Tin bất động sản ngày 18/1: Giá bán nhà ở xã hội có thể lên tới 40 triệu đồng/m2

15:17 | 18/01/2023

|
Lượng hàng tồn kho căn hộ ở TP.HCM lên đến 80%; Gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ cho 29 dự án ở Thanh Hóa; Đến năm 2030, Hà Nội cải tạo và xây dựng lại 10 khu chung cư cũ…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 17/1: Quảng Ngãi tìm chủ đầu tư cho loạt dự án lớn trong năm 2023Tin bất động sản ngày 17/1: Quảng Ngãi tìm chủ đầu tư cho loạt dự án lớn trong năm 2023
Tin bất động sản ngày 16/1: Hải Dương yêu cầu rà soát hai dự án lớn của Tập đoàn Nam CườngTin bất động sản ngày 16/1: Hải Dương yêu cầu rà soát hai dự án lớn của Tập đoàn Nam Cường

Giá bán nhà ở xã hội có thể lên tới 40 triệu đồng/m2

Mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, bối cảnh thực tiễn và các quy định hiện hành đang đặt ra vấn đề nếu xây dựng nhà ở xã hội với việc chi phí tạo lập quỹ đất (dù được miễn tiền sử dụng đất) và chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án phân bổ cho diện tích đất nhà ở xã hội (đối với dự án nhà ở xã hội hình thành trên quỹ đất 20% diện tích dự án nhà ở thương mại) là rất cao.

Tin bất động sản ngày 18/1: Giá bán nhà ở xã hội có thể lên tới 40 triệu đồng/m2
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, ông Châu cho rằng, với việc chi phí đầu vào cao sẽ dẫn đến giá thành, giá bán nhà ở xã hội sẽ rất cao, theo tính toán có thể lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2.

“Mức giá 40 triệu đồng/m2 nhà ở xã hội sẽ vượt quá khả năng tài chính của đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, nếu nhà ở xã hội ở ngay cạnh nhà ở thương mại thì người mua nhà ở xã hội ở các dự án còn phải chịu chi phí quản lý, dịch vụ hàng tháng cao do cùng sinh sống trong khu vực nhà ở cao cấp, trung cấp”, ông Châu nói.

Tại văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số quy định của Dự thảo Luật Nhà ở để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.

Ông Châu cho rằng, để thực hiện thành công chính sách nhà ở xã hội thì phải có 02 chính sách quan trọng nhất. Trước hết là chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi dài hạn cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và phải có quỹ đất theo quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội.

Song, muốn tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội thì phải có sự hợp lực của Nhà nước và các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thông qua 02 kênh, cụ thể: Thứ nhất, Nhà nước thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách trích 10% số thu tiền sử dụng đất và nguồn tài chính của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước để phát triển nhà ở xã hội

Thứ hai là doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các khu vực quy hoạch phát triển nhà ở xã hội để có quỹ đất thực hiện dự án nhà ở xã hội, hoặc doanh nghiệp sử dụng quỹ đất sẵn có để thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Lượng hàng tồn kho căn hộ ở TP HCM lên đến 80%

Theo báo cáo mới nhất của Savills về phân khúc căn hộ TP HCM quý 4/2022 cho thấy, nguồn cung sơ cấp khoảng 21.000 căn, tăng 84% theo năm. Nguồn cung mới chiếm 86%; trong đó, 80% nguồn cung mới đã ra mắt trong nửa đầu năm 2022.

Trong quý 4/2022, nguồn cung sơ cấp 8.000 căn tăng 20% theo quý và 2% theo năm; hàng tồn kho chiếm 80% và nguồn cung mới giảm 22% theo quý và 72% theo năm.

Các chủ đầu tư đang khó khăn trong việc huy động vốn và các thủ tục pháp lý phức tạp, trong khi lạm phát và lãi suất tăng đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người mua.

Trong năm 2022, tổng giao dịch đạt 14.600 căn, tăng 55% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ đạt 69%, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây. Giá bán trung bình đạt 107 triệu đồng/m2 thông thủy, tăng 43% theo năm.

Trong quý 4/2022, giá bán trung bình đạt 125 triệu đồng/m2 thông thủy, mặc dù ổn định theo quý nhưng tăng 71% theo năm. Căn hộ từ 2 đến 5 tỷ đồng chiếm 68% lượng giao dịch và không có căn hộ dưới 2 tỷ đồng. Người mua bị ảnh hưởng bởi giá bán sơ cấp cao với khoảng 55% nguồn cung có giá từ 5 tỷ đến trên 10 tỷ đồng/căn.

Để huy động vốn từ người mua, các chủ đầu tư áp dụng chiết khấu lên tới 40%. Hạn mức tăng trưởng tín dụng vào bất động sản bị thắt chặt và lãi suất cho vay tăng cao, chủ đầu tư áp dụng chính sách kéo dài thời hạn thanh toán lên đến ba năm. Lượng bán đến từ các dự án áp dụng các chính sách này chiếm khoảng 30% lượng bán trong quý 4/2022.

Bên cạnh các ưu đãi hỗ trợ bán hàng, nhưng người mua vẫn quan tâm về pháp lý và tiến độ xây dựng hơn là các chương trình ưu đãi. Khoảng 80% lượng bán quý 4/2022 đến từ các dự án có xây dựng tốt hoặc sắp bàn giao.

Theo Savills, các chủ đầu tư trì hoãn việc mở bán mới khoảng 5.000 căn hộ cho đến năm 2023. Trong ngắn hạn, việc tín dụng tiếp tục bị hạn chế vào bất động sản và các doanh nghiệp bị giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu, chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Năm 2023, nguồn cung tương lai ước đạt 8.000 căn, giảm 60% so với năm 2022.

Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở TP HCM vẫn cao do tỷ lệ di cư thuần tăng, dân số ngày càng tăng và tốc độ đô thị hóa cao. Đến năm 2025, nguồn cung tương lai dự kiến đạt 103.800 căn; TP.Thủ Đức sẽ cung cấp 53%.

Gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ cho 29 dự án ở Thanh Hóa

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Văn bản số 529/UBND-THKH về việc gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục giao đất, cho thuê đất của các dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (đợt 6).

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kết luận số 679- KL/TU ngày 03/12/2021 về chủ trương đối với các dự án chưa được giao đất, cho thuê đất và đã hết hiệu lực pháp lý chủ trương đầu tư; trên cơ sở đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 8895/SKHĐT-KTĐN ngày 23/12/2022.

Đồng ý gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với 29 dự án tại phụ lục kèm theo công văn này đến hết ngày 30/6/2023. Yêu cầu chủ đầu tư 29 dự án nêu trên, khẩn trương phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan hoàn thành hồ sơ, thủ tục, để khởi công xây dựng và hoàn thành dự án theo quy định; thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo quy định.

Trong thời gian được gia hạn nêu trên hoặc trường hợp dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp tục thẩm định, phê duyệt đối với các hồ sơ, thủ tục thực hiện dự án khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Quá thời gian được gia hạn nêu trên, trường hợp chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành các hồ sơ, thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo việc hết hiệu lực pháp lý của chủ trương đầu tư đến các nhà đầu tư và các sở, ngành, đơn vị liên quan biết.

Đến năm 2030, Hà Nội cải tạo và xây dựng lại 10 khu chung cư cũ

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2022, Sở Xây dựng đã chủ trì chấp thuận nhiệm vụ kiểm định nhà chung cư đối với 13/15 quận, huyện và đang tiếp tục đôn đốc những quận, huyện còn lại hoàn thành phê duyệt theo quy định.

Tin bất động sản ngày 18/1: Giá bán nhà ở xã hội có thể lên tới 40 triệu đồng/m2
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong năm 2022 có 2 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoàn thành thi công xây dựng, chuẩn bị đưa vào vận hành, khai thác gồm: Nhà 3A Quang Trung, quận Hoàn Kiếm; Khu chung cư cũ L1, L2 Nam Thành Công, quận Đống Đa; 7 dự án đang triển khai là: Nhà A&B Khu tập thể Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy; Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng; Khu tập thể X1-26 Liễu Giai, quận Ba Đình; Khu tập thể dịch vụ vận tải Đường sắt, quận Hoàng Mai; Chung cư số 148 - 150 Sơn Tây, quận Ba Đình; Khu tập thể Viện tư liệu phim Việt Nam, quận Ba Đình; Chung cư số 23 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm.

Căn cứ vào Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2030 đã được HĐND TP phê duyệt, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2030, triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ (6 khu có tính khả thi cao như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D: Giảng Võ; Thành Công: Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp).

Tại kế hoạch, thành phố xác định giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu tái định cư để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn Thủ đô là khoảng 16.186 căn, tương đương 1.294.880m2 sàn nhà ở. Ngoài ra, cần 1.200 căn hộ, tương đương 91.200m2 sàn dự kiến phục vụ nhu cầu bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Tuy nhiên, UBND TP dự kiến giảm trừ 558 căn (khoảng 44.640m2 sàn nhà ở) tại các quỹ nhà đã hoàn thành, chưa bố trí tái định cư và dự kiến khoảng 60% người dân nhận hỗ trợ tái định cư bằng tiền để tự lo chỗ ở (khoảng 9.711 căn, tương đương khoảng 776.880m2 sàn).

Vì vậy, chỉ tiêu phát triển nhà ở tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư giai đoạn 2021-2025 chỉ còn 7.117 căn, tương đương 564.560m2 sàn nhà ở.

Nguồn:Tin bất động sản ngày 18/1: Giá bán nhà ở xã hội có thể lên tới 40 triệu đồng/m2

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn