Sửa Luật Điện lực: Giá điện sẽ theo hướng thị trường

04:00 | 01/09/2024

|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, hướng sửa đổi Luật Điện lực là làm sao phản ánh đầy đủ các chi phí, giảm tối đa việc bù chéo và giá điện theo hướng thị trường.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Sửa đổi luật có chống độc quyền?

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn tỉnh Cà Mau) cho rằng, dự án Luật đặt ra rất nhiều vấn đề và cũng còn rất nhiều vấn đề tồn tại. “Tôi chỉ có một câu hỏi là sửa đổi Luật lần này có chống độc quyền như hiện nay hay không? Chúng ta đã đổi mới được ngành Bưu chính viễn thông rất xuất sắc, cách đây gần 20 năm gọi một cuộc điện thoại mất mấy nghìn, một tháng lương cũng chỉ dùng cho điện thoại là hết, bây giờ dùng rất thoải mái và hệ thống rất chuẩn, rất tốt.

Sửa Luật Điện lực: Giá điện sẽ theo hướng thị trường

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn tỉnh Cà Mau) băn khoăn sửa đổi Luật lần này có chống độc quyền?. Ảnh: Quốc hội

Luật Điện lực lần này sửa đổi có giải quyết được vấn đề như thế này không, Nhà nước thì độc quyền đến đâu và giao lại cho các ngành kinh tế khác như thế nào”, đại biểu hỏi.

Đại biểu cho biết, trong dự thảo Luật cũng không nêu là độc quyền về truyền tải nhưng truyền tải đến cấp độ nào, Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị là chỉ cấp cao áp và siêu cao áp, còn cấp bên dưới thì nên để xã hội hóa. “Tất nhiên, không phải xã hội hóa tất tần tật là tư nhân”, đại biểu nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này là hết sức cần thiết để sửa đổi, bổ sung những bất cập, hạn chế trong quá trình vận hành điện lực thời gian qua, nhất là về vấn đề giá điện, quy hoạch điện, tiêu thụ điện, vấn đề mất điện, đặc biệt trong mùa nắng.

Về hoạt động mua bán điện, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất phải áp dụng điện theo giá thị trường để sau này điện lực không còn đổ thừa năm nào cũng bị lỗ là do điện bao cấp. Tuy nhiên áp dụng điện theo giá thị trường thì đối tượng chính sách, an sinh xã hội Nhà nước phải đảm bảo.

Sửa Luật Điện lực: Giá điện sẽ theo hướng thị trường

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này là hết sức cần thiết. Ảnh: Quốc hội

“Đây là một điểm rất nhân văn để đảm bảo sòng phẳng, để người dân tiêu thụ điện không nói giá điện cao hay thấp, người bán điện là điện lực không nói bán điện bao cấp cho nên bị lỗ. Tôi rất thống nhất về hoạt động mua bán điện theo hướng sắp tới đây là giá dịch vụ điện theo hướng thị trường và mua bán điện theo hình thức của thị trường cạnh tranh”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng góp ý, việc xem xét thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) phải thực hiện theo quy trình 2 kỳ họp, Kỳ họp thứ 8 cho ý kiến lần đầu và Kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua.

Giá điện theo hướng thị trường

Phát biểu giải trình một số nội dung các đại biểu nêu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, hướng bổ sung trong dự thảo Luật là làm sao phản ánh đầy đủ các chi phí, giảm tối đa việc bù chéo và giá điện là theo hướng thị trường.

Sửa Luật Điện lực: Giá điện sẽ theo hướng thị trường

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Đối với ý kiến của đại biểu Đinh Ngọc Minh về vấn đề độc quyền, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho rằng, Điều 5 dự thảo Luật đã quy định rất rõ độc quyền Nhà nước gồm những gì, trong đó chủ yếu Nhà nước sẽ độc quyền trong việc điều độ và vận hành hệ thống điện.

Còn việc đầu tư, chỉ đầu tư độc quyền Nhà nước trong một số công trình điện quan trọng, đó là các nguồn điện mang tính chất đa mục tiêu và các nguồn điện mang tính chất đóng vai trò quan trọng của hệ thống trong việc đảm bảo tính vận hành, ổn định của hệ thống. Ví dụ, thủy điện Hòa Bình, các thủy điện trên dòng sông Đà, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu và một số nhà máy điện đóng vai trò ổn định hệ thống tại các vùng miền.

Với các lưới điện truyền tải cao áp, về nguyên tắc, chỉ độc quyền các lưới điện có cấp điện áp trên 220kV trở lên và mang tính chất truyền tải, còn các đường dây mang tính chất liên kết sẽ xã hội hóa.

“Thực tế hiện nay nhu cầu về năng lượng rất cao và cố gắng thiết kế thị trường theo hướng minh bạch, chứ để đảm bảo an ninh năng lượng theo Nghị quyết 55 thì một số lĩnh vực xương sống vẫn phải độc quyền Nhà nước, còn các phần khác chúng ta sẽ đẩy mạnh việc xã hội hóa.

Trên thực tế nguồn điện hiện nay EVN cũng chỉ còn 38% trong hệ thống điện quốc gia và các lưới điện truyền tải pháp luật đã cho phép để xã hội hóa và cũng đang từng bước hình thành các thị trường điện cạnh tranh để đảm bảo công khai, minh bạch đối với các đối tượng tham gia thị trường”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài lý giải.

Để từng bước triển khai, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã tách Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia trước đây trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam về trực thuộc Bộ Công Thương. Như vậy EVN hay các tập đoàn Nhà nước trong lĩnh vực điện năng thì tham gia thị trường điện như một chủ thể tư nhân thông thường. Việc này sẽ đảm bảo công khai, minh bạch trong thời gian tới, giảm tối đa việc độc quyền nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh năng lượng theo chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Nguồn: Sửa Luật Điện lực: Giá điện sẽ theo hướng thị trường

Phương Thảo

laodongthudo.vn