Giá dầu hôm nay 12/1/2022 tăng vọt, dầu Brent tiến mức 84 USD/thùng

07:46 | 12/01/2022

|
Lo ngại nguồn cung thắt chặt trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức cao và không chịu nhiều ảnh hưởng của biến thể Omicron khiến giá dầu hôm nay đồng loạt tăng mạnh.
Giá dầu hôm nay 11/1/2022 bất ngờ lấy lại đà tăngGiá dầu hôm nay 11/1/2022 bất ngờ lấy lại đà tăng
Giá dầu hôm nay 10/1/2022 tiếp đà giảm mạnhGiá dầu hôm nay 10/1/2022 tiếp đà giảm mạnh

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 12/1/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 81,25 USD/thùng, tăng 0,03 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 11/1, giá dầu WTI giao tháng 2/2022 đã tăng tới 2,64 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 83,61 USD/thùng, giảm 0,11 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 2,45 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 11/1.

Giá dầu hôm nay 12/1/2022 tăng vọt, dầu Brent tiến mức 84 USD/thùng

Sau 2 phiên giảm giá liên tiếp do lo ngại về số ca nhiễm mới Covid-19 tăng vọt có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, giá dầu đã lấy lại đà tăng trong phiên 11/1 khi những lo ngại này dần hạ nhiệt bởi các đánh giá mới nhất về Omicron cho thấy biến thể này có thể là hồi kết của đại dịch.
Giá dầu ngày 12/1 có xu hướng tăng mạnh khi mà thị trường lại dấy lên những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Ngoài ra, năng lực sản xuất hạn chế của một số nước thành viên OPEC+ khiến mục tiêu tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 12/2021 và có thể cả những tháng đầu năm 2022 cũng là tác nhân thúc đẩy giá dầu đi lên.

Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA nói với Reuters: “Các yếu tố cơ bản vẫn lạc quan đối với dầu thô, đặc biệt nếu OPEC tiếp tục cố gắng để đạt được hạn ngạch, khi nhu cầu tăng lên”.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do giới đầu tư lo ngại tình trạng bất ổn ở Kazakhstan có thể đặt thị trường năng lượng thế giới trước những rủi ro lớn.

Kazakhstan hiện sản xuất hơn 40% urani trên thế giới, nguyên liệu chính cho các lò phản ứng hạt nhân. Chính vì vậy, nếu có bất kỳ một sự gián đoạn nào về nguồn cung urani thì nó cũng sẽ đẩy nhiều nền kinh tế vào tình trạng thiếu hụt năng lượng trầm trọng.

Là nước thành viên của OPEC+, Kazakhstan hiện đang khai thác khoảng 1,6 triệu thùng dầu/ngày. Bởi vậy, nếu tình trạng bất ổn ở quốc gia Trung Á này không sớm được giải quyết và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất dầu thô của nước này, tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô sẽ lớn hơn.

Bên cạnh đó, Kazakhstan còn được biết đến là nước xuất khẩu than đá hàng đầu. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năm 2018, Kazakhstan là nước xuất khẩu than và dầu thô lớn thứ 9 thế giới và đứng thứ 12 về khí đốt tự nhiên.

Với những dữ liệu trên, giới đầu tư lo ngại nếu tình trạng bất ổn ở Kazakhstan kéo dài, thị trường năng lượng toàn cầu có thể phải đối diện với sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, trong đó có dầu thô.

Tại thị trường trong nước, thực hiện theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, ngày 11/1, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 11/1.

Căn cứ trên tình hình thực tế, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng (Quỹ BOG) E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 450 đồng/lít, dầu diesel ở mức 100 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut ở mức 500 đồng/kg. Đồng thời không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu tại kỳ điều hành giá hôm nay.

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92: không cao hơn 23.159 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 23.876 đồng/lít; giá dầu diesel không cao hơn 18.239 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 17.138 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.362 đồng/kg.

Nguồn: Giá dầu hôm nay 12/1/2022 tăng vọt, dầu Brent tiến mức 84 USD/thùng

Hà Lê

petrovietnam.petrotimes.vn