Đồng Nai: Nuôi đặc sản theo mô hình tuần hoàn

04:10 | 06/08/2023

|
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, mô hình nuôi những vật nuôi đặc sản một thời cho lãi khủng càng khó cạnh tranh. Theo đó, phong trào nuôi vật đặc sản thu hút đông đảo nông dân tham gia rồi thất bại vì đặc sản giá cao không dễ bán.
Đồng Nai: Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 2 dự án thủy điệnĐồng Nai: Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 2 dự án thủy điện
Đồng Nai có nhiều nỗ lực giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, người dânĐồng Nai có nhiều nỗ lực giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, người dân
Đồng Nai: Nuôi đặc sản theo mô hình tuần hoàn
Mô hình nuôi chồn hương bán con giống của ông Nguyễn Quốc Nghị, nông dân tại xã La Ngà, H.Định Quán

Nhưng có nhiều nông dân vẫn kiên trì với vật nuôi đặc sản và điều chỉnh về quy mô, đồng thời đa dạng sản phẩm theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn vẫn làm giàu được trong khó khăn.

* Không chạy theo phong trào

Mô hình nuôi vật đặc sản như: chồn hương, trăn, rắn, ba ba, cá sấu… là dòng sản phẩm giá cao, kén khách hàng. Tuy có những nông dân làm giàu nhờ nuôi đặc sản nhưng đây không phải mô hình phổ biến mà ai cũng có thể tham gia vì vốn đầu tư lớn, rủi ro cao nếu không giàu kinh nghiệm. Chính vì vậy, để nuôi đặc sản thành công, người nuôi phải đáp ứng được điều kiện cần và đủ.

Theo nông dân NGUYỄN QUỐC NGHỊ, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, người nuôi không nên đầu tư nuôi các loại đặc sản giá cao với quy mô lớn mà cần nhìn vào nhu cầu của thị trường để điều chỉnh sản lượng cho phù hợp.

Ông Nguyễn Quốc Nghị, nông dân nuôi đặc sản tại xã La Ngà, H.Định Quán có hơn 20 năm nuôi các loại đặc sản như: cá sấu, trăn, rắn, chồn hương, nhím… Ông chọn nuôi nhiều con đặc sản có chung đặc điểm là ít công chăm sóc, giá bán lại cao vì khó nuôi đại trà. Ông kiên trì giữ nghề ngay cả những năm loại đặc sản rơi vào cảnh rớt giá. Ông Nghị dẫn chứng: “Hiện tôi đang bán thịt rắn thương phẩm tại trại với giá khoảng 430 ngàn đồng/kg. Đây là mức lợi nhuận cao. Trước đây, nhiều người chạy theo phong trào nuôi rắn bị thất bại, có những năm giá giảm sâu vì khó tiêu thụ do Trung Quốc ngưng nhập khẩu”. Theo ông Nghị, vì mô hình nuôi đặc sản cần vốn đầu tư cao nên đòi hỏi người nuôi phải có đầu óc, có kỹ thuật và cả “lá gan” nữa. Yếu tố quyết định thành bại là ở kinh nghiệm, tay nghề người nuôi để biết cách nuôi cho con vật nhanh lớn, biết xử lý khi vật nuôi bị dịch bệnh. Ví dụ như với con cá sấu, ngày trước rủi ro dịch bệnh rất ít nhưng ngày nay xuất hiện nhiều dịch bệnh, nhất là bệnh chết đột ngột, nếu thiếu kinh nghiệm là thất bại. Nhờ giỏi tay nghề nên không chỉ nuôi vật nuôi thương phẩm mà tự làm giống vừa giảm chi phí đầu tư, vừa có thêm nguồn thu từ bán giống. Ở đây, kinh nghiệm nuôi đều được tích lũy từ quá trình học hỏi, nhất là phải trả học phí từ quá trình thực tế sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Phong cũng là nông dân có kinh nghiệp lâu năm nuôi các giống đặc sản như: chim trĩ, gà rừng… Trang trại của ông đang liên kết với nhiều hộ dân tại địa phương để nhân rộng mô hình nuôi đặc sản và bao tiêu sản phẩm cho họ. Ông Phong chia sẻ: “Nuôi chim trĩ phù hợp với nông nghiệp đô thị vì có thể tận dụng diện tích nhỏ, lợi nhuận cao hơn nhiều so với nuôi các loài gia cầm khác. Người nuôi phải bỏ công tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để hạn chế rủi ro hao hụt đồng, thời phải tìm hiểu để nắm về nhu cầu thị trường trước khi đầu tư”.

* Nâng cấp cho đặc sản

Nhằm nâng tầm đặc sản để có đầu ra ổn định hơn, một số HTX, trang trại nuôi đặc sản trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm đến đầu tư nuôi theo quy chuẩn VietGAP, hữu cơ, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, tham gia chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) hoặc để tạo niềm tin của người tiêu dùng.

Ông Hoàng Công Phước, Giám đốc HTX Nông trại Dốc Mơ (Dốc Mơ Farm) cho biết, nông trại đang cung cấp rất nhiều đặc sản ra thị trường như: heo lai rừng, thỏ… Tất cả các sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi tại nông trại đều được sản xuất hữu cơ. Ngoài sản phẩm tươi, nông trại đầu tư chế biến để ra nhiều món ngon độc lạ phục vụ thực khách như: Ức vịt lạnh, xúc xích tỏi, Rillettes đùi vịt… với mục tiêu tạo ra những sản phẩm nông nghiệp tốt, có giá trị bền vững cho cả môi trường và con người.

Chia sẻ câu chuyện làm giàu nhờ nuôi đặc sản, ông Nguyễn Quốc Nghị cho biết thêm, ông đầu tư trang trại nuôi đặc sản theo mô hình vườn - ao - chuồng với quy trình khép kín. Ví dụ như thức ăn nuôi con chồn hương là trái cây trong vườn nhà. Trại ông nuôi khoảng 800 con cá sấu với nguồn thức ăn là gà con loại thải, bị chết nên chi phí rất rẻ. Có ao nuôi cá tạp để tận dụng các mồi dư, nguồn phân của rắn, cá sấu làm thức ăn cho cá. Nuôi các loại đặc sản theo chuỗi tuần hoàn trên không chỉ giúp ông giảm chi phí mà còn hạn chế rủi ro về đầu ra khi vật nuôi này rớt giá thì lợi nhuận từ vật nuôi khác bù vào. Ngoài đa dạng đặc sản nuôi, ông Nghị còn lập kênh YouTube để giới thiệu trại nuôi đặc sản của mình. Hiện khách mối là các quán ăn, nhà hàng đặt mua lẻ trực tiếp khoảng 30% sản lượng nuôi, số lượng còn lại bán cho thương lái nên ông chủ động hơn về đầu ra, sản phẩm cũng bán được với giá tốt hơn.

Nguồn: Nuôi đặc sản theo mô hình tuần hoàn

Bình Nguyên

baodongnai.com.vn