Bến Tre: Phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ

06:10 | 06/01/2024

|
Thạc sĩ Lê Trí Nhân - Phó trưởng phòng Tư vấn dịch vụ nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết: Khuyến nông Trung ương và Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh tỉnh đã nghiệm thu mô hình/dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại đồng bằng sông Cửu Long” năm 2023.
Bến Tre: Vươn lên làm giàu từ cây mai vàngBến Tre: Vươn lên làm giàu từ cây mai vàng
Bến Tre: Lấy ý kiến ngày thành lập, ngày truyền thống tỉnh và việc tổ chức các lễ hội cấp tỉnhBến Tre: Lấy ý kiến ngày thành lập, ngày truyền thống tỉnh và việc tổ chức các lễ hội cấp tỉnh

Kỹ sư ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân chăm sóc cây trồng tại vườn. Ảnh: Tr. Quốc

Kỹ sư ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân chăm sóc cây trồng tại vườn. Ảnh: Tr. Quốc

Theo đó, tại tỉnh đã triển khai điểm trình diễn thâm canh sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, tại các xã Tân Phú, Phú Đức, Tiên Long, Quới Thành và thị trấn Tiên Thủy (Châu Thành), trên diện tích 50ha, với 100 hộ dân tham gia. Điểm trình diễn thâm canh bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, tại xã Tiên Long và Tân Thạch, huyện Châu Thành, trên diện tích 20ha, với 32 hộ tham gia. Kết thúc thời gian thực hiện có 30ha (bưởi da xanh 15ha, với 30 hộ; sầu riêng 15ha với 38 hộ) được chứng nhận GAP...

Trong thời gian thực hiện, Trung tâm Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh trực tiếp mua phân hữu cơ sinh học phối hợp với các dự án nhánh cấp phát cho nông dân tham gia mô hình. Nông dân được hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất sầu riêng, bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân hữu cơ sinh học giảm phân vô cơ, quản lý các đối tượng gây hại bằng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, ghi chép sổ sách, lưu giữ hồ sơ và truy nguyên nguồn gốc, bảo đảm an toàn sinh học và sức khỏe của người tiêu dùng.

Qua thời gian thực hiện, dự án đã khẳng định tính ưu việt của mô hình so với sản xuất đại trà. Cụ thể, đối với sầu riêng đã áp dụng quy trình bón phân theo tốc độ phát triển trái (trọng lượng, kích cỡ) theo từng giai đoạn. Kết quả, sầu riêng cho trái thu hoạch 16,4 tấn/ha, cao hơn với ngoài mô hình 2,4 tấn/ha. Trái sầu riêng đạt chất lượng tốt, hạn chế hiện tượng sượng trái, cháy múi. Hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cao hơn so với đối chứng 388 triệu đồng/ha và năng suất cao hơn 14,5% so với đối chứng.

Đối với cây bưởi da xanh, năng suất trung bình đạt 14,5 tấn/ha, cao hơn 2,5 tấn/ha với ngoài mô hình. Hiệu quả kinh tế, lợi nhuận đạt được 225 triệu đồng/ha, cao hơn 78 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Nông dân tham gia mô hình nắm được quy trình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình, kỹ thuật xử lý ra hoa, rải vụ bưởi da xanh đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ, làm thay đổi không những về nhận thức và tập quán sản xuất của bà con nông dân, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. Mặt khác, còn làm tăng độ phì nhiêu của đất. Đồng thời, bảo vệ được hệ sinh vật trong đất và tập đoàn thiên địch.

Thời gian tới, cần tiếp tục thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Nông dân tham gia mô hình cần thường xuyên bổ sung phân hữu cơ kết hợp với acid humic để cải tạo và tăng độ phì cho đất. Các mô hình thâm canh xoài và sầu riêng cần tuân thủ theo khuyến cáo sử dụng paclobutrazol trong việc xử lý ra hoa, tránh lạm dụng khiến cây bị suy kiệt. Tiếp tục liên kết với doanh nghiệp xây dựng các mã số vùng trồng để nông dân yên tâm sản xuất. Tăng cường tuyên truyền về những kết quả đạt được từ mô hình để các hộ dân xung quanh đến tham quan và học tập.

Nguồn: Phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ

Trần Quốc

baodongkhoi.vn