Đồng Nai: Phát triển bền vững dòng sông

04:20 | 16/01/2023

|
Cùng với sông Sài Gòn, sông Đồng Nai là một trong 2 dòng sông lớn của khu vực Đông Nam bộ và chảy qua nhiều địa phương của tỉnh Đồng Nai.
Đồng Nai: Xuất siêu chiếm hơn một nửa của cả nướcĐồng Nai: Xuất siêu chiếm hơn một nửa của cả nước
Đồng Nai: 20 năm làm cầu nối chăm lo Tết cho người nghèoĐồng Nai: 20 năm làm cầu nối chăm lo Tết cho người nghèo
Phát triển bền vững dòng sông Đồng Nai
Sông Đồng Nai đoạn chảy qua cầu Đồng Nai. Ảnh: Lò Văn Hợp

Từ lâu đời, dòng sông đã nuôi sống bao thế hệ cư dân Việt và nay trong thời buổi công nghiệp hóa vẫn là một nguồn tài nguyên - tài sản vô giá cho cả vùng Đông Nam bộ. Việc phát huy giá trị nhiều mặt của dòng sông, nhất là cảnh quan hai bên sông đã và đang là vấn đề đặt ra cho các nhà quy hoạch - xây dựng.

* Linh hồn của đô thị công nghiệp Biên Hòa

Từ thuở người Việt mới từ phía Bắc vào phương Nam định cư, vùng đất cù lao Phố với dòng sông Đồng Nai đoạn chảy qua vùng đất Trấn Biên xưa với nhiều đoạn mặt sông rộng, hợp lưu của 2 nhánh sông, hình thành nhiều cù lao màu mỡ, giao thông thủy bộ thuận tiện đã thôi thúc các bậc tiền nhân sớm định cư trên vùng đất này.

Trải qua thời gian, dù cù lao Phố dần mất vai trò một thương cảng sầm uất để nhường chỗ cho các cảng khác thuận lợi cho tàu bè lớn ra vào như: Cảng Đồng Nai, Cảng Sài Gòn, Cảng Hiệp Phước…và đi liền với đó là quá trình hình thành nên Khu công nghiệp Biên Hòa 1 - khu công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thì dòng sông Đồng Nai vẫn giữ vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập, nhất là đối với loại hàng hóa, nguyên vật liệu cồng kềnh.

Có thể nói với một đô thị đông dân như Biên Hòa thì không thể thiếu những dự án chỉnh trang đô thị ven sông.

Và đi liền với quá trình phát triển kinh tế, nhất là công nghiệp là sự mọc lên của những khu dân cư, khu đô thị để đến nay, Biên Hòa trở thành địa phương cấp huyện có dân số đông nhất nước với hơn 1,3 triệu người. Và có điều kiện gắn bó với đô thị Biên Hòa thì mới hiểu được sức sống của không gian sống hình thành ven sông.

Năm 2016, khi tôi mới đến nhận công tác tại Biên Hòa, thời gian đầu người đi tập thể dục, đi dạo công viên Nguyễn Văn Trị chưa nhiều nhưng đến nay, công viên đã trở thành một sân chơi công cộng thu hút một lượng đáng kể cư dân sống ở các phường xung quanh đến tập thể dục mỗi sáng, tối. Tại đây thường xuyên trưng bày các tiểu cảnh, hình ảnh tuyên truyền cho các sự kiện lớn của TP.Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai. Nơi đây thu hút được nhiều thanh niên đến vui chơi lành mạnh, làm cho không gian bên sông trở nên sống động và đáng yêu vô cùng.

* Kiến tạo những không gian đô thị ven sông

Nhìn sang địa phương bạn là TP.HCM, tiền nhân đã biết tận dụng dòng sông để xây dựng nhiều công trình nhà xưởng, khu dân cư, khách sạn, nhà hàng vừa là điểm nhấn trong kiến trúc đô thị, vừa phát huy giá trị nhiều mặt của dòng sông trong phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nhận ra, nếu TP.HCM không có những bến Bạch Đằng, cảng Khánh Hội, nhà máy đóng tàu Ba Son, loạt khách sạn sang trọng được xây dựng từ thời Pháp thuộc như Majsestic, Riverside thì nơi đây có được ví như hòn ngọc Viễn Đông? Tiếp nối quan điểm phát triển của người xưa, trong hơn 10 năm gần đây, một loạt cao ốc mới mọc lên kiêu hãnh, vươn cao bên sông Sài Gòn đã góp phần tạo nên nét hiện đại cho một đô thị hơn 10 triệu dân.

Và với dòng sông Đồng Nai có lẽ cũng không nằm ngoài quy luật phát triển ấy. Một loạt dự án chỉnh trang đô thị, làm đường ven sông Cái và đường nối với đường ven sông đang được triển khai để giúp người dân thành phố công nghiệp Biên Hòa tiếp cận với không gian sống hiện đại vừa được tận hưởng được không khí mát mẻ của con sông để làm dịu đi cái nóng của vùng đất miền Đông.

Trong điều kiện dân số ngày càng tăng cơ học thì quỹ đất ven sông càng ít đi nên bắt buộc phải tính đến những công trình cao tầng để tận dụng tối đa quỹ đất, tăng tiện ích - điều kiện sống văn minh cho một bộ phận cư dân thành phố. Vấn đề đặt ra là các dự án cần có đánh giá tác động môi trường kỹ càng, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp đầu tư, đảm bảo người dân có đất bị giải tỏa không bị thua thiệt và có mức sống bằng hoặc cao hơn so với trước khi triển khai dự án.

Nhìn sang các nước khác như Pháp, Anh, Nga thì việc tận dụng cảnh quan bên sông chảy qua thủ đô để xây dựng các công trình kiến trúc điểm nhấn đã trở thành một phần của lịch sử phát triển. Và ở nước ta, TP.Hà Nội cũng đang triển khai Quy hoạch đô thị ven sông Hồng để phát huy giá trị nhiều mặt của con sông trong quá trình phát triển và hội nhập.

Theo các chuyên gia kiến trúc thì đặt trong bối cảnh TP.Biên Hòa đang chuyển đổi công năng một số khu công nghiệp ở trung tâm đô thị như Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và các cơ sở sản xuất gốm truyền thống thì việc bảo tồn không gian văn hóa - kiến trúc của con sông cần đi đôi với quy hoạch xây dựng các khu dân cư mới bên sông để phát huy giá trị của con sông trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo lợi thế trong thu hút đầu tư - tạo nên các công trình kiến trúc đặc sắc, tô điểm thêm cho diện mạo của một đô thị công nghiệp và qua đó góp phần làm giàu thêm di sản của dòng sông.

Trong đó, đáng chú ý là cần tính đến việc tạo lập các công viên ven sông đủ lớn tạo sân chơi cho người dân kết hợp quảng trường để tổ chức các sự kiện lớn trên sông, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa - tập luyện thể dục thể thao của một đô thị Biên Hòa có dân số hơn 1,3 triệu người và của tỉnh có dân số đứng thứ 5 cả nước như Đồng Nai...

Nguồn: Phát triển bền vững dòng sông Đồng Nai

Văn Phong

www.baodongnai.com.vn