năm trồng hẹ: “Hiện nay, tôi trồng 1 lần thu hoạch 8 lần/năm; sau 1 năm, hẹ phải trồng mới lại. Lần đầu phải bỏ ra 2 tháng chăm sóc mới thu hoạch, từ lần thứ 2 trở về sau tùy theo thời tiết mà 40 - 50 ngày là có thu hoạch. Hẹ không chịu hạn cũng không chịu ngập úng. Trồng hẹ chủ yếu dựa vào đất pha cát (đất mới là tốt nhất) sử dụng thêm phân chuồng. Hạn chế phân hóa học vì dễ bị vàng lá. Tôi đang sử dụng thuốc sinh học Reasgant 5EC để diệt sâu đục thân, sâu cuốn lá, bọ trĩ, nhện gié. Theo chỉ dẫn, khi xịt thuốc lên hẹ, 7 ngày sau mới được thu hoạch, nhưng tôi để đến 9 - 10 ngày mới thu hoạch cho an toàn”.

Được biết, hẹ trồng bất cứ tháng nào, mùa nào, sáng bứng là chiều trồng liền. Trồng 1 bụi khoảng 10 tép hẹ mới mau cho năng suất cao. Đầu mùa mưa (tháng 4, 5 âl) là thích hợp nhất để trồng mới vụ hẹ. “Ở đây nước ngọt quanh năm, dẫn nước kênh rạch tưới thoải mái. Nước mặn quá cũng không vô tới đây, cẩn thận hơn thì tưới ít nước cho hẹ vào lúc nước ròng là được. Những năm chưa có điện, phải gánh nước để tưới rau hẹ, từ khi có điện thì rất khỏe, chỉ cần bật cầu dao là tưới xong mấy công hẹ. Nói vậy chớ trồng hẹ cũng khó lắm, phải có nhiều kinh nghiệm mới thu hoạch được 8 lần/năm. Nếu chỉ thu hoạch không quá 3 lần là thất bại; nhiều hộ trồng hẹ bị thất bại thế là chuyển sang trồng dừa. Mà 1 công hẹ hiện nay thu hoạch trung bình 1,5 tấn chỉ 7 lần/năm, nếu giá 10 ngàn đồng/kg thì 1 năm cũng được 105 triệu đồng. Trong khi đó, 1 công dừa 18 cây, giá 70 ngàn đồng/chục, cả năm chỉ được 8,4 triệu đồng”, anh Sơn cho biết thêm.

Tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới

Theo Chủ tịch UBND xã Nhuận Phú Tân Nguyễn Văn Phước, từ năm 2022 đến nay, Nhuận Phú Tân tập trung mọi nguồn lực để vào quý II-2024 đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM). Trong đó, tiêu chí giao thông được người dân tích cực hưởng ứng thực hiện. Hiện toàn xã đã hoàn thành đường trục xã, liên xã gồm 3 tuyến với tổng chiều dài 12.453m; đường từ xã đến ấp và liên ấp gồm 8 tuyến với tổng chiều dài 10.496m; đường từ ấp đến khu dân cư gồm 8 tuyến với tổng chiều dài 8.508m.

Nhờ trồng hẹ có thu nhập cao, đời sống được nâng lên, người dân hăng hái tham gia thực hiện tiêu chí giao thông để xây dựng NTM. Tổng kinh phí xây dựng NTM ở Nhuận Phú Tân trên 40 tỷ đồng; trong đó, người dân đóng góp gần 6,8 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng ấp Giồng Đắc có 25 hộ trồng hẹ với tổng diện tích khoảng 3ha. “Nhờ trồng hẹ mà tôi đóng góp kinh phí làm đường bê-tông (đoạn đường chính của ấp mang tên Giồng Đắc đi ngang khu vực trồng hẹ của tôi). Đường bê-tông Giồng Đắc được khởi công vào tháng 4-2021 và hoàn thành vào ngày 31-12-2021, dài 1.100m, rộng 3m, theo chuẩn NTM với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng, nhờ vậy bà con chúng tôi vận chuyển phân bón và hẹ rất dễ dàng”, anh Nguyễn Văn Sơn, ấp Giồng Đắc phấn khởi chia sẻ.

Nông dân Trịnh Thành Long với 25 năm trồng hẹ, cho hay: “Khi đảng viên Nguyễn Văn Sơn người trồng hẹ đi đầu trong đóng tiền làm đoạn lộ Giồng Đắc, tôi cũng làm theo đóng 3,5 triệu đồng. Với lại có đường bê-tông liên xóm, liên ấp, liên xã… thì kinh tế, văn hóa - xã hội trong ấp, đời sống vật chất và tinh thần người dân chúng tôi mới được nâng lên”.

“Hẹ ở Nhuận Phú Tân ngày nào cũng có thương lái mua hàng tấn đi bán tại các chợ trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh. Trồng hẹ góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người gần 57 triệu đồng/năm. Vì thế người dân ở 6 ấp trồng hẹ tích cực tham gia thực hiện tiêu chí giao thông để phấn đấu lên xã NTM”, Chủ tịch UBND xã Nhuận Phú Tân Nguyễn Văn Phước cho biết.

Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc Phạm Thanh Truyền cho biết: “Hẹ ở xã Nhuận Phú Tân ngày càng có thương hiệu. Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, người trồng hẹ tích cực tham gia thực hiện tiêu chí giao thông để xây dựng xã NTM, góp phần cho huyện đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2025”.

Nguồn: Nhuận Phú Tân duy trì và phát triển nghề trồng hẹ

Hoàng Vũ

baodongkhoi.vn