Nồm ẩm và những biện pháp ứng phó

10:03 | 17/02/2025

|
Thời tiết nồm ẩm với đặc điểm là nền nhiệt ẩm thấp, không khí ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh phát triển. Vậy làm thế nào để bảo vệ sức khỏe trong tiết trời nồm ẩm?

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3 là thời điểm Hà Nội và các tỉnh miền Bắc bước vào giai đoạn nồm ẩm. Nhiệt độ trung bình dao động từ 18 - 22°C, độ ẩm không khí có thể lên tới 90 - 95%, kèm theo mưa phùn và sương mù dày đặc. Đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, nấm mốc phát triển, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt. Chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội trong những ngày sau Tết cũng đáng chú ý.

Nồm ẩm và những biện pháp ứng phó
Nồm ẩm sẽ phụ thuộc vào các đợt gió mùa Đông Bắc. Ảnh minh họa

Nồm ẩm là hiện tượng đọng nước trên bề mặt tường, nền nhà, đồ vật, các bề mặt cứng như gỗ, đá... xảy ra khi độ ẩm không khí lên cao (độ ẩm 90% trở lên sẽ có hiện tượng nồm). Đây là một hiện tượng đặc trưng của phía Đông Bắc Bộ, thường xảy ra vào cuối mùa Xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) gây bất tiện cho sinh hoạt và ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe con người.

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết nồm ẩm kết hợp với ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính khiến các bệnh về hô hấp như viêm phế quản, viêm xoang, hen suyễn gia tăng. Đặc biệt, trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Trưởng - Bệnh viện Nhi T.Ư, thời tiết nồm ẩm làm con người dễ bị viêm đường hô hấp hơn. Các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới gia tăng như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản. Bên cạnh đó, nồm ẩm kết hợp với ô nhiễm không khí sẽ làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn, có thể dẫn viêm phổi.

Các cách để bảo vệ sức khỏe trước nồm ẩm:

Lau nhà bằng giẻ khô:

Để đối mặt với nồm ẩm, nhiều bà nội trợ không ngại lau dọn thường xuyên để nhà khô sạch.

Nhưng dù bạn có lau bằng nước nóng, ngôi nhà cũng khó mà bớt ẩm ướt. Cách tốt nhất lúc này là hãy dùng giẻ khô, sạch để lau nước trên nền nhà.

Bật điều hòa chế độ khô:

Bố trí quạt thông gió phòng bếp và phòng tắm để không khí được thông thoáng. Giảm độ ẩm trong nhà bằng máy hút ẩm, điều hòa: Độ ẩm lý tưởng khoảng 40-60%.

Sử dụng các vật liệu hút ẩm:

Sử dụng máy hút ẩm giúp cho ngôi nhà của bạn được khô thoáng, sạch sẽ.

Sử dụng tinh dầu thơm:

Để tránh mùi hôi do trời nồm, bạn có thể sử dụng tinh dầu thơm để ở góc nhà. Nên dùng các mùi nhẹ như lavender, chanh để ngôi nhà có mùi thơm dễ chịu nhất.

Trồng cây có tính hút ẩm:

Trồng các loại cây có tính hút ẩm tốt trong nhà như lan ý, nguyệt quế, chanh vàng, lá bỏng, lưỡi hổ, bàng cảnh… cũng được xem là một giải pháp vừa thân thiện với môi trường, vừa giúp thanh lọc không gian, điều hòa không khí và mang lại không gian thoáng đãng cho căn nhà của bạn.

Vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân:

Quần áo khó khô hẳn khi độ ẩm quá cao nên nếu có thể, hãy dùng máy sấy, bàn là ủi đồ trước khi mặc để tránh nấm mốc và các bệnh ngoài da.

Chế độ ăn và tập luyện:

Bảo đảm chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; duy trì việc luyện tập thể dục (có thể thực hiện trong nhà nếu ngoài trời mưa) để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Nồm kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào các đợt gió mùa Đông Bắc thổi vào nước ta, diễn ra khác nhau chứ không cố định vào thời điểm cụ thể nào.
Thông thường, nồm ẩm sẽ bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 4. Mỗi đợt nồm ẩm kéo dài vài ngày, thậm chí vài tuần, mức độ nồm cao hay thấp phụ thuộc vào chênh lệch nhiệt độ giữa bề mặt và nhiệt độ không khí.

Nguồn:Nồm ẩm và những biện pháp ứng phó

Ngọc Long

thuonghieuvaphapluat.vn