Cà Mau: Phát triển kinh tế hiệu quả trên đất rừng

10:15 | 20/12/2023

|
Ở tuổi ngoài 70, vợ chồng ông Nguyễn Văn Ánh và bà Hồ Thị Hồng, Ấp 12, xã Nguyễn Phích, vẫn miệt mài lao động sản xuất, áp dụng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mang về thu nhập khá cho gia đình, là tấm gương sáng sản xuất giỏi nhiều năm liền tại địa phương.
Cà Mau: Nỗ lực giữ thương hiệu Cua Năm CănCà Mau: Nỗ lực giữ thương hiệu Cua Năm Căn
Cà Mau: Khởi công Dự án nhà ở xã hội phường Tân XuyênCà Mau: Khởi công Dự án nhà ở xã hội phường Tân Xuyên

Năm 1990, vì cuộc sống khó khăn nên vợ chồng ông Nguyễn Văn Ánh ở huyện Ðầm Dơi, rời quê tìm về vùng đất U Minh lập nghiệp. Tại đây, ông được cấp 7 ha đất để sản xuất nông nghiệp và trồng rừng. Ngày nhận đất, gia đình mừng vui khôn tả, cứ ngỡ từ đây cuộc sống sẽ đỡ vất vả, thế nhưng, do đất bị nhiễm phèn nặng, lại hoang sơ, cây cỏ um tùm nên việc sản xuất nông nghiệp của gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Nhân chuyến làm việc tại huyện U Minh tháng 5/2023, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã đến tham quan mô hình sản xuất hiệu quả của ông Nguyễn Văn Ánh (thứ hai, từ phải sang) và tặng quà cho gia đình.

Ðể có tiền trang trải cuộc sống gia đình, vợ chồng ông Ánh phải làm đủ mọi nghề. Dành dụm được ít vốn, vợ chồng ông sắm phương tiện nhỏ để hành nghề khai thác biển, rồi chuyển qua mua bán ghẹ, cá, tôm... Cuộc sống gia đình ngày một khá hơn. Cũng nhờ nghề này, đến nay vợ chồng ông bà không chỉ dựng vợ gả chồng cho 4 người con mà còn sắm cho mỗi người một phương tiện khai thác biển, nhờ đó cuộc sống gia đình riêng của các con cũng khá ổn định.

Khoảng 6 năm trở lại đây, ông Ánh cải tạo 2 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả để trồng hơn 3 ngàn gốc mít Thái, đến nay mô hình này cho thu nhập khá. Bà Hồng chia sẻ: “Nhờ tích cực chăm sóc nên vườn mít mỗi năm mang về cho vợ chồng tôi từ 70-100 triệu đồng”.

Chưa dừng lại ở đó, vợ chồng ông Ánh và bà Hồng còn tận dụng đất trống xung quanh nhà trồng vú sữa, dừa và hoa màu; chăn nuôi gà nòi trên đất trống dưới vườn mít; tận dụng ao đìa nuôi cá đồng và ốc bươu đen. Các mô hình này cũng mang về cho ông bà từ 20-30 triệu đồng mỗi năm.

Kinh tế gia đình ổn định, ông Ánh và bà Hồng tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, nhất là xây dựng NTM với nhiều việc làm thiết thực như: trồng hàng rào xanh, xây dựng cảnh quan môi trường xung quanh nhà xanh - sạch - đẹp, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

Ông Huỳnh Thanh Tùng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Ấp 12, xã Nguyễn Phích, nhận xét: “Gia đình ông Nguyễn Văn Ánh có truyền thống cách mạng, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, đặc biệt là tích cực phát triển kinh tế gia đình, các mô hình kinh tế đều mang về nguồn thu nhập khá. Ngoài thu nhập từ trồng mít, nuôi gà, nuôi ốc... còn có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi khi khai thác tràm và keo lai. Mô hình sản xuất của vợ chồng ông Ánh được xem là một trong những mô hình điểm ở địa phương”./.

Nguồn: Phát triển kinh tế hiệu quả trên đất rừng

Trần Thể

baocamau.vn