Tin ngân hàng ngày 12/6: 5 ngân hàng Việt lọt top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới

14:40 | 12/06/2023

|
Cổ phiếu Vietcombank lên mức 3 con số, lập kỷ lục về giá trị vốn hóa; Năm 2022, công ty xử lý nợ xấu cho các ngân hàng lãi 165 tỷ đồng năm 2022; Sacombank và HDBank tiếp tục giảm lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 10/6: Gói 120.000 tỷ đồng có lãi suất cao, nguy cơ Tin ngân hàng ngày 10/6: Gói 120.000 tỷ đồng có lãi suất cao, nguy cơ "ế"
Tin ngân hàng ngày 9/6: Ngăn chặn giả mạo giấy tờ tùy thân khi giao dịch ngân hàngTin ngân hàng ngày 9/6: Ngăn chặn giả mạo giấy tờ tùy thân khi giao dịch ngân hàng

5 ngân hàng Việt lọt top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới

Global 2000 xếp hạng các công ty lớn nhất trên thế giới bằng cách sử dụng bốn thước đo: doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị thị trường.

Các công ty trong danh sách năm 2023 của Forbes có tổng doanh thu đạt 50,8 nghìn tỷ USD, tổng lợi nhuận đạt 4,4 nghìn tỷ USD, 231 nghìn tỷ USD tài sản và 74 nghìn tỷ USD giá trị thị trường.

Tin ngân hàng ngày 12/6: 5 ngân hàng Việt lọt top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới
Techcombank xếp hạng thứ 1.532/2000Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Lợi nhuận tích lũy, tài sản và giá trị thị trường của 2.000 công ty này đều giảm nhẹ so với năm ngoái, mặc dù đây là lần đầu tiên tổng doanh thu vượt qua 50 nghìn tỷ USD.

Có 58 quốc gia được đại diện bởi các công ty niêm yết công khai trong danh sách. Mỹ dẫn đầu với 611 công ty trong bảng xếp hạng và Trung Quốc đứng thứ hai với 346 công ty.

Để xây dựng bảng xếp hạng, Forbes đã sử dụng dữ liệu tài chính 12 tháng gần nhất có sẵn kể từ ngày 5/5/2023 để tính toán.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được xếp ở vị trí thứ 813/2000 với doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị vốn hóa thị trường lần lượt là 4,4 tỷ USD; 1,15 tỷ USD; 69,13 tỷ USD và 18,13 tỷ USD.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đứng ở vị trí thứ 1.079/2000. Doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị vốn hóa thị trường của BIDV lần lượt đạt 6,04 tỷ USD; 779,6 triệu USD; 89,95 tỷ USD và 9,38 tỷ USD.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) xếp thứ 1.329/2000. Doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị vốn hóa thị trường của VietinBank lần lượt là 5,45 tỷ USD; 722,3 triệu USD; 76,71 tỷ USD và 5,71 tỷ USD.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) xếp hạng thứ 1.532/2000. Doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị vốn hóa thị trường của Techcombank lần lượt là 2,38 tỷ USD; 860,6 triệu USD; 29,65 tỷ USD và 4,31 tỷ USD.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) đứng ở vị trí thứ 1.605 trên toàn cầu. Doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị vốn hóa thị trường của Techcombank lần lượt là 3,02 tỷ USD; 746,8 triệu USD; 30,9 tỷ USD và 3,5 tỷ USD.

Trong số 2.000 công ty, vị trí số 1 thuộc về ngân hàng là JPMorgan Chase của Mỹ với giá trị vốn hóa thị trường đạt mức 399,59 tỷ USD.

Cổ phiếu Vietcombank lên mức 3 con số, lập kỷ lục về giá trị vốn hóa

Tuần qua (5-9/6/2023), cổ phiếu ngân hàng diễn biến khá phân hóa với 12 mã giảm giá và 13 mã tăng giá.

Trong đó, cổ phiếu NVB của ngân hàng Quốc dân (NCB) tăng mạnh nhất ngành (6%), đóng cửa ngày 9/6 ở giá 15.800 đồng/cp. Từ đầu tháng 5 đến nay, cổ phiếu này đã tăng giá hơn 20%.

Cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là VCB của Vietcombank (5,9%). Với đà tăng mạnh tuần qua, cổ phiếu VCB tiếp tục lập đỉnh mới, vượt mốc 100.000 đồng/cp. Vốn hóa của Vietcombank đã lên hơn 475 nghìn tỷ đồng, tương đương với hơn 20 tỷ USD.

Mức vốn hóa này gần bằng tổng giá trị thị trường của hai doanh nghiệp đứng kế sau là BIDV và VHM, đồng thời là mức vốn hóa cao nhất mà một doanh nghiệp trong nước đạt được. Thậm chí, vốn hóa của Vietcombank còn vượt nhiều ngân hàng khác trên thế giới và xấp xỉ vốn hóa của ngân hàng hàng đầu của Đức là Deutsche Bank.

Các mã tăng mạnh tiếp theo chủ yếu là cổ phiếu nhỏ trên UPCoM như PGB (5,5%), KLB (3,6%), SGB (2,9%)… Một số mã niêm yết trên HoSE cũng có diễn biến tích cực như MSB (3,1%), MBB (2,8%), VIB (1,5%)…

Chiều ngược lại, có khá nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm giá, trong đó có những cổ phiếu lớn như BID (-2,8%), VPB (-1,8%), CTG (-1%).

Thanh khoản toàn ngành vẫn đang duy trì tương đương tuần trước, với giá trị giao dịch khớp lệnh hơn 16.300 tỷ, tương đương hơn 3.200 tỷ đồng/phiên. Trong đó, SHB có thanh khoản cao nhất đạt 2.300 tỷ đồng. STB cũng có có thanh khoản trên 2.000 tỷ trong tuần qua.

Năm 2022, công ty xử lý nợ xấu cho các ngân hàng lãi 165 tỷ đồng năm 2022

Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là doanh nghiệp đặc thù được thành lập và hoạt động với trọng trách xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế.

VAMC ra đời bởi tính chất rủi ro của hoạt động tín dụng ngân hàng, nợ xấu luôn là vấn đề hiện hữu, tồn tại một cách khách quan đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu gia tăng ở mức rất cao trong những năm 2010 khiến nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn.

Lũy kế từ khi thành lập đến cuối năm 2016, VAMC đã thực hiện mua nợ bằng trái phiếu đảm bảo với tổng giá trị trái phiếu đã phát hành đạt 245.878 tỷ đồng, tương ứng 275.565 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, góp phần đưa tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng xuống dưới 3% vào cuối năm 2016.

Đến năm 2017, VAMC đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ tăng vốn điều lệ để có tiềm lực tài chính phù hợp với yêu cầu của hoạt động mua bán, xử lý nợ theo giá trị thị trường trong từng giai đoạn.

Cụ thể, VAMC đã được chấp thuận bổ sung vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Tới năm 2019, VAMC đã được phê duyệt, chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho VAMC đạt 5.000 tỷ đồng, định hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng vốn điệu lệ của VAMC lên 10.000 tỷ đồng.

Trong hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo giá trị thị trường, lũy kế từ năm 2017 đến nay, VAMC đã thực hiện mua nợ với tổng giá mua đạt gần 13.000 tỷ đồng và đã thu hồi nợ được khoảng 9.700 tỷ đồng.

Nếu như trước đây nguồn thu chủ yếu đến từ số tiền VAMC được hưởng trên các khoản nợ mua bằng trái phiếu đảm bảo, thì hiện nay nguồn thu chính của VAMC đến từ kết quả của hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường.

Từ năm 2017 đến nay, doanh thu hàng năm của VAMC đều đạt trên 2.000 tỷ đồng gấp hàng chục lần so với giai đoạn trước (trong đó, năm 2021, doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng).

Lợi nhuận hàng năm trong giai đoạn 2017 đến nay đều gia tăng. Nếu như năm 2017 - năm đầu tiên triển khai hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường, lợi nhuận của VAMC mới đạt 16 tỷ đồng, thì đến năm 2022 lợi nhuận của VAMC đã đạt 165 tỷ đồng.

SacombankHDBank tiếp tục giảm lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên

Sacombank cho biết, từ ngày 12/6, nhà băng này áp dụng biểu lãi suất huy động mới đối với khách hàng cá nhân. Theo đó, lãi suất tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên giảm 0,2-0,35 điểm %.

Tin ngân hàng ngày 12/6: 5 ngân hàng Việt lọt top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, tại kỳ hạn gửi 6 tháng, lãi suất huy động vủa Sacombank sẽ giảm 0,2 điểm % xuống 6,6%/năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống 7,2%/năm.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng của Sacombank giảm 0,3 điểm % xuống 7,2%/năm, kỳ hạn 36 tháng giảm 0,35 % xuống 7,45%/năm.

Tương tự với HDBank , ngân hàng cũng giảm đồng loạt lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng từ ngày 12/6, mức giảm 0,2%. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 13 tháng của HDBank chỉ còn 7,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng được giữ nguyên mức 6,9%/năm.

Hiện lãi suất huy động cao nhất của nhóm ngân hàng lớn là từ 6,8% đến 7,7%/năm.

Trong đó, những ngân hàng lớn có lãi suất top đầu có thể kể đến HDBank (7,7%/năm), SHB (7,7%/năm), VPBank (7,5%/năm), ACB (7,5%/năm). Trong khi đó, Techcombank, Sacombank, MB đã điều chỉnh xuống dưới 7,5%/năm.

Nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) có lãi suất thấp nhất thị trường, chỉ 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng gửi tại quầy. Đối với gửi online, lãi suất cao nhất tại những ngân hàng này cũng chỉ có thể đạt 7%/năm.

Nhóm ngân hàng nhỏ vẫn đang dẫn đầu về lãi suất niêm yết, cao nhất là 8,6%/năm tại GPBank, tiếp đến là ABBank (8,5%/năm).

Đa số các ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất cho hình thức tiết kiệm online, cao hơn so với gửi tại quầy từ 0,2-1%/năm. Tuy nhiên, việc huy động tiền gửi với “lãi suất ngầm” vẫn đang diễn ra. Cụ thể, khách hàng có thể thoả thuận với ngân hàng để có lãi suất huy động cao hơn so với bảng lãi suất niêm yết công khai, thông thường áp dụng cho khách hàng ưu tiên và tuỳ thuộc vào nhu cầu huy động vốn của từng chi nhánh cụ thể.

Theo dự báo của giới chuyên gia, lãi suất huy động vẫn có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trong đó, bộ phận phân tích của Chứng khoán VNDiect nhận định, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,5%/năm trong năm nay, dựa trên các lý do như nhu cầu tín dụng yếu do tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thị trường bất động sản ảm đạm. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 12/6: 5 ngân hàng Việt lọt top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới

Huy Tùng (T/h)

kinhtexaydung.petrotimes.vn