Cà Mau: Bảo vệ nhóm lao động yếu thế

04:11 | 12/10/2022

|
Lao động tự do, hay còn gọi là lao động không hợp đồng, hiện nay phổ biến trên địa bàn tỉnh. Trên thực tế, không hợp đồng lao động thì đồng nghĩa với việc nhóm lao động này không được bảo vệ quyền lợi chính đáng. Bởi, khi làm việc, người lao động (NLÐ) và người sử dụng lao động chỉ có thoả thuận thông qua hợp đồng miệng.

Ông Lê Thành Nơi, Trưởng phòng LÐ-TB&XH, TP Cà Mau, lý giải: “Hiện tại, TP Cà Mau đang quản lý 539 công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh với 32.000 lao động. Tuy nhiên, đợt rà soát vừa qua khi thực hiện theo Quyết định 08/2022/QÐ-TTg ngày 28/3/2022 của Chính phủ về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLÐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, có 9.050 lao động được rà soát có nhu cầu hỗ trợ nhưng chỉ có hơn 6.000 lao động được nhận hỗ trợ theo đúng quy định. Dựa trên số liệu thực tế cho thấy, nhiều công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuê lao động vẫn còn tình trạng không đóng bảo hiểm hoặc không có hợp đồng lao động theo quy định”.

Thực tế đáng quan ngại hiện nay là con số lao động không hợp đồng vẫn chưa thể có thống kê chính xác. Bởi, nhiều cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh vẫn đưa ra với lý do là nhiều lao động không đủ bằng cấp hoặc đặc thù ngành nghề mà không thể ký hợp đồng lao động. Do có nhu cầu tìm việc làm nên nhiều lao động sẵn sàng làm việc mà quên rằng hợp đồng lao động mới có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân khi chẳng may xảy ra các sự cố tai nạn lao động.

Cà Mau: Bảo vệ nhóm lao động yếu thế
Trong số những lao động làm công nhật tại một số công ty, doanh nghiệp vẫn còn tình trạng chưa được tham gia hợp đồng theo đúng quy định. (Ảnh minh hoạ)

“Ðó là vấn đề mà chúng tôi rất băn khoăn và trăn trở khi rà soát số lao động trên địa bàn TP Cà Mau. Trên thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh và ngay cả các công ty, doanh nghiệp lớn, khi tuyên truyền vận động làm hợp đồng cho lao động vẫn tránh né và cho rằng nhu cầu, tiềm lực họ tới đâu thì thuê lao động tới đó. Chính vì vậy, khi xảy ra các sự cố lao động, không có cơ sở pháp lý nào ràng buộc người sử dụng. Phòng LÐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với UBND xã, phường thực hiện quyết liệt vấn đề này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLÐ. Thời gian tới sẽ rà soát từng đơn vị sử dụng lao động để kịp thời chấn chỉnh việc không bảo vệ quyền lợi cho NLД, ông Nơi cho biết thêm.

Có trên 3 năm làm việc, chị T.H.P, quản lý quán cà phê tại Phường 5, TP Cà Mau, chia sẻ: “Ðặc thù loại hình kinh doanh quán cà phê, thêm nữa nhân viên hay tự ý thay đổi công việc nên ở đây chúng tôi không ký hợp đồng lao động. Trừ khi nhân viên đó gắn bó với quán trên 1 năm, chúng tôi sẽ mua bảo hiểm y tế xuyên suốt cho những năm kế tiếp. Tại đây có khoảng 30 nhân viên, mỗi ngày chia làm 3 ca, từ 6 giờ sáng cho đến 22 giờ 30 phút. Mỗi giờ các bạn sẽ nhận từ 14.000-25.000 đồng tuỳ vào vị trí công việc và thâm niên gắn bó. Là mô hình kinh doanh hộ gia đình nên chúng tôi rất chia sẻ với các nhân viên, do vậy, bảo hiểm y tế và lợi nhuận hoa hồng là cách giúp các bạn có động lực, niềm tin để gắn bó dài lâu với công việc”.

Em Phạm Thị Kim Thoảng, ở xã Hoà Thành, TP Cà Mau, cho biết: “Em làm nhân viên ở quán cà phê hơn 2 năm. Mỗi tháng em nhận khoảng 6 triệu tiền lương, tháng nào doanh số cao thì được thưởng thêm khoảng 500.000 đồng. Gắn bó với quán hơn 1 năm thì chủ quán mua cho bảo hiểm y tế. Hiện tại thì em không có hợp đồng lao động”.

Hiện nay, đa số các doanh nghiệp đều tuân thủ giao kết hợp đồng lao động (HÐLÐ) với NLÐ để đảm bảo các chế độ cho NLÐ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp NLÐ vì nhận thức pháp luật còn hạn chế và cần có công ăn việc làm để trang trải cuộc sống nên vẫn chấp nhận làm việc khi người sử dụng lao động không giao kết HÐLÐ với họ.

Việc người sử dụng lao động không ký HÐLÐ gây ra rất nhiều thiệt hại cho NLÐ trước mắt và về sau. Do đó, Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật xác định rõ thời hạn và trách nhiệm của các bên trong việc giao kết HÐLÐ bằng văn bản. Trong hầu hết các trường hợp, do NLÐ ở vị thế yếu hơn nên không dám yêu cầu khi không được ký hợp đồng vì lo ngại quan hệ lao động sẽ xấu đi, khó làm việc với nhau. Trong những trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi của mình, NLÐ khi làm việc cần phải biết một số quy định của Nhà nước để tự bảo vệ quyền lợi cho mình, như quy định về thời gian thử việc và mức lương thử việc; mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm giao kết HÐLÐ; các quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm vào ban đêm; các quy định về tham gia BHXH...

Ông Huỳnh Văn Ðậm, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh, cho rằng: “Trước thực trạng như hiện nay, NLÐ phải hết sức khéo léo để bảo vệ quyền lợi của mình, một mặt kiến nghị người sử dụng lao động thực hiện giao kết HÐLÐ theo đúng quy định của pháp luật lao động; mặt khác, tìm cách thu thập và giữ các giấy tờ chứng tỏ mối quan hệ trong công việc của mình tại doanh nghiệp, như giấy trả lương, giấy phân công công việc, thẻ chấm công, thẻ nhân viên… cũng như là phản ánh với cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý doanh nghiệp theo quy định”./.

Nguồn: Bảo vệ nhóm lao động yếu thế

Hằng My

baocamau.com.vn