Đồng Nai: Tháo gỡ khó khăn cho thương mại xuyên biên giới

14:48 | 01/03/2023

|
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp (DN) trong cả nước, mặc dù thủ tục hành chính ở nhiều bộ, ngành liên quan đến thương mại hàng hóa xuyên biên giới đã được cải thiện, nhưng DN xuất - nhập khẩu vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Đồng Nai: Tháo gỡ khó khăn cho thương mại xuyên biên giới
Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Vào cuối tháng 2, góp ý tại diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các DN nhận định việc thiếu thông tin, những thay đổi trong chính sách và vấn đề kiểm tra chuyên ngành đang là điểm nghẽn trong hoạt động kinh doanh của nhiều công ty.

* DN ngại kiểm tra chuyên ngành

Khảo sát của VCCI cho thấy, việc thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã tác động đến thủ tục và quy trình xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Các DN đánh giá thủ tục đã từng bước được đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết song DN vẫn còn gặp không ít khó khăn, cần được hướng dẫn và tháo gỡ.

Ông Trương Đức Trọng, thành viên Ban pháp chế VCCI, cho biết: “Kết quả từ một số khảo sát giai đoạn 2020-2022, khoảng 38% trong số DN được khảo sát vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN quy mô lớn và hoạt động lâu năm. Những khó khăn này được DN nêu rõ là các quy định thiếu nhất quán và sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan gây ra những khó khăn cho họ khi thực hiện nghĩa vụ thuế”.

Cũng theo ông Trọng, vẫn còn tình trạng thời gian kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra bị chồng chéo. DN thường gặp trở ngại ở giai đoạn trước khi khai hải quan và ở giai đoạn khai hải quan.

Đặc biệt, việc quản lý và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập, trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp; danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều. Thủ tục kiểm tra chuyên ngành đa số được thực hiện tập trung tại các cửa khẩu nhưng vẫn có trường hợp DN phải tới tận các bộ, ngành mới giải quyết xong việc.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai lấy ví dụ: “Như mặt hàng kính xây dựng, trước thời điểm năm 2021 chỉ cần có giấy chứng nhận chất lượng của đơn vị thứ 3 được Bộ Xây dựng chỉ định thì tờ khai được thông quan. Hiện nay, ngoài phần việc trên còn phải làm thêm bước nộp hồ sơ với Sở Xây dựng để ra kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu mới được thông quan hàng hóa. Đáng nói là tất cả các bước trong quy trình như việc đăng ký, nhận kết quả, nộp thông báo để thông quan tờ khai đều đang phải thực hiện với hồ sơ giấy nên mất nhiều thời gian đi lại của DN”.

* Cần tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp, vấn đề lớn nhất hiện nay trong tạo thuận lợi thương mại là phải cắt giảm được chi phí cho DN. Để tháo gỡ khó khăn, cần có chính sách khuyến khích DN tự giác tuân thủ pháp luật và mở rộng quản lý rủi ro, giảm tần suất kiểm tra thực tế.

Muốn làm được điều đó, ông Hiệp kiến nghị khi hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa thể gom về một đầu mối thì cần tăng cường chuyển đổi số, đảm bảo truyền dữ liệu thông suốt giữa các đơn vị quản lý. Song song đó, tiếp tục mở rộng mạng lưới đại lý hải quan làm “cánh tay nối dài” hỗ trợ DN trong việc thực hiện, tuân thủ đúng các quy định về xuất - nhập khẩu.

Về phần DN, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Tạ Quang Huyên mong muốn việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được đơn giản hóa các hồ sơ, tài liệu. Đồng thời, cần tạo cơ chế để giúp cho các DN vẫn tuân thủ đúng quy định về xuất khẩu nhưng giảm thiểu tối đa thời gian các thủ tục hành chính, tăng tốc độ xuất khẩu hàng hóa, kịp thời giao hàng và bộ chứng từ đáp ứng thời gian, tiến độ của các đối tác nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.

Không chỉ trong lĩnh vực thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, để hỗ trợ, thúc đẩy xuất khẩu thì một trong những vấn đề mà DN quan tâm hiện nay chính là hỗ trợ tiếp cận vốn vay và chính sách thuê đất, giúp DN “dễ thở” hơn. “Các DN thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, khi thị trường từng bước hồi phục, nhu cầu vốn cho sản xuất là rất lớn. Cũng cần phải nói thêm rằng, về lâu dài, cần hỗ trợ DN trong các chính sách tiếp cận đất đai, thuê đất trong các khu, cụm công nghiệp. Có như vậy mới kích thích được quyết tâm đổi mới, gia tăng sản xuất, kinh doanh của DN” - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện bày tỏ.

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, để hỗ trợ hoạt động xuất - nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, năm 2023, đơn vị sẽ triển khai hiệu quả các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại, phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN. Những vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách cũng được Hải quan Đồng Nai ưu tiên giải quyết nhằm tạo môi trường hoạt động xuất - nhập khẩu minh bạch, bình đẳng cho DN.

Nguồn: Tháo gỡ khó khăn cho thương mại xuyên biên giới

Văn Gia

baodongnai.com.vn