Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?

15:05 | 02/03/2022

|
Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy gần hai thập kỷ chậm tiến độ và “dính” nhiều sai pham nhưng không hiểu vì sao chính quyền tỉnh Phú Thọ vẫn không thể thu hồi?
Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?

Đáng chú ý, dù chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý nhưng dự án đã bị chủ đầu tư là Công ty TNHH Sông Thao thế chấp ngân hàng. Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh bất động sản trái phép, rao bán dự án vẫn diễn ra công khai trước sự “bất lực” của chính quyền địa phương.

Tìm hiểu được biết, năm 2002, Công ty TNHH Sông Thao được UBND tỉnh Phú Thọ quyết định giao khoảng 80ha đất để thực hiện Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng La Phù (nay là Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy).

Theo lộ trình, dự án sẽ được triển khai xây dựng vào cuối năm 2002 và đầu năm 2003, thời gian dự kiến hoàn thành là 5 năm. Thế nhưng, trái ngược với kỳ vọng của người dân và chính quyền về việc dự án sẽ thay đổi diện mạo đô thị, góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Sau gần 20 năm triển khai, dự án tiếp tục lỡ hẹn, nằm ‘thi gan cùng tuế nguyệt” khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi bàng hoàng, xót xa.

Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?

Thời gian qua, các thông tin rao bán dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) do Công ty TNHH Sông Thao làm chủ đầu tư được đăng tải công khai và tràn lan trên các trang mạng.

Theo tìm hiểu, dự án này chưa đủ điều kiện chuyển nhượng nhưng lại được đăng tải “mập mờ” khiến nhiều nhà đầu tư, khách hàng như lạc vào “ma trận” thông tin.

Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?

Cụ thể, tại facebook có tên “Thanh Thủy Resort” vừa qua đã đăng tải thông tin: “Công ty TNHH Sông Thao mời thầu khai trương góp vốn đầu tư. Một căn shophouse với diện tích đất 6 m2 mặt đường x 12 m2= 72 m2; Tổng diện tích xây dựng khoảng 252m2/nhà cao 3,5 tầng. Mức giá bán 8 tỷ/căn. Chỉ có 11 căn shophouse góp vốn đầu tiên được nhận ưu đãi. Một gói góp vốn đặc biệt 2 tỷ đồng/căn; Năm gói góp vốn hạng nhất 3,5 tỷ đồng/căn; Năm gói góp vốn hạng hai 4 tỷ đồng/căn. Liên hệ hotline: 0976000300”.

Tìm hiểu được biết, số hotline: 0976000300 mà facebook có tên “Thanh Thủy Resort” đăng tải chính là số điện thoại liên hệ mà Công ty TNHH Sông Thao đăng ký kinh doanh.

Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?
Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?

Tiến độ dự án đến tháng 12/2021 đang trong giai đoạn khảo sát địa hình, địa chất chưa có bất kỳ hoạt động thi công nào diễn ra.

Để làm rõ hoạt động huy động vốn trá hình này! Trong vai khách hàng, phóng viên đã liên hệ theo số hotline: 0976000300. Qua điện thoại, phóng viên được một nhân viên xưng tên Thùy - bên Thanh Thủy Resort tư vấn cụ thể về giai đoạn đầu tư: “Bên chúng tôi giai đoạn đầu là hợp tác đầu tư, hiện còn 3 suất giảm giá cho những người hợp tác đầu tư đầu tiên. Hiện nay chúng tôi chưa có quy hoạch 1/500, sau khi có 1/500 rồi sẽ chuyển thành hợp đồng mua bán, dự kiến khoảng tháng 01/2022 sẽ có 1/500, tỉnh huyện đã có cơ chế làm việc”.

Nhân viên này không ngần ngại giới thiệu: “Suất của tôi được thưởng vì là Phó Giám đốc của công ty, với 3 tỷ đồng một khoản góp vốn có diện tích căn khoảng 204m2. Các suất này đều dành cho các phu nhân của Thủ trưởng, bán nội bộ không có hàng ngoài. Nếu có nhu cầu mình gặp trực tiếp để tư vấn rõ ràng”.

Vị Phó Giám đốc tự xưng cũng tư vấn cụ thể: “Bên chúng tôi chỉ bán khoảng 13 suất ưu đãi đầu tiên, mặt bằng đã sạch toàn bộ. Thời điểm này vào cọc luôn là 3 tỷ đồng vì tôi cần huy động vốn, giá trị sẽ tăng từ 6 - 7 tỷ đồng khi dự án đã có quy hoạch 1/500”.

Tiếp tục tìm hiểu thực tế, quan sát tại khu đất xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy phóng viên nhận thấy một phần diện tích nhỏ đã được xây dựng, phần lớn diện tích còn lại không có hoạt động thi công đã hoang hóa, đang sử dụng trồng cây lâu năm.

Anh Hiệp, nhân viên Công ty TNHH Sông Thao cho biết: “Dự án này chúng tôi đang làm thiết kế, xin quy hoạch và chủ trương đầu tư, hiện thủ tục đã nộp đến các cơ quan chức năng nhưng chưa biết kết quả như thế nào”.

Liên quan tới thủ tục pháp lý của dự án, trao đổi với Reatimes, ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ cho biết: "Thời gian gần đây, chủ đầu tư có xin điều chỉnh dự án đầu tư trong đó có quy hoạch khu shophouse... Tuy nhiên, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Phú Thọ đã xin ý kiến các sở ngành tổng hợp để trả lại hồ sơ dự án, tỉnh cũng không đồng ý điều chỉnh".

Để khách quan thông tin, ngày 19/01/2022, Reatimes đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Sim - Giám đốc Công ty TNHH Sông Thao, khi phóng viên cung cấp những tài liệu liên quan tới hoạt động rao bán, góp vốn công khai của dự án, vị giám đốc này khẳng định không có việc chủ đầu tư rao bán dự án trên mạng.

Tuy nhiên, vị giám đốc lại thừa nhận số hotline: 0976000300 mà facebook có tên “Thanh Thủy Resot” đăng tải là số của công ty và có nhân viên của công ty đã đăng tải thông tin dự án: “Những sai sót của nhân viên là có, cô nhân viên tên Thùy của công ty đã tự tiện đăng thông tin về dự án trên mạng”.

Khi phóng viên đề cập tới vấn đề huy động vốn, góp vốn khi dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý cũng như đã thế chấp ngân hàng, ông Sim viện dẫn bằng những lý do thiếu thuyết phục, đồng thời từ chối cung cấp thông tin.

Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?

Để tránh rủi ro cho khách hàng trong trường hợp nêu trên, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cảnh báo: “Bản thân người mua các sản phẩm chưa đủ điều kiện pháp lý này sẽ không biết được khi nào chủ đầu tư mới công bố mở bán dự án mà mình đã đặt chỗ. Giả sử trong trường hợp chủ đầu tư vì lý do nào đó không thể triển khai được dự án thì liệu người mua có thể đòi lại số tiền đã góp hay lại vướng vào vòng kiện tụng không có hồi kết? Hoặc giả sử có việc mượn danh hay lợi dụng danh nghĩa để đứng ra ký kết các hợp đồng thì khách hàng đứng trước nguy cơ bị mất trắng”.

Trao đổi với Reatimes về hướng xử lý khi được phóng viên cung cấp thông tin về hoạt động góp vốn “chui” tại dự án, ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Phú Thọ cho biết: “Lãnh đạo tỉnh đã giao cho công an điều tra, nếu ai rao bán, làm sai sẽ xử lý theo quy định. Đồng thời, chúng tôi sẽ ban hành văn bản khẳng định dự án chưa đủ điều kiện mua bán đăng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để cảnh báo, tránh thiệt hại cho người dân”.

Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?
Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?

Đánh giá về hiệu quả của dự án, ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Sở TN&MT Phú Thọ nhận định: “Đây là dự án đầu tư không đến đầu đến đuôi, không hiệu quả, nhà đầu tư năng lực cũng hạn chế. Chủ đầu tư đã vay nợ, cầm cố dự án. Đến tiền thuế đất cũng chưa hoàn trả, tỉnh đang bàn phương án khởi kiện chủ đầu tư để làm thủ tục phá sản”.

Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?

Trước đó, tại Bản án số 144/2020/KDTM-PT ngày 17/8/2020 do Tòa án nhân dân TP. Hà Nội ban hành về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa bên bị đơn là Công ty TNHH Sông Thao và bên nguyên đơn là ông Trần Ngọc Siêu - người kế thừa quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương.

Nội dung nêu rõ, đến thời điểm hiện tại bị đơn vẫn chưa thanh toán hết các khoản nợ gốc và lãi phát sinh theo Hợp đồng tín dụng số 01.2009 và các Phụ lục Hợp đồng tín dụng mà các bên đã ký kết, cụ thể bị đơn vay 40.500.000.000 đồng. Thời gian vay 84 tháng kể từ ngày nhận nợ đầu tiên, mục đích vay bổ sung vốn đầu tư xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy.

Tài sản bảo đảm cho khoản vay bao gồm, quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại số nhà 69 phố Bà Triệu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Và toàn bộ tài sản hình thành trên đất để xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy tại khu Ô Rô, xóm Bè, Cửa Trại, Cổ Dải, Phần Dài, Mả Xây, Lải Sụ, áp Đê xã La Phù, huyện Thanh Thủy. Các bất động sản đã, đang được hình thành, sẽ hình thành để đầu tư xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy hoặc bất kỳ bất động sản nào khác đi liền hoặc không đi liền theo bất động sản đó, miễn là nằm trên lô đất 859.182,4 m2 đất tại xã La Phù, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ theo Hợp đồng thuê đất số 841/HĐTĐ ngày 05/5/2010.

Đồng thời, toàn bộ các quyền, quyền lợi phát sinh liên quan đến các tài sản này bao gồm nhưng không bị hạn chế bởi hoa lợi, lợi tức, quyền khai thác, quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê, cho mượn… cũng thuộc tài sản thế chấp. Tất cả các khoản thu nhập, lợi tức, lợi ích phát sinh từ chuyển nhượng, thực thi dự án xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy.

Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?
Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?
Sau gần 2 thập kỷ triển khai, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thể triển khai xong dự án.

Được biết, ngày 10/9/2002, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 2936/QĐ-UB về việc giao đất và GCNQSD đất cho Công ty TNHH Sông Thao trên 870.000m2 đất tại xã La Phù, huyện Thanh Thủy để thực hiện triển khai, xây dựng Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng La Phù.

Tiếp đó, ngày 18/9/2002, Sở Địa chính Phú Thọ đã phối hợp với UBND huyện Thanh Thủy, UBND xã La Phù (cũ) bàn giao mốc giới thửa đất tại thực địa cho Công ty TNHH Sông Thao.

Với quy mô gồm 4 khu chức năng như: Khu trung tâm nghỉ dưỡng tắm nước khoáng nóng và giải trí (khách sạn, nhà nghỉ, bể bơi, dịch vụ ăn uống...); khu trung tâm văn hóa các dân tộc Phú Thọ; khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp (lô biệt thự nhà vườn, sân thể thao, khu di tích tâm linh...) và khu nhà máy sản xuất nước khoáng đóng chai.

Đến ngày 24/12/2014, UBND huyện Thanh Thủy ban hành Quyết định số 3050/QĐ-UBND về việc thu hồi 1.397,4m2 đã được giao cho Công ty TNNHH Sông Thao để làm đường nối QL32C với QL70B đi Hòa Bình.

Tiếp đó, ngày 5/2/2016, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 333/QĐ-UBND về việc thu hồi 139.514,7m2 đất trong tổng diện tích đã giao cho Công ty TNHH Sông Thao để giao lại cho UBND thị trấn Thanh Thủy quản lý với lý do chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được duyệt và chưa đền bù cho người dân.

Được kỳ vọng là dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô và đẳng cấp nhất tỉnh Phú Thọ thời điểm đó. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, dự án vẫn chỉ xây dựng được một phần nhỏ nhưng đã xuống cấp, hoang hóa, không thấy bất kỳ hoạt động thi công nào.

Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?
Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai gây thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai, mất mỹ quan đô thị.

Đáng chú ý, việc chủ đầu tư gian dối trong kê khai số lượng lao động và nợ tiền thuê đất cũng là câu chuyện cần suy ngẫm. Cụ thể, tại Kết luận số 05/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Phú Thọ ngày 12/4/2019 về việc sử dụng đất, thực hiện đầu tư, xây dựng; khai thác, kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước của Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng La Phù, Thanh tra tỉnh Phú Thọ đã chỉ ra hàng loạt những tồn tại, sai phạm của Công ty TNHH Sông Thao.

Theo đó, đến thời điểm có kết luận, Công ty TNHH Sông Thao mới đầu tư xây dựng được khu sản xuất nước khoáng đóng chai với diện tích 16.200m2; xây khu nhà nghỉ, bể bơi, phòng hội thảo, sân thể thao với tổng diện tích khoảng 50.000m2; xây dang dở 1 nhà văn hóa dân tộc và tôn tạo 1 đền thờ diện tích hơn 1.000m2; 50 nhà sàn. Tuy nhiên, các công trình đã xuống cấp, hư hỏng hoàn toàn và không thể khai thác sử dụng được, còn phần lớn diện tích Công ty TNHH Sông Thao vẫn chưa thực hiện theo dự án được duyệt, hiện vẫn còn bỏ hoang hoặc trồng cây lâu năm.

Cũng theo kết luận này, năm 2016, tổng số lao động theo báo cáo của công ty là 78 người, tuy nhiên kiểm tra hợp đồng lao động, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế TNCN lại chỉ thể hiện có 10 người. Kết quả hoạt động kinh doanh lỗ trên 137 triệu đồng.

Năm 2017, công ty cũng kê khai có 78 lao động, nhưng kiểm tra cũng chỉ có 10 lao động và công ty báo cáo lỗ đến trên 3,3 tỷ đồng. Năm 2018, công ty chưa lập báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán thuế TNCN.

Về thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, sau 13 năm được miễn tiền thuê đất và miễn nộp thuế sử dụng đất 15 năm (bắt đầu từ 2003), năm 2015, Công ty TNHH Sông Thao phải trả tiền thuê đất. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2018, công ty này còn nợ gần 5,4 tỷ đồng (năm 2015: Hơn 10 triệu đồng, 2016, 2017, 2018, mỗi năm nợ gần 1,8 tỷ đồng).

Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?

Chỉ tính riêng trong sáu tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có tổng số dự án được cấp mới là: 41 dự án, tổng vốn đăng ký 2.183 tỷ đồng (tăng 16,8% so cùng kỳ). Với chính sách cởi mở, thân thiện đã giúp tỉnh trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều dự án đã được cấp phép đầu tư, nhưng nhà đầu tư triển khai chậm hoặc không triển khai.

Đơn cử như Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng La Phù, huyện Thanh Thủy được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 7/2002, dự kiến hoàn thành trong 5 năm, tổng vốn đầu tư khoảng 180 tỷ đồng.

Đến nay, dự án này chậm tiến độ, nhiều hạng mục đầu tư chưa hoàn thiện, còn dở dang; nhiều hạng mục chưa triển khai thực hiện đúng theo Quyết định chủ trương đầu tư dự án. Các hoạt động kinh doanh bước đầu của dự án đến nay hoạt động kém hiệu quả, doanh thu thấp và thua lỗ trong nhiều năm liên tiếp.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, phát huy hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí tài nguyên đất đai và cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư khác, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đã chỉ đạo Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị có liên quan đánh giá thực trạng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư;

Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh thu hồi đất, thu hồi dự án đối với trường hợp quá thời gian cam kết nhưng không triển khai, không thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư; đề xuất những giải pháp thực hiện đầu tư trọng tâm, tránh đầu tư dàn trải trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai gây thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai, mất mỹ quan đô thị.

Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cần kiên quyết xử lý những dự án “treo” tại “đất vàng” theo đúng luật.

Cụ thể, các dự án đất vàng này có 2 loại, với khu đất giao cho các nhà đầu tư tư nhân nhằm mục đích đầu tư dự án thương mại, khi đã quá hạn nhưng chủ đầu tư không xin gia hạn tiếp 12 tháng thì phải thu hồi. Kể cả khi chủ đầu tư xin gia hạn, nhưng sau 12 tháng vẫn không triển khai được thì vẫn phải tiến hành thu hồi.

Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?

Đồng tình với quan điểm đó, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, thu hồi dự án chậm tiến độ chậm ngày nào thì Nhà nước sẽ chậm thu được ngân sách từ tiền sử dụng đất ngày đó. Do vậy, cần sớm thu hồi các dự án không triển khai trong 48 tháng.

Ngoài ra, theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, việc cương quyết thu hồi có thể phát hiện được tham nhũng nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đó.

Những sai phạm của chủ đầu tư là Công ty TNHH Sông Thao trong quá trình xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy đã rõ. Tuy nhiên, việc thiếu kiên quyết của chính quyền tỉnh Phú Thọ trong xử lý dứt điểm những tổ chức, doanh nghiệp năng lực yếu kém, làm ăn “chộp giật” tại địa phương đang làm “méo mó” bức tranh xây dựng tỉnh Phú Thọ trở thành Trung tâm kinh tế của Vùng, như một bước thụt lùi trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn./.

Nguồn: Phú Thọ: Cần kiên quyết thu hồi Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy?

Việt Khoa

reatimes.vn