Tin ngân hàng ngày 18/7: VietinBank rao bán khoản nợ xấu gần 250 tỷ của Vinaxuki

11:15 | 18/07/2023

|
Rà soát lại các loại lệ phí liên quan đến việc ngân hàng cho vay; Tỷ giá trung tâm giảm về mức thấp nhất trong 4 tuần; Vietbank vào Top 10 Nhãn hiệu cạnh tranh Việt Nam 2023… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 17/7: Kiến nghị giảm thuế VAT để hạ lãi suất cho vayTin ngân hàng ngày 17/7: Kiến nghị giảm thuế VAT để hạ lãi suất cho vay
Tin ngân hàng ngày 15/7: Dự báo nợ xấu có thể đạt đỉnh vào cuối năm nayTin ngân hàng ngày 15/7: Dự báo nợ xấu có thể đạt đỉnh vào cuối năm nay

VietinBank rao bán khoản nợ xấu gần 250 tỷ của Vinaxuki

Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank AMC) vừa thông báo xử lý tài sản bảo đảm để thu thu hồi nợ của Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Vinaxuki Xuân Kiên).

Tin ngân hàng ngày 18/7: VietinBank rao bán khoản nợ xấu gần 250 tỷ của Vinaxuki
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tài sản bảo đảm là 15 xe ô tô tải thương hiệu Vinaxuki hiện đang trong kho nhà máy Vinaxuki Mê Linh, các xe đều chưa hoàn thiện để xuất xưởng, sản xuất từ năm 2012.

Theo công bố của VietinBank, khoản nợ của Vinaxuki Xuân Kiên tại VietinBank Chương Dương tính đến ngày 4/7 có giá trị hơn 248,5 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 82,4 tỷ đồng, nợ lãi 166,1 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Vinaxuki được ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch HĐQT thành lập vào năm 2004, với tham vọng trở thành nhà sản xuất ôtô “made in Vietnam” đầu tiên. Cùng với Trường Hải, đây là một trong hai doanh nghiệp ôtô tư nhân đầu tiên được Chính phủ cấp giấy phép sản xuất ôtô các loại và phụ tùng.

Vinaxuki Xuân Kiên từng dẫn đầu thị trường trong nước đối với dòng xe tải hạng nhẹ. Ngày đó, nhà máy Vinaxuki ở Thanh Hóa nhộn nhịp ngày đêm để cho ra thị trường những chiếc xe tải gắn với tên tuổi ông Huyên.

Tuy nhiên, sai lầm về chiến lược phát triển cùng những lý do khách quan khác đã khiến tên tuổi của Vinaxuki rơi dần vào quên lãng. Theo đó, từ năm 2009, công ty này không còn tập trung cho dòng xe tải mà theo đuổi giấc mơ sản xuất ô tô con Made in Vietnam trong bối cảnh thị trường đã có sự hiện diện của những “ông lớn” ngoại có tuổi đời cả trăm năm.

Giấc mơ ô tô Việt của Vinaxuki đã đột ngột dừng lại vào năm 2012 khi Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng và nợ quá hạn các ngân hàng. Từ đó, Vinaxuki không thể vay được vốn ở ngân hàng nào, dù chỉ là vốn lưu động.

Cũng từ đó, Vinaxuki rơi vào thảm cảnh thua lỗ, nợ nần, các dây chuyền sản xuất bị “đắp chiếu”. Cuối 2012, công ty này nợ ngân hàng tổng cộng 1.472 tỷ đồng.

Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng Giám đốc Vinaxuki, cho biết đã phải bán nhà cửa lấy tiền trả lãi để được tái cơ cấu từ vốn vay ngắn hạn sang dài hạn nhưng không được các ngân hàng cho vay nữa. Sau đó, Vinaxuki bị đưa vào nợ xấu nhóm 4 và yêu cầu bàn giao tài sản để ngân hàng đấu giá.

Mới đây, hồi tháng 2/2023, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng thông báo phát mại tài sản bảo đảm Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Công ty con Vinaxuki Xuân Kiên) để xử lý nợ. Cụ thể, tài sản bảo đảm là hệ thống lò luyện trung tần KGPS600-1.0, sản xuất năm 2010 và hệ thống làm mát lò đúc FBH-80T, sản xuất năm 2009. Ngân hàng đưa ra giá khới điểm cho lô tài sản này là gần 332 tỷ đồng.

Rà soát lại các loại lệ phí liên quan đến việc ngân hàng cho vay

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đang rà soát thủ tục, quy trình cho vay và các loại phí, lệ phí tổ chức tín dụng (TCTD) đang áp dụng để xem xét, chỉ đạo các TCTD cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.

Việc rà soát các loại phí, lệ phí là một trong những giải pháp của NHNN trong hoạt động điều hành tín dụng trong giai đoạn hiện nay.

NHNN cho biết, vừa qua cũng đã tổ chức các hội nghị chuyên đề tín dụng, các buổi làm việc nhằm nhận diện các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp đối với một số ngành, lĩnh vực như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, bất động sản, kinh doanh xăng dầu, thủy sản, lâm sản...

Cơ quan quản lý thị trường tiền tệ cũng chỉ đạo các TCTD tiếp tục bố trí nguồn vốn, phát triển, đa dạng các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Riêng với lĩnh vực bất động sản, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn vào các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.

Tỷ giá trung tâm giảm về mức thấp nhất trong 4 tuần

Mở cửa tuần thứ ba của tháng 7/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hạ tỷ giá trung tâm 19 đồng, xuống 23.701 đồng/USD. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.516 - 24.886 đồng/USD.

Liên tục trong ba phiên gần đây, tỷ giá trung tâm đều giảm mạnh và đã giảm tổng cộng 112 đồng. Tỷ giá trung tâm có thể hạ nhiệt nhờ đồng USD bất ngờ đảo chiều rơi sâu. Chỉ số DXY đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền mạnh đang giao dịch ở mức 99,8 điểm, giảm hơn 2% vào tuần trước và chìm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng.

Dữ liệu lạm phát của Mỹ yếu hơn dự kiến làm dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Tại cuộc họp quyết định lãi suất tổ chức vào thứ Năm tuần tới, giới đầu tư đa số (96,1%) kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Tuy nhiên, khả năng về một đợt tăng lãi suất khác của Fed sau cuộc họp tháng 7 gần như đã không còn.

Trong khi đó, các nhà đầu tư tin rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết áp lực lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, bất chấp dữ liệu tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát giảm trên toàn khu vực. Điều này đã đẩy đồng euro củng cố mức tăng, giao dịch ở mức trên 1,11 USD đổi 1 euro - cũng là mức cao nhất kể từ tháng 2/2022

Tỷ giá trung tâm hạ nhiệt rất nhanh, nhưng tỷ giá USD/VND vẫn đang neo khá cao. Tại Vietcombank, tỷ giá không thay đổi so với cuối tuần trước. Ngân hàng này hiện yết tỷ giá USD ở mức 23.470 đồng/USD (mua vào) và 23.810 đồng/USD (bán ra). Dù vậy, so với thời điểm tăng nóng chục ngày trước, tỷ giá USD đã giảm được khoảng 100 đồng.

Cùng với đà giảm mạnh của đồng USD, giá vàng quốc tế cũng đã có khoảng thời gian hồi phục khá mạnh. Tuy nhiên, so với cuối tuần trước, giá vàng nhìn chung không còn biến động quá lớn.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay ở mức 1.954 USD/ounce, không thay đổi nhiều so với tuần trước. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2023 trên sàn Comex New không chênh quá nhiều so với giá giao ngay, giao dịch ở mức 1.955 USD/ounce.

Vietbank vào Top 10 Nhãn hiệu cạnh tranh Việt Nam 2023

Ngày 16/07/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB) đã vinh dự nhận giải thưởng "Top 10 Nhãn hiệu Cạnh tranh 2023" trong chương trình tư vấn và bình chọn "Nhãn hiệu Nổi tiếng - Nhãn hiệu Cạnh tranh Việt Nam 2023" do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức.

Tin ngân hàng ngày 18/7: VietinBank rao bán khoản nợ xấu gần 250 tỷ của Vinaxuki
Vietbank vào Top 10 Nhãn hiệu cạnh tranh Việt Nam 2023

Giải thưởng này được trao cho Vietbank dựa trên sự đánh giá về tốc độ phát triển của ngân hàng trong thời gian gần đây, bao gồm khả năng cạnh tranh, quản lý chất lượng sản phẩm - dịch vụ, khả năng vượt qua khó khăn và sự đồng hành tích cực với khách hàng. Đây là một minh chứng cho những nỗ lực liên tục của Vietbank trong việc tuân thủ triết lý kinh doanh trên cơ sở niềm tin, và tập trung vào sự phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả. Ngân hàng luôn chú trọng tối ưu hóa giá trị cho khách hàng, đối tác, nhà đầu tư và nhân viên, đồng thời thực hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

Vietbank được thành lập từ năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu chỉ là 200 tỷ đồng. Qua hơn 16 năm phát triển, Vietbank đã có vốn điều lệ gần 5 ngàn tỷ đồng, tổng tài sản trên 110 ngàn tỷ đồng, đội ngũ nhân sự gần 2.600 cán bộ nhân viên, và mạng lưới hoạt động gồm 118 Trung tâm kinh doanh trên toàn quốc.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Vietbank luôn theo đuổi triết lý kinh doanh bền vững trên cơ sở niềm tin, và cùng lúc đó, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng qua các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid-19, Vietbank đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng để giảm lãi, phí cho khách hàng và tham gia hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch bằng cách cung cấp trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ phòng chống dịch, nhu yếu phẩm cho các bệnh viện, khu cách ly và khu dân cư bị phong tỏa tại TP HCM và các tỉnh thành trên toàn quốc.

Ngoài giải thưởng "Top 10 Nhãn hiệu Cạnh tranh 2023", Vietbank còn được vinh danh là "Top 10 dịch vụ chất lượng vàng vì quyền lợi người tiêu dùng 2023", "Top 50 Doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam 2023" và "Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng 2023". Tất cả những danh hiệu này là sự thể hiện sự tin tưởng của khách hàng và đối tác vào kết quả hoạt động của Vietbank, cũng như khẳng định năng lực cạnh tranh vượt trội của ngân hàng trong việc phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 18/7: VietinBank rao bán khoản nợ xấu gần 250 tỷ của Vinaxuki

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn