Ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản tham vọng toàn cầu

09:53 | 01/04/2024

|
Các công ty giải trí hàng đầu Nhật Bản đã thay đổi chiến lược và đangđưa các nghệ sĩ của mình tiếp cận thị trường nước ngoài.

Tấn công thị trường toàn cầu

Nhóm nhạc tân binh XG đã gây được tiếng vang lớn tại lễ hội KCON LA vào tháng 8/2023, với màn cover bản hit năm 2011 của 2NE1 I Am the Best. Biểu diễn trước hàng chục ngàn người ở Los Angeles, 7 cô gái trẻ tự tin và cuốn hút chẳng kém cạnh bất kỳ nhóm nhạc K-pop nào.

XG đang hướng tới Super Bowl, bảng xếp hạng Billboard và Coachella.

Ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản tham vọng toàn cầu
XG là một trong số ngày càng nhiều nghệ sĩ Nhật Bản thâm nhập vào Mỹ và châu Âu.

Nhóm nhạc nữ mới của J-pop liên tục tham dự các lễ hội trên khắp thế giới và bán hết vé showcase đầu tiên tại Nhật. Họ đang lên kế hoạch cho một chuyến lưu diễn toàn cầu, bắt đầu vào tháng 5/2024.

Simon Park, nhà sản xuất của nhóm XG, cho biết: “Chúng tôi mong muốn quảng bá XG ra toàn thế giới”.

XG là một trong số ngày càng nhiều nghệ sĩ Nhật Bản thâm nhập vào Mỹ và châu Âu. Trong khi XG đi theo mô hình nhóm nhạc thần tượng kiểu K-pop, thì các ngôi sao J-pop khác, chẳng hạn như bộ đôi nhạc pop Yoasobi và ca sĩ Ado, nổi tiếng nhờ những ca khúc trong chương trình anime (truyện tranh kỹ thuật số).

Tất cả những điều này đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ đối với J-pop, nơi mà ngành công nghiệp âm nhạc phụ thuộc rất nhiều vào thị trường khán giả trong nước trong nhiều thập kỷ.

Với giá trị 2,2 tỷ USD, Nhật Bản là thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. J-pop đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Nhật Bản cho biết doanh thu từ các nguồn kỹ thuật số năm 2023 của J-pop đã tăng lên 35%, từ khoảng 21% vào năm 2018.

Ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản tham vọng toàn cầu
Các nghệ sĩ Nhật Bản đang ngày càng chú trọng mở rộng thị trường quốc tế.

Theo Luminate Data, thị phần của J-pop trong 10.000 bản nhạc hàng đầu được phát nhiều nhất trên toàn thế giới đã tăng hơn một nửa lên mức 2,1% vào năm 2023. Mặc dù tỉ lệ này vẫn còn nhỏ nhưng nó đang tiến sát đến thị phần các bài hát tiếng Hàn, chiếm khoảng 2,4% thị phần vào năm 2023.

Mặc dù K-pop là thể loại âm nhạc châu Á đầu tiên thâm nhập thành công vào thị trường Mỹ nhưng J-pop lại có lịch sử lâu đời hơn.

Nhạc pop Nhật Bản, lấy cảm hứng từ nhạc jazz và blues phương Tây, đã ra đời cách đây một thế kỷ. J-pop bắt đầu nổi tiếng toàn cầu dưới thời Johnny Kitagawa, một ông trùm âm nhạc quyền lực, người đã kiểm soát ngành công nghiệp Nhật Bản trong nhiều thập kỷ và mở đường cho các nhóm nhạc thần tượng.

Tận dụng các nền tảng số để hiện thực hóa tham vọng

Hiện tại, các công ty giải trí Nhật Bản cũng đang phát triển theo hướng thành công của K-pop. Họ nhận thấy tầm quan trọng của các nền tảng như YouTube và X (trước đây gọi là Twitter), có thể giúp các nghệ sĩ giao tiếp trực tiếp với người hâm mộ và thâm nhập vào Mỹ.

Trong khi đó, tập đoàn Sony, tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản, cũng đang thúc đẩy đà phát triển toàn cầu bằng cách tối đa hóa tài sản văn hóa mạnh nhất của đất nước là anime.

Ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản tham vọng toàn cầu
Các nghệ sĩ tận dụng nền tảng xã hội để hiện thực hóa tham vọng toàn cầu.

Được hỗ trợ bởi Sony Music, các bài hát của Yoasobi, chẳng hạn như Idol, dành cho các chương trình anime trên Netflix đã trở thành những bản hit lớn. Thậm chí, bộ đôi còn được mời biểu diễn tại Lễ hội Âm nhạc và nghệ thuật Coachella (Mỹ) năm nay.

Tương tự, Ado, nổi tiếng là ca sĩ thực lực thuần túy, đã bất ngờ đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc nhờ New Genesis, một bài hát cho bộ phim hoạt hình One Piece Film: Red. Ca khúc còn trở thành bài hát tiếng Nhật đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng 100 toàn cầu của Apple.

Ado hiện đang thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới với sự hỗ trợ từ Universal Music và Crunchyroll, nền tảng phát trực tuyến anime lớn nhất thế giới.

Cùng công thức tận dụng sức mạnh của anime, Bling-Bang-Bang-Born của bộ đôi hip-hop Creepy Nuts, nhạc nền mở đầu cho phần hai của chương trình anime Mashle: Magic and Muscles, hiện là bản hit lớn nhất trong số các bài hát J-pop tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay.

Theo Luminate, khoảng 20% người nghe nhạc gen Z ở Mỹ và Hàn Quốc đang khám phá âm nhạc Nhật Bản thông qua anime.

Khi ngành công nghiệp J-pop phát triển, các nghệ sĩ và bộ đôi Nhật Bản hiện đang tạo ra âm nhạc kết hợp giữa electropop và hip-hop. Các bài hát của XG cũng không hoàn toàn là thể loại nhạc J-pop hay K-pop điển hình và các thành viên gọi thể loại của họ là X-pop. Điều họ muốn là tạo ra một concept và thể loại chưa từng tồn tại trước đây.

“Chúng tôi đang mơ ước được biểu diễn tại Super Bowl hoặc đứng đầu bảng xếp hạng Billboard hoặc biểu diễn tại Coachella”, Chisa, ca sĩ 21 tuổi của XG, cho biết.

Coachella Valley Music and Arts Festival hay Lễ hội âm nhạc và nghệ thuật Thung lũng Coachella (gọi tắt: Lễ hội Coachella hoặc Coachella) là lễ hội âm nhạc và nghệ thuật được tổ chức thường niên tại Empire Polo Club ở Indio, California.

Coachella là một trong những nhạc hội quy mô, nổi tiếng và thu nhiều lợi nhuận nhất Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới. Năm 2017, festival này chào đón 250.000 người, đạt lợi nhuận 114,6 triệu USD. (Theo Wikipedia)

Nguồn: Ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản tham vọng toàn cầu

Hương Chung

www.phunuonline.com.vn