Tuyên truyền phòng, chống dịch: Hiệu quả từ loa phường đến Zalo, Facebook

17:04 | 05/08/2021

|
Các hình thức tuyên truyền sinh động, linh hoạt, từ loa phường đến Zalo, Facebook… đã giúp người dân Thủ đô nắm bắt đầy đủ, kịp thời về mức độ nguy hiểm, cũng như cách phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời nâng cao ý thức tự phòng bệnh, không hoang mang, nhưng cũng không chủ quan.
Tuyên truyền phòng, chống dịch: Hiệu quả từ loa phường đến Zalo, Facebook
Hà Nội đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Tuyên truyền chống dịch bằng loa phường, áp phích, tờ rơi…

Thời gian gần đây, không ít người dân ở các quận, huyện của Hà Nội thường xuyên lắng nghe tin tức về đại dịch COVID-19, cách phòng chống dịch bệnh, cũng như các khuyến cáo về việc hạn chế tụ tập đông người… từ loa truyền thanh của phường, xã.

Đều đặn mỗi ngày 2 khung giờ (6 đến7h và 17h), ở các phường, xã còn dùng loa truyền thanh sẽ phát thông tin cập nhật tình hình lây nhiễm COVID-19 trên cả nước, cũng như các biện pháp phòng chống dịch… Nhờ được nghe tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa di động, nên ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân được nâng lên rõ rệt.

Bà Đỗ Thị Bích (Xuân La, Tây Hồ) chia sẻ: “Loa truyền thanh thật sự hữu ích, đặc biệt trong thời gian giãn cách như hiện nay. Trông cháu, cơm nước, việc nhà… khiến tôi không có thời gian xem truyền hình, đọc báo. Nhưng nhờ có loa phường mà ngày nào tôi cũng biết được thông tin về ca mắc và khỏi, cũng như cách phòng bệnh, từ đó tôi nhắc nhở các thành viên trong nhà chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, như đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, rửa tay đúng cách…”.

Tại nhiều thôn, xã ở các huyện, ngoài tuyên truyền qua loa phát thanh, cán bộ và lực lượng thanh niên còn đến từng nhà dân để phát tờ rơi, đồng thời hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch với nội dung ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu.

Điển hình như huyện Mỹ Đức, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã triển khai 22 đội hình Thanh niên xung kích 3-5-2 (3 ca/ngày; tuyên truyền 5K và các văn bản chỉ đạo, các nội dung phòng chống dịch COVID-19; 2 thành viên/đội tuyên truyền) tới 22 xã, thị trấn. Huyện đoàn cũng tuyển chọn thanh niên tình nguyện sẵn sàng cùng các lực lượng tại địa phương tham gia các điểm trực chốt phòng chống dịch.

Song song với đó, Huyện đoàn đã cấp phát hơn 100.000 tờ rơi và 450 poster, với mục đích đa dạng các hình thức tuyên truyền, từ đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.

… đến Zalo, Facebook

Trong thời đại công nghệ như hiện nay, một kênh tuyên truyền về công tác phòng chống dịch được đánh giá là rất hiệu quả, đó là các mạng xã hội như Zalo, Facebook...

Ngay từ những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, đồng loạt 16 cơ sở đoàn, đoàn viên thanh niên ở huyện Thanh Trì, ngoài áp dụng mô hình “loa kéo di động” ra quân tuyên truyền, đã kích hoạt hệ thống fanpage, Zalo, Facebook… để bảo đảm tuyên truyền sâu rộng, cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời về các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch.

Hay tại quận Cầu Giấy, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ngay trong đêm 23 và rạng sáng 24/7, quận đã triển khai chỉ thị đến UBND các phường trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo UBND các phường đưa chỉ thị này lên các nhóm Zalo, Facebook, tổ chức tuyên truyền bằng loa di động, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người dân nghiêm túc thực hiện chỉ thị.

Trên các trang fanpage của các đoàn cơ sở trực thuộc, hội, nhóm Zalo, Facebook… thường xuyên cập nhật thông tin mới về tình hình dịch bệnh trên cả nước, những biến chủng virus nguy hiểm; kêu gọi mọi người cài đặt ứng dụng Bluezone, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế…

Hội LHPN quận Tây Hồ đánh giá, việc tuyên truyền qua Zalo, Facebook cũng rất hiệu quả. Thông qua mạng xã hội, các cấp hội trên toàn quận đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân không ra đường khi không cần thiết; cập nhật thường xuyên các thông tin, hình ảnh về các hoạt động tham gia phòng, chống dịch của các cấp hội, cũng như những quy định về mức xử phạt vi phạm phòng, chống dịch trên trang Facebook “Phụ nữ Tây Hồ”.

Đặc biệt, các cơ sở hội còn duy trì việc thông tin, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân nghiêm túc hợp tác trong việc khai báo y tế thường xuyên, đầy đủ, chính xác, kịp thời, nhất là các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở… Bên cạnh đó, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền tới cán bộ, hội viên và nhân dân về đường dây nóng, hòm thư góp ý của quận Tây Hồ để nhân dân phản ánh về công tác phòng, chống dịch; triển khai đến 11/11 cơ sở, 91/91 chi hội, tổ phụ nữ, qua các nhóm Zalo, Facebook để thông tin về tình hình, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại quận.

Cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 đang tiếp diễn. Dù lựa chọn tuyên truyền bằng cách thức nào, các đơn vị, địa phương của Hà Nội vẫn hướng đến mục tiêu chung là đưa thông tin chính xác nhất, kịp thời nhất đến người dân, qua đó, tạo sự ủng hộ của toàn xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát, ngăn chặn dịch ở Thủ đô.

Nguồn: Tuyên truyền phòng, chống dịch: Hiệu quả từ loa phường đến Zalo, Facebook

Thùy Linh

Báo điện tử Chính phủ