Cần Thơ nỗ lực xây dựng nền tảng quy hoạch không gian dùng chung

04:12 | 13/09/2022

|
Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ cùng đơn vị tư vấn đã triển khai thực hiện các gói thầu thuộc hợp phần 3 (hợp phần hỗ trợ kỹ thuật) của Dự án 3. Hợp phần này nhằm tăng cường quản lý đô thị TP Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm rủi ro ngập lụt trong khu vực đô thị trung tâm và tăng cường kết nối giữa trung tâm thành phố với các khu vực phát triển đô thị mới có rủi ro thấp hơn, tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong việc quản lý rủi ro thiên tai.
Cần Thơ nỗ lực xây dựng nền tảng quy hoạch không gian dùng chung
Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ vừa tổ chức hội thảo đánh giá giai đoạn 1 dự án xây dựng nền tảng SPP.

Dự án 3 có tổng mức đầu tư hơn hơn 9.167 tỉ đồng; trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 250 triệu USD, vốn không hoàn lại từ SECO (Thụy Sĩ) 10 triệu USD và còn lại là vốn đối ứng hơn 3.348 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án 2016-2022 theo Hiệp định vay và mới được gia hạn đến 30-6-2024. Dự án góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ vùng lõi trung tâm của thành phố (quận Ninh Kiều và Bình Thủy) trước rủi ro do ngập lụt, tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố và các khu vực đô thị mới phát triển (các công trình giao thông trọng điểm), phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong việc quản lý rủi ro thiên tai. Dự án gồm 3 hợp phần: kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường (hợp phần 1), phát triển hành lang đô thị (hợp phần 2), tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (hợp phần 3).

Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, cùng đơn vị tư vấn đã triển khai thực hiện 2 gói thầu thuộc hợp phần 3. Cụ thể đối với gói thầu xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập (FRMIS) cho TP Cần Thơ (gói thầu CT3-CS-TV08), đã hoàn thành nghiên cứu và thiết kế cơ sở, xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập cho thành phố; đang trong giai đoạn xây dựng Trung tâm vận hành FRMIS tại Sở Xây dựng (đơn vị vận hành hệ thống), đặt trang thiết bị ngoại vi hệ thống SCADA ở các cống, kênh rạch và hệ thống truyền tải dữ liệu thực ngoài hiện trường, phục vụ công tác dự báo công tác phòng chống ngập lụt hiệu quả… Gói thầu xây dựng nền tảng quy hoạch không gian dùng chung (SPP) cũng cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, chuẩn bị qua giai đoạn 2.

Mới đây, Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ tổ chức hội thảo về nền tảng quy hoạch không gian dùng chung (SPP) nhằm báo cáo tiến độ gói thầu xây dựng nền tảng SPP, cũng như rút kinh nghiệm triển khai thực hiện thời gian qua. Đây là gói thầu CT3-PG-3.1: xây dựng nền tảng SPP với mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng tích hợp dữ liệu không gian cho TP Cần Thơ. Dự án có tổng cộng 85 lớp dữ liệu phải hoàn thành. Đến nay, cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, nhà thầu SPP đã chuyển đổi, chuẩn hóa hoàn thiện 25 lớp dữ liệu tại các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong giai đoạn 2 sẽ tiếp tục chuẩn hóa các lớp dữ liệu còn lại của các đơn vị trên địa bàn thành phố (60 lớp) và xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin quản trị dữ liệu SPP cho Cần Thơ.

Theo tư vấn SPP, hạng mục công việc hoàn thành giai đoạn 1 của dự án: báo cáo mô tả phần mềm mua sắm, cài đặt, danh sách phần cứng bổ sung và khuyến nghị, danh sách thiết kế cấu trúc cơ sở dữ liệu, báo cáo xây dựng thông tin metadata, báo cáo đánh giá dữ liệu nhóm, báo cáo quy trình chuyển đổi dữ liệu đã được chuẩn hóa, xây dựng metadata chi tiết cho từng lớp dữ liệu đã chuẩn hóa, bộ dữ liệu đã được chuẩn hóa, báo cáo tư vấn về quản trị dữ liệu cho TP Cần Thơ… Cơ sở dữ liệu dùng chung, các lớp dữ liệu sẵn sàng cho sử dụng là: nhóm lớp dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:2.000/1:5.000; nhóm lớp dữ liệu không gian địa chính (quận Ninh Kiều và Bình Thủy); nhóm dữ liệu thuộc tính của thửa đất (quận Ninh Kiều và Bình Thủy); nhóm lớp dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; nhóm dữ liệu về đa dạng sinh học; nhóm lớp dữ liệu quy hoạch sử dụng đất; lớp trạm quan trắc không khí và điểm lấy mẫu; lớp trạm quan trắc xâm nhập mặn; lớp trạm quan trắc nước mặt; dữ liệu tài nguyên thiên nhiên. Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:2.000 các khu đô thị; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 các khu đô thị; quy hoạch cây xanh TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt TP Cần Thơ năm 2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch chiếu sáng TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bản đồ khảo sát nền địa hình tỷ lệ 1:5000 cho 5 quận, huyện của TP Cần Thơ; nhóm dữ liệu về hộ gia đình từ dự án thành phần an sinh xã hội…

Theo ông Nguyễn Quang Minh, chuyên gia của đơn vị tư vấn (VietGIS), dự án nền tảng SPP mang lại hiệu quả trước tiên cho công tác quản lý của thành phố; dữ liệu nội bộ giữa các sở, ngành thành phố được chia sẻ dễ dàng trên môi trường số. Dự án cũng cung cấp thông tin công khai, dữ liệu mở cho cộng đồng, người dân, nhà đầu tư cũng có thể dựa vào thông tin này để đưa ra quyết định tham gia đầu tư tại thành phố.

Cần Thơ nỗ lực xây dựng nền tảng quy hoạch không gian dùng chung
Cần Thơ đang tập trung xây dựng nền tảng SPP, hướng tới giảm rủi ro ngập lụt trong khu vực đô thị trung tâm. Trong ảnh: Một góc đô thị thành phố nhìn từ trên cao. Ảnh: A. KHOA

Phấn đấu hoàn thành 85 lớp dữ liệu SPP

Trong giai đoạn 2 của gói thầu CT3-PG-3.1, dự án sẽ tiếp tục chuẩn hóa các lớp dữ liệu còn lại (các nhóm lớp, lớp dữ liệu được đề xuất bổ sung cho các sở, ngành) của các đơn vị là: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Công ty CP Cấp thoát nước… Theo ông Phạm Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, đối với dự án nền tảng SPP, Sở đã có nhiều lần đóng góp ý kiến, cung cấp dữ liệu về quy hoạch giao thông, bản đồ… để thực hiện mang lại hiệu quả cao. Sở đã được UBND thành phố chấp thuận đầu tư dự án giao thông thông minh giai đoạn 1, để tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố. Để xây dựng lớp dữ liệu cho ngành giao thông thành phố thời gian tới, Sở đề xuất giai đoạn 2 tích hợp các lớp lĩnh vực giao thông, ngành giao thông sẽ cử cán bộ truy cập và bổ sung dữ liệu hằng ngày.

Ông Nguyễn Hữu Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, cho rằng: Với vai trò là cơ quan đầu mối kết nối và chia sẻ dữ liệu, Sở đang xây dựng dự thảo về quy chế, về quản lý chia sẻ dữ liệu mang tính chất chung, dữ liệu toàn thành phố. Thành phố đang xây dựng kho dữ liệu dùng chung, trên cơ sở đó các hệ thống thông tin của các sở, ngành và các đơn vị có liên quan chia sẻ dữ liệu, kết nối đưa dữ liệu về kho dùng chung. Đối với dự án nền tảng SPP này đã triển khai thực hiện giai đoạn đầu, mua sắm bản quyền, chuyển đổi dữ liệu 25 lớp bản đồ, xây dựng cổng thông tin, chuyển giao, đào tạo công nghệ… cơ bản đáp ứng được yêu cầu bước đầu. Nhưng dữ liệu hiện nay cũng chưa đầy đủ và có thể một số dữ liệu cũ chưa được cập nhật thường xuyên, cho nên giá trị dữ liệu chưa cao, cần nhiều việc phải làm thêm. Nền tảng SPP rất quan trọng trong vấn đề chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh của thành phố trong thời gian tới, do đó cần xúc tiến nhanh giai đoạn 2, để các sở, ngành và đơn vị liên quan khai thác đồng bộ.

Tại hội thảo về nền tảng quy hoạch không gian dùng chung (SPP), ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Để thực hiện chuyển đổi số thì cơ sở dữ liệu dùng chung SPP rất quan trọng. Qua báo cáo sơ bộ về giai đoạn 1 của dự án thì cơ sở dữ liệu mới có 3 sở, ngành, với 25 lớp dữ liệu. Các sở, ngành thành phố cần tiếp tục phối hợp tư vấn bàn giao 60 lớp dữ liệu để hoàn thành 85 lớp dữ liệu SPP của dự án, từ nay đến cuối năm 2022. Sở Thông tin và Truyền thông quản lý và chịu trách nhiệm chính về cơ sở dữ liệu dùng chung, các sở ngành còn lại quản trị từng phần nội dung của đơn vị mình.

Nguồn: Cần Thơ nỗ lực xây dựng nền tảng quy hoạch không gian dùng chung

Anh Khoa

baocantho.com.vn