Tin bất động sản ngày 9/1: Chính thức thu hồi dự án Khu nhà ở Phương Viên tại Mê Linh (Hà Nội)

14:37 | 09/01/2023

|
Quảng Nam tạm dừng giải quyết hồ sở xin mở đường giao thông để tách thửa đất; Hải Phòng xây dựng nút giao tại điểm giao quốc lộ 5 gần 690 tỷ đồng; HoREA đề xuất trích 10% tiền trúng đấu giá đất để phát triển nhà ở xã hội… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 7/1: Đà Nẵng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sảnTin bất động sản ngày 7/1: Đà Nẵng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Tin bất động sản ngày 6/1: Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở, khu đô thị chậm triển khaiTin bất động sản ngày 6/1: Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở, khu đô thị chậm triển khai

Hà Nội: Chính thức thu hồi dự án Khu nhà ở Phương Viên tại Mê Linh

Sau 4 năm bị Thanh tra Chính phủ điểm tên vì biến điểm du lịch thành dự án thương mại phân lô bán nền tại Điểm dịch vụ sinh thái Song Phương, Công ty Phương Viên chính thức bị thu hồi đất dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên.

Tin bất động sản ngày 9/1: Chính thức thu hồi dự án Khu nhà ở Phương Viên tại Mê Linh (Hà Nội)
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa công khai bốn dự án có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.

Dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên, xã Tam Đồng, xã Đại Thịnh, xã Văn Khê, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ du lịch Phương Viên (Công ty Phương Viên) làm chủ sử dụng đất nằm trong danh sách này.

Trước đó, giữa tháng 9 năm nay, UBND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định chấm dứt, dừng thực hiện 6 dự án nhà ở, khu đô thị tại quận Nam Từ Liêm và huyện Mê Linh, huyện Thường Tín do chậm triển khai. Dự án Phương Viên cũng có tên trong danh sách đen trên.

Khu đô thị nhà ở cao cấp Phương Viên được quy hoạch trên quỹ đất rộng 31ha tại xã Văn Khê, xã Thạch Đà, xã Tam Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Dự án được giao đất trong năm 2008. Như vậy, đã 14 năm trôi qua, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.

Đây không phải dự án đầu tiên của Công ty Phương Viên bị cơ quan chức năng điểm tên. Trước đó, năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra toàn diện dự án này và phát hiện hàng loạt vi phạm, bất cập trong việc phê duyệt, điều chỉnh dự án cũng như thu hồi đất để triển khai dự án này.

Thanh tra Chính phủ kết luận, dự án rơi vào tình trạng chậm tiến độ nhiều năm, chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuế khoảng 152 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo phê duyệt ban đầu, Dự án du lịch sinh thái Song Phương để phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Thế nhưng, chủ đầu tư đã xây dựng khu nhà ở thương mại để bán trên quỹ đất này.

Quảng Nam tạm dừng giải quyết hồ sở xin mở đường giao thông để tách thửa đất

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu lại quy định về tách thửa liên quan đến việc mở đường giao thông (đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ) tại khoản 4 Điều 16 Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 05/11/2020 của UBND tỉnh.

Trường hợp chưa được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật có liên quan về đất đai, đầu tư, xây dựng… thì làm văn bản xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, báo cáo UBND tỉnh sửa đổi hoặc hủy bỏ để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Riêng việc tách thửa để chuyển nhượng, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn vùng Đông của tỉnh tiếp tục thực hiện theo đúng Chỉ thị số 19/CTUBND ngày 13/11/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn vùng Đông tỉnh Quảng Nam.

Được biết, trên địa bàn xã Điện Bàn có 22 trường hợp đã có chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt bản vẽ tổng mặt bằng chi tiết, đang trình hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất sang đất giao thông để đầu tư xây dựng đường giao thông cục bộ.

Bên cạnh đó còn có 6 trường hợp đã có chủ trương đầu tư, đang trình phê duyệt hồ sơ bản vẽ thiết kế tổng mặt bằng chi tiết.

Hiện nay tất cả các hồ sơ trên đang tạm dừng triển khai các bước tiếp theo đối với việc đầu tư hạ tầng giao thông cục bộ để tách thửa mở đường.

Việc tạm dừng này là do trong quá trình triển khai thực hiện, UBND thị xã Điện Bàn gặp phải vướng mắc liên quan đến thẩm quyền ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục tách thửa liên quan đến việc mở đường (đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ).

Theo đó, Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam chưa giao nhiệm vụ cho các địa phương triển khai thực hiện đối với nội dung này.

Ngoài ra, theo khoản 4, Điều 16, Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 05/11/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam thì chủ sử dụng đất phải đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng (phần diện tích đất này thể hiện là đường giao thông).

Tuy nhiên, Sở xây dựng tỉnh Quảng Nam có ý kiến góp ý cho rằng, việc đầu tư hạ tầng giao thông thực hiện theo quy định luật đầu tư công. Do đó, nếu đầu tư đường giao thông cục bộ đối với trường hợp tách thửa mở đường theo Luật đầu tư công (Nhà nước đầu tư) là không thể thực hiện được.

Hải Phòng xây dựng nút giao tại điểm giao quốc lộ 5 gần 690 tỷ đồng

UBND TP. Hải Phòng vừa tổ chức khởi công xây dựng dự án nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5 có tổng mức đầu tư 689 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Dự án gồm cầu vượt trực thông theo hướng đường Quốc lộ 5 - Nguyễn Văn Linh với chiều dài khoảng 285m, bề rộng 19,5m, tường chắn cho đường dẫn hai đầu cầu với chiều dài khoảng 200m. Phía dưới là nút giao thông bằng đảo xuyến có đường kính rộng 60m kết nối về các tuyến đường đi Nam cầu Bính, đường Tôn Đức Thắng, đường nối Vành đai 2 (theo quy hoạch) và đường Máng Nước cùng đường nhánh hai bên nút giao rộng 9,5m sau đó vuốt dần kết nối về quốc lộ 5 và đường Nguyễn Văn Linh.

Đây là nút giao khác mức được đánh giá rất cấp thiết, nhất là sau khi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối nút giao Nam Cầu Bính đến ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5 hoàn thành đã chuyển ngã tư thành ngã 5 với nhiều điểm giao cắt, có mật độ phương tiện lưu thông rất cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết thời gian qua nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, kết nối Hải Phòng với các địa phương khác. Theo ông Thọ, việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã tạo điều kiện thuận lợi, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Hải Phòng.

Ông Thọ đề nghị huyện An Dương khẩn trương đẩy nhanh công tác GPMB, chủ đầu tư cùng các nhà thầu bố trí nhân lực, thiết bị tích cực thi công để đảm bảo tiến độ dự án, quyết tâm đến dịp lễ 30/4, 1/5 năm 2024 sẽ thông xe kỹ thuật nút giao này.

HoREA đề xuất trích 10% tiền trúng đấu giá đất để phát triển nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.

Tin bất động sản ngày 9/1: Chính thức thu hồi dự án Khu nhà ở Phương Viên tại Mê Linh (Hà Nội)
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo HoREA, nếu chỉ trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn thì số tiền này không lớn, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa.

Như vậy sẽ khó có thể dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của các dự án; đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, nhất là Nhà nước không có đủ ngân sách để thực hiện đền bù, tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Do đó, Hiệp hội đề xuất nên bổ sung thêm quy định UBND cấp tỉnh trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, HoREA cho rằng, nếu bỏ quy định “các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ” thì khó có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 phát triển 570.000 căn nhà ở xã hội, đến năm 2030 phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Như vậy, “giấc mơ” của đông đảo người dân là người thu nhập thấp đô thị, công nhân, lao động, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang muốn được mua, thuê mua nhà ở xã hội ngày càng xa vời.

Hiệp hội đề xuất Nghị định của Chính phủ sau khi có Luật Nhà ở (mới) sẽ quy định phương thức thực hiện nghĩa vụ của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội và sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước thì chủ đầu tư được bán toàn bộ sản phẩm của dự án nhà ở thương mại.

“Chủ đầu tư nộp thêm vào ngân sách nhà nước một khoản tiền tương đương 20% tiền sử dụng đất của dự án nhà ở thương mại đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”, HoREA đề xuất.

Nguồn:Tin bất động sản ngày 9/1: Chính thức thu hồi dự án Khu nhà ở Phương Viên tại Mê Linh (Hà Nội)

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn