Tin bất động sản ngày 16/6: Hà Nội kiểm soát chặt đầu cơ bất động sản trung tâm

11:45 | 16/06/2023

|
Khánh Hòa xử lý 111 dự án chậm tiến độ; Quảng Ngãi chấp thuận đầu tư khu dân cư hơn 117 tỷ đồng; Tại sao hơn 10.000 căn nhà ở TP HCM bị dừng cấp sổ hồng… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 15/6: Đắk Nông thu hồi hai dự án có diện tích hơn 200 haTin bất động sản ngày 15/6: Đắk Nông thu hồi hai dự án có diện tích hơn 200 ha
Tin bất động sản ngày 14/6: Nghiêm cấm sử dụng căn hộ Dự án Wyndham Grand Hội An cho mục đích nhà ởTin bất động sản ngày 14/6: Nghiêm cấm sử dụng căn hộ Dự án Wyndham Grand Hội An cho mục đích nhà ở

Hà Nội kiểm soát chặt đầu cơ bất động sản trung tâm

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3195/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội”, trong đó yêu cầu đảm bảo thị trường bất động sản phát triển cân đối, kiểm soát chặt tình trạng đầu cơ.

Tin bất động sản ngày 16/6: Hà Nội kiểm soát chặt đầu cơ bất động sản trung tâm
Hà Nội kiểm soát chặt đầu cơ bất động sản trung tâm/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đề án, "Trong lĩnh vực bất động sản, đến năm 2020, khu vực đô thị có 22.934 cơ sở kinh doanh bất động sản ngoài Nhà nước, trong đó, một số quận tập trung nhiều cơ sở như quận Cầu Giấy 3.600 cơ sở, Thanh Xuân: 3.414, Nam Từ Liêm: 2.417, Bắc Từ Liêm: 2.750, Long Biên: 2.680... thu hút hàng nghìn lao động tham gia, với tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2016 - 2020".

Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân lĩnh vực kinh doanh bất động sản ngoài Nhà nước tại các quận: Tây Hồ tăng 38,57%/năm, Long Biên 24,4%/năm, Hà Đông 39,14%/năm, Nam Từ Liêm 18%/năm, Bắc Từ Liêm 10,68%/năm...

Tuy nhiên, đề án cũng chỉ ra trong quá trình phát triển thị trường bất động sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Một số chỉ tiêu về hạ tầng đô thị như nhà ở, giao thông đô thị, diện tích công viên trên đầu người ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

Hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng tắc nghẽn giao thông, úng ngập và vệ sinh môi trường đô thị, hạ tầng thương mại khu vực đô thị tồn tại nhiều bất cập, khó khăn.

Do vậy, thông qua Đề án "Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội", UBND thành phố giao Sở Xây dựng tham mưu giải pháp về phát triển các sản phẩm bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại - dịch vụ (mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê, khách sạn...).

"Đặc biệt cần kiểm soát, điều tiết đảm bảo thị trường bất động sản phát triển cân đối cung - cầu, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch; kiểm soát chặt tình trạng đầu cơ bất động sản khu vực trung tâm", văn bản nêu.

Ngoài ra, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chuyên môn khuyến khích phát triển các loại hình công trình xanh, văn phòng xanh, khách sạn xanh thân thiện môi trường phục vụ thị trường cho thuê và kinh doanh du lịch, phù hợp với định hướng về phát triển thương mại - dịch vụ đô thị trung tâm.

Ưu tiên phát triển quỹ nhà ở xã hội tại các khu vực định hướng trở thành quận trong thời gian tới. Công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Khánh Hòa xử lý 111 dự án chậm tiến độ

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xác định nguyên nhân chậm tiến độ của 111 dự án. Qua đó đánh giá khả năng triển khai dự án của nhà đầu tư để xử lý thu hồi hoặc cho tiếp tục triển khai theo quy định của pháp luật.

Đối với 111 dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã rà soát và xử lý 64 dự án. Trong đó đã chấm dứt hoạt động 5 dự án, ngừng hoạt động toàn bộ đối với 1 dự án và đang thực hiện thủ tục ngừng hoạt động đối với 3 dự án.

Ngoài ra còn có 37 dự án bị xử phạt vi phạm hành chính chậm tiến độ thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư.

Đối với các dự án còn lại, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh rà soát, tổng hợp và báo cáo theo tiến độ tại kế hoạch đã được phê duyệt.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm, từ đầu năm 2023 đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã triển khai 4 đoàn kiểm tra và đất đai trên địa bàn.

Đầu tiên là đoàn kiểm tra về tiến độ sử dụng đất và tình hình quản lý, sử dụng đất của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát Đạt Nha Trang (nay là Công ty Cổ phần đầu tư Synery Nha Trang) tại dự án khu du lịch cao cấp Phát Đạt Resort thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Một đoàn khác tiến hành kiểm tra tiến độ sử dụng đất tại dự án khu đô thị mới Lê Hồng Phong II, TP. Nha Trang do Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Quang làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó còn có đoàn kiểm tra tiến độ sử dụng đất tại dự án khu du lịch Nha Trang SeaHorse Resort & Spa của Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hồng Ngọc Việt.

Cuối cùng là đoàn kiểm tra tiến độ đưa đất vào sử dụng tại dự án Cao ốc Văn phòng Thương mại ASU của Công ty TNHH ASU. Dự án này nằm tại khu đất số 27 đường Tô Hiến Thành, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Quảng Ngãi chấp thuận đầu tư khu dân cư hơn 117 tỷ đồng

Ngày 15/6, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án khu dân cư Đồng Trảy và Đồng Trổi, thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng.

Dự án khu dân cư Đồng Trảy và Đồng Trổi có tổng diện tích 45.100 m2 và vốn đầu tư hơn 117 tỷ đồng, gồm vốn góp (chủ sở hữu) của nhà đầu tư dự kiến chiếm tỷ lệ ít nhất 20%, còn lại 80% là vốn huy động (vay từ Ngân hàng thương mại); thời gian thực hiện 3,5 năm, kể từ ngày nhà đầu tư được lựa chọn theo quy định.

Trong tổng diện tích dự án (45.100m2), phần diện tích khu dân cư Đồng Trảy trên 34.740 m2, gồm đất ở khoảng 17.825 m2, trong đó đất xây dựng nhà ở thương mại 990m2, với 8 căn nhà ở 3 tầng; đất ở liên kế 16.835m2, với 148 lô đất; còn lại là diện tích đất cây xanh và công trình hạ tầng kỹ thuật.

Phần diện tích khu dân cư Đồng Trổi khoảng 10.384m2, gồm đất ở 4.336 m2, trong đó đất xây dựng nhà ở thương mại 743 m2, với 7 căn nhà ở 3 tầng; đất ở liên kế 3.592m2, với 31 lô đất; còn lại là đất cây xanh công trình hạ tầng kỹ thuật.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc cho phép triển khai dự án khu dân cư Đồng Trảy và Đồng Trổi, nhằm xây dựng 1 khu dân cư văn minh, hiện đại và đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội gắn với cảnh quanh xung quanh phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Khi hoàn thành, dự án sẽ từng bước giải quyết nhu cầu nhà, đất ở cho người dân trên địa bàn huyện Trà Bồng; góp phần chỉnh trang và tạo diện mạo mới cho đô thị; cải thiện chất lượng và môi trường sống của người dân nơi đây, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tại sao hơn 10.000 căn nhà ở TP HCM bị dừng cấp sổ hồng?

Theo UBND TP HCM có 10.277 căn nhà thuộc 18 dự án phải tạm dừng thủ tục cấp sổ hồng do đang thanh tra, điều tra.

Tin bất động sản ngày 16/6: Hà Nội kiểm soát chặt đầu cơ bất động sản trung tâm
Hơn 10.000 căn nhà ở TP HCM bị dừng cấp sổ hồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Mới đây, UBND TP HCM có báo cáo về công tác cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn.

Theo đó, TP có 335 dự án với tổng số 191.101 căn nhà (gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) đủ điều kiện cấp sổ hồng. 110.016 căn nhà trong số này đã được cấp sổ hồng.

Trong 81.085 căn nhà chưa cấp sổ hồng, có 8.372 căn đã có thông báo thuế, chờ chủ sở hữu nộp thuế; 19.958 căn nhà đang thực hiện thủ tục cấp sổ hồng nhưng phải tạm dừng để hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung. 10.277 căn nhà thuộc 18 dự án phải tạm dừng thủ tục cấp sổ hồng do đang thanh tra, điều tra.

Bên cạnh đó, 8.918 căn nhà chưa cấp sổ hồng do vướng các quy định về loại hình bất động sản mới; 4.657 căn nhà chưa cấp sổ hồng vì các vướng mắc như đang xác định lại diện tích đất sử dụng chung của chung cư, truy thu tiền, rà soát lại đối tượng mua nhà.

Ngoài ra, có 28.907 căn nhà chưa cấp sổ hồng do chủ đầu tư, người mua nhà chưa nộp hồ sơ.

Đối với các dự án nhà ở thương mại đưa vào sử dụng, cấp sổ hồng từ năm 2004 đến tháng 6/2014 chưa có thống kê đầy đủ. Giai đoạn này có 24.501 căn nhà thuộc 105 dự án được cấp sổ hồng.

Cũng theo UBND TP HCM, từ năm 2014 đến nay, tình hình tiếp nhận hồ sơ cấp sổ hồng cho các dự án nhà ở thương mại tại thành phố tăng qua từng năm, tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đạt 64,6%.

UBND TP HCM cũng cho biết, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân như điều chỉnh quy hoạch, xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung, vi phạm xây dựng… nên một số chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ hồng. Bên cạnh đó, việc lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính còn gặp nhiều vướng mắc như khó xác định thời điểm bàn giao nhà hay số lượng căn nhà trong một dự án quá lớn dẫn đến khó khăn khi xác định hành vi vi phạm.

Nguồn: Tin bất động sản ngày 16/6: Hà Nội kiểm soát chặt đầu cơ bất động sản trung tâm

Huy Tùng (T/h)

kinhtexaydung.petrotimes.vn