Tin ngân hàng tuần qua: Người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng kỷ lục

11:18 | 09/07/2023

|
CEP hỗ trợ công nhân lao động gói vay hơn 50.000 tỷ; Hàng loạt ngân hàng chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức trong tháng 7; UOB dự báo NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 1 điểm % trong quý III… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật tuần qua.
Tin ngân hàng tuần qua: Tiếp tục yêu cầu triển khai các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suấtTin ngân hàng tuần qua: Tiếp tục yêu cầu triển khai các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất
Tin ngân hàng tuần qua: Không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giáTin ngân hàng tuần qua: Không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá

Người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng kỷ lục

Tính đến cuối tháng 4/2023, tổng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng kỷ lục khi đạt 6,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 467.000 tỷ đồng (7,96%) so với cuối năm 2022.

Tin ngân hàng tuần qua: Người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng kỷ lục
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin, tính đến cuối tháng 4/2023, tổng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 467.000 tỷ đồng (7,96%) so với cuối năm 2022. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Điều đáng chú ý nữa là, từ đầu năm 2023 đến nay, lượng tiền gửi của cư dân luôn cao hơn so với lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế.

Tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,65 triệu tỷ đồng, giảm 8.833 tỷ đồng (5,02%) so với cuối năm 2022. Trong khi đó, so với cuối tháng 3, tiền gửi của cư dân tăng thêm 52.028 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo quý 2/2023 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, lượng tiền gửi trong hệ thống các tổ chức tín dụng đang dư thừa.

Điều này cho thấy gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn đang là lựa chọn an toàn hàng đầu với cư dân trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán không còn hấp dẫn như trước.

So với cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm, giảm 0,7%/năm.

Lãi suất cho vay bình quân ở mức khoảng 8,9%/năm, giảm 1%/năm so với cuối năm ngoái.

Theo số liệu mới nhất từ NHNN, đến cuối tháng 6/2023, dư nợ nền kinh tế đạt 12,423 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so 2022. Dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với DNNVV đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế.

CEP hỗ trợ công nhân lao động gói vay hơn 50.000 tỷ

Mới đây, Tổ chức Tài chính vi mô CEP (CEP) tổ chức lễ ký kết với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) 9 tỉnh miền Nam gói vay 50.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ công nhân và người lao động.

Tham gia lễ ký hợp tác có Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải cùng LĐLĐ 9 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang.

Tại buổi ký kết, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP HCM - đánh giá cao nỗ lực của CEP và các cấp công đoàn trong việc hỗ trợ công nhân lao động, đặc biệt là những lúc khó khăn. Đồng thời, mong muốn các đơn vị nhanh chóng triển khai thực hiện nội dung ký kết để kịp thời đưa vốn vay đến CNLĐ, góp phần hạn chế, ngăn chặn "tín dụng đen" trong CNLĐ.

Ông Nguyễn Tấn Đạt - Phó Tổng Giám đốc CEP - cho biết nội dung trọng tâm mà CEP sẽ phối hợp cùng LĐLĐ các tỉnh nói trên thực hiện trong giai đoạn 2023-2028 là 3 nhóm giải pháp: Tăng khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ CEP cho người lao động; Nâng cao kiến thức tài chính, giúp người lao động phòng tránh “tín dụng đen” và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân; Bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động; Dự kiến trong giai đoạn này, CEP sẽ hỗ trợ hơn 1,4 triệu lượt công nhân, hộ gia đình vay vốn với số tiền hơn 50.000 tỷ đồng, số tiền sẽ được giải ngân trong thời gian 5 năm 2023-2028.

Cụ thể, công nhân được vay là 12-100 triệu đồng, lãi suất 0,4-0,65% mỗi tháng, tương đương 4,8-7,8% mỗi năm, thấp hơn lãi ngân hàng (10-25% mỗi năm cho vay tín chấp). Người lao động sẽ trả gốc, lãi theo tháng. Lao động muốn vay có thể liên hệ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp hoặc cán bộ tín dụng CEP tại nơi ở.CEP cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tác hại “tín dụng đen’’ thông qua các trò chơi, câu hỏi kèm tặng quà và qua các tổ chức tài chính tư vấn cá nhân nhằm quảng bá dịch vụ của CEP và giới thiệu việc làm cho CNLĐ trong các hoạt động do công đoàn tổ chức.

CEP cũng thực hiện Chương trình “CEP chia sẻ yêu thương” hàng năm, hỗ trợ gia đình CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống. Trong 5 năm 2023 -2028 sẽ hỗ trợ gần 195.000 CNLĐ với tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng. Tại buổi lễ, CEP cũng phát vay gần 230 triệu đồng vốn cho 15 Nghiệp đoàn viên xe máy 115 và trao 21,5 triệu đồng học bổng cho con các CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

VPBank lên phương án sử dụng 1,5 tỷ USD thu được từ đợt chào bán riêng lẻ cho SMBC

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa có Nghị quyết về việc Chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền của cổ đông.

Tin ngân hàng tuần qua: Người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng kỷ lục
VPBank lên phương án sử dụng 1,5 tỷ USD thu được từ đợt chào bán riêng lẻ cho SMBC/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, ngân hàng dự kiến lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trong tháng 7/2023 về việc bổ sung, cụ thể hóa Phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Ngày đăng ký cuối cùng là 20/7/2023.

Trước đó, hồi cuối tháng 3, VPBank đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản (thuộc tập đoàn tài chính SMFG). Thoả thuận này đã chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.

Thỏa thuận đầu tư lần này là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022 nhằm tăng cường năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng chiến lược trong 5 năm tới.

Theo VPBank, khoản đầu tư của SMBC sẽ mang lại cho ngân hàng 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương 1,5 tỷ USD), nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng. Qua đó, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau Vietcombank. Điều này cho phép VPBank có đủ sức mạnh tài chính để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng ở tất cả các phân khúc chiến lược.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cũng cho biết, vào ngày 17/4 VPBank đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ, hơn 3.590 tỷ.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ cổ đông ngày 18/5, bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank - cho biết ngân hàng đang thực hiện các bước để hoàn tất thương vụ như xin phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền và chào bán riêng lẻ tăng vốn điều lệ theo quy định pháp luật. Quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng 2 - 3 tháng, dự kiến khoảng cuối tháng 7 và đầu tháng 8 sẽ hoàn tất các thủ tục và nhận tiếp 90% số tiền còn lại, ghi nhận vào vốn của VPBank.

Hàng loạt ngân hàng chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức trong tháng 7

Trong tuần qua, nhiều ngân hàng thông báo ngày chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức, cụ thể:

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) thông báo 26/7 là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019,2020.

Theo đó, Vietcombank sẽ phát hành phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới).

Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức dự kiến là 55.891 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB ) thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại luỹ kế của năm 2022.

Cụ thể, MB sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 17/7/2023 để phát hành khoảng 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/7/2023.

Sau khi thực hiện xong đợt phát hành cổ phiếu này, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 6.800 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến tăng thêm 1.542 tỷ đồng cho vốn điều lệ từ việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ 2022 thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Nam A Bank mới đây cho biết sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 7/7 để phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đó, Nam A Bank dự kiến sẽ phát hành thêm hơn 211,6 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 100:25, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu lẻ phát sinh do làm tròn xuống (nếu có) sẽ được hủy bỏ.

Cuối tuần trước, Hội đồng quản trị HDBank chấp thuận ngày 20/7 là đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/7.

UOB dự báo NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 1 điểm % trong quý III

Dự báo của Bộ phận phân tích Ngân hàng UOB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 1 điểm phần trăm trong quý III năm 2023. Báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường toàn cầu của UOB cũng công bố kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý II/2023.

Tin ngân hàng tuần qua: Người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng kỷ lục
UOB dự báo NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 1 điểm % trong quý III/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong quý II năm 2023 đã đạt 4,14%, vượt xa mức dự báo chung là 3,8% nhưng thấp hơn kỳ vọng của UOB là 5,9%. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 3,72% so với cùng kỳ, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ 6,46% trong nửa đầu năm 2022 và mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6,5%.

UOB nhận định rằng mặc dù đã có các biện pháp tích cực gần đây như cắt giảm lãi suất cơ bản và thuế giá trị gia tăng (VAT), nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng là 6,0% sẽ rất khó khăn. Nhóm phân tích của UOB cho biết cần có sự cải thiện đáng kể trong lĩnh vực sản xuất và ngoại thương để đóng góp mạnh mẽ hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Dựa trên tình hình hiện tại, UOB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 xuống còn 5,2%, thấp hơn so với dự báo trước đó là 6,0% và tăng trưởng 8,0% trong năm 2022.

UOB cho rằng quý III/2023 sẽ là thời điểm quan trọng, tuy nhiên, rủi ro suy giảm vẫn còn đối với xuất khẩu và sản xuất nếu không có sự cải thiện đáng kể. Vì vậy, dự báo tăng trưởng 7% trong quý III năm 2023 và dự báo tăng trưởng chính thức 6,5% sẽ gặp thách thức. UOB dự đoán rằng NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong quý III/2023 trước khi tạm dừng để đánh giá tác động.

Tuy nhiên, NHNN đã hành động quyết liệt hơn dự đoán của UOB bằng cách cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tổng cộng 1,5 điểm phần trăm vào tháng 6 năm 2023, đưa lãi suất xuống còn 4,50%. Do đó, UOB đánh giá rằng NHNN có khả năng tiếp tục hạ lãi suất trong quý III năm 2023.

Nguồn: Tin ngân hàng tuần qua: Người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng kỷ lục

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn