Tin bất động sản ngày 1/7: 5 tỉnh bị đề nghị điều tra việc buôn bán đất hiếm trái phép

11:30 | 01/07/2023

|
Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai; Huyện Bình Chánh rà soát 92 dự án quy hoạch treo; Hà Tĩnh đầu tư hơn 72 tỷ đồng cho hạ tầng kỹ thuật CCN Nam Hồng…là những tin tức bất động sản đáng chú ý
Tin bất động sản ngày 30/6: Những tuyến phố nào tại Hà Nội được đề nghị bổ sung giá đất?Tin bất động sản ngày 30/6: Những tuyến phố nào tại Hà Nội được đề nghị bổ sung giá đất?
Tin bất động sản ngày 29/6: Liên danh Vinhomes thực hiện dự án Khu đô thị 85.000 tỷ đồng tại Khánh Hòa?Tin bất động sản ngày 29/6: Liên danh Vinhomes thực hiện dự án Khu đô thị 85.000 tỷ đồng tại Khánh Hòa?

5 tỉnh bị đề nghị điều tra việc buôn bán đất hiếm trái phép

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đã ký văn bản đề nghị loạt địa phương xác minh thông tin phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Tin bất động sản ngày 1/7: 5 tỉnh bị đề nghị điều tra việc buôn bán đất hiếm trái phép
Mỏ đất hiếm Đông Pao tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu/Ảnh: Nguồn Internet/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vừa qua báo chí có thông tin về hoạt động buôn bán, khai thác trái phép đất hiếm trên địa bàn các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ và Thanh Hóa.

Cụ thể, một số đối tượng đã tổ chức khai thác trái phép, tuyển, chiết suất và buôn bán tinh quặng đất hiếm từ khu vực xã Bản Hon (huyện Tam Đường, Lai Châu) - cạnh mỏ đất hiếm Đông Pao và khu vực xã Tân Hương, huyện Yên Bình, Yên Bái với khối lượng quặng tinh sau tuyển lớn.

“Ngoài ra, hoạt động khai thác trái phép nêu trên của các đối tượng được phản ánh là xuất phát từ việc đào trộm, đào hạ cốt nền có người bảo lãnh", văn bản nêu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá đây là hoạt động có tính chất phức tạp, giá trị khối lượng khoáng sản lớn. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xác minh thông tin phản ánh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

UBND tỉnh Lào Cai chủ động rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, tuyển, tiêu thụ quặng đất hiếm ; tăng cường hơn nữa công tác giám sát, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh gửi thông tin kết quả thực hiện về đơn vị này trước ngày 29/7 để tổng hợp, theo dõi.

Theo thông tin phản ánh, đất hiếm - một loại khoáng sản chiến lược của quốc gia đang bị đào trộm, rao bán ngầm.

Chính vì tầm quan trọng này mà ngày 9/1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 02 yêu cầu việc khai thác, chế biến, xuất khẩu đất hiếm phải được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng các đường dây đào trộm, buôn bán đất hiếm vẫn diễn ra.

Những người buôn bán, môi giới ngầm đất hiếm ở nhiều tỉnh thành phía Bắc và Tây Nguyên hoạt động rất chuyên nghiệp, không khác gì "bão ngầm".

Vì là hàng đào trộm, buôn bán bất hợp pháp nên hầu hết các cuộc giao dịch đều được các tay trùm khoáng sản mua bán đất hiếm yêu cầu phải trả bằng tiền mặt, đô la Mỹ hoặc bằng vàng và thậm chí cả... bất động sản.

Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai

Ngày 30/6, các đại biểu Quốc hội đại diện cho Đơn vị bầu cử số 3 tại Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và Nam Từ Liêm, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV. Hội nghị đã được tổ chức trực tiếp kết hợp với hình thức trực tuyến.

Trong buổi hội nghị, một số cử tri đã đưa ra những phản ánh về vấn đề sử dụng đất chưa rõ ràng và không minh bạch, cũng như vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc giám sát và thúc đẩy dân chủ ở cơ sở. Họ đề nghị tăng cường vai trò của cơ quan báo chí trong việc thông tin và tuyên truyền về xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo thông tin đến được người dân.

Một số cử tri ở quận Nam Từ Liêm cũng phản ánh về việc chủ đầu tư đã chia nhỏ một phần diện tích đất dự án để cho các hộ kinh doanh thuê, dẫn đến sự mơ hồ và cần làm rõ thông tin đến người dân. Các cử tri cũng đề nghị tăng cường đầu tư xây dựng thêm các trường công lập để đáp ứng nhu cầu giáo dục và cải thiện môi trường học tập.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, các vấn đề được cử tri đề xuất là đúng và phản ánh thực tế của địa phương. Các kiến nghị của cử tri sẽ được tổ thư ký tổng hợp và gửi đến cơ quan chức năng để xử lý theo thẩm quyền. Ông cũng thông báo, hiện có tổng cộng 712 dự án chậm triển khai ở thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng đã phân loại để xử lý theo quy định. Ông Tuấn hy vọng cử tri cùng với đại biểu HĐND TP Hà Nội sẽ theo dõi và giám sát các cơ quan chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh và quốc phòng.

TP HCM: Huyện Bình Chánh rà soát 92 dự án quy hoạch treo

Trong số 92 dự án quy hoạch treo trên địa bàn huyện Bình Chánh, có nhiều dự án đã quá hạn đến 20-30 năm, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và lãng phí nguồn lực đất đai.

Nằm ở vùng ven TP HCM, huyện Bình Chánh là địa phương đứng đầu TP về số dự án quy hoạch "treo".

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 323 dự án. Trong đó, có trên dưới 100 dự án xây dựng nhà ở xã hội, hạ tầng xã hội và các dự án khác không phải vốn của ngân sách nhà nước.

Tháng 6/2022, chính quyền huyện đã rà soát lại toàn bộ các dự án. Kết quả cho thấy có 92 dự án quá hạn, thậm chí nhiều dự án quá hạn hơn 20 năm.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Năm, Bí thư huyện ủy huyện Bình Chánh, cho biết huyện đã đề nghị các đơn vị chủ đầu tư 92 dự án này trong vòng 1 năm phải triển khai dự án. Nay đã hết thời hạn 1 năm, tháng 7 này huyện sẽ rà soát lại lần nữa. "Tinh thần là với dự án quá hạn vẫn chưa thực hiện, huyện sẽ kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét thu hồi, huỷ bỏ" - ông Năm quả quyết.

Theo tìm hiểu, đa phần nguyên nhân của tình trạng quy hoạch "treo" này là do công tác lựa chọn nhà thầu, chất lượng đồ án quy hoạch chưa cao, thiếu đồng bộ cùng những vướng mắc liên quan tới đền bù, tái định cư…

Năm 2022, UBND huyện Bình Chánh đã đề xuất thu hồi, hủy bỏ 52 dự án quá 3 năm không triển khai thực hiện (theo Luật Quy hoạch, 3 năm phải rà soát 1 lần, nếu quy hoạch không khả thi sẽ loại bỏ). Trong đó, có dự án khu E tại Khu đô thị Nam TP HCM, dự án cây xanh cách ly tại xã Phong Phú và Đa Phước, dự án Khu đô thị Sing-Việt, dự án Khu đô thị đại học Hưng Long…

Riêng tại xã Bình Hưng, 2 dự án quy hoạch treo gần 20 năm là Khu dân cư Him Lam và khu chức năng 11B trong Khu đô thị Nam TP HCM với tổng quy mô lên đến gần 70 ha đã được UBND TP HCM chấp thuận xóa bỏ, điều chỉnh ranh quy hoạch để trả lại quyền lợi cho hàng ngàn người dân.

Hà Tĩnh đầu tư hơn 72 tỷ đồng cho hạ tầng kỹ thuật CCN Nam Hồng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp (CCN) Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh). Dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 17/1/2018.

Tin bất động sản ngày 1/7: 5 tỉnh bị đề nghị điều tra việc buôn bán đất hiếm trái phép
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, Quyết định phê duyệt điều chỉnh đầu tư xây dựng Khu xử lý nước thải tập trung với công suất 1.350m3/ngày đêm, bao gồm các hạng mục chính: san nền; trạm xử lý nước thải; sân phơi bùn; bãi thu gom rác thải rắn; nhà điều hành; hồ chứa sự cố; cổng, hàng rào. Quyết định cũng điều chỉnh tổng mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng, giảm hơn 39 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 17/1/2018 của UBND tỉnh.

Quyết định cũng điều chỉnh thời gian thực hiện dự án theo 2 giai đoạn: giai đoạn 2018 - 2021 và giai đoạn 2023 - 2024. Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 17/01/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Nam Hồng.

UBND tỉnh giao UBND TX Hồng Lĩnh (chủ đầu tư) và Sở Xây dựng (cơ quản thẩm định) chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và cơ quan thanh tra, kiểm tra về tính chính xác, phù hợp đối với các nội dung đề xuất, thẩm định tại các văn bản nêu trên.

Đồng thời giao UBND TX Hồng Lĩnh triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của Luật Xây dựng ngày 18/6/2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xây dựng ngày 17/6/2020, Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019, Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020 và các quy định hiện hành; thực hiện đầy đủ các nội dung kiến nghị của Sở Xây dựng tại Văn bản số 153/SXD-QLHĐXD6 ngày 9/6/2022 và các nội dung khác liên quan; hoàn thành dự án đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định, phát huy hiệu quả, không gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư; thực hiện việc nghiệm thu, thanh, quyết toán theo đúng quy định hiện hành.

Giao các sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, TN&MT theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chủ đầu tư tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Nguồn:Tin bất động sản ngày 1/7: 5 tỉnh bị đề nghị điều tra việc buôn bán đất hiếm trái phép

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn