An Giang: Cô giáo vùng quê với những sáng kiến kinh nghiệm hiệu quả

21:54 | 20/11/2022

|
Dù tiếp xúc không ít lần, nhưng mỗi khi gặp gỡ, cô Nguyễn Thị Ánh Hồng (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Quang Diêu, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) để lại nhiều ấn tượng khó phai về sự nhiệt huyết với nghề và tình yêu dành cho học trò ở ngôi trường vùng biên.

Công tác tại Trường THPT Nguyễn Quang Diêu từ năm 2003 đến nay, cô Ánh Hồng chia sẻ, mình là người của công việc. Những bận rộn của công việc gia đình, cô có thể để sau nhưng những vấn đề liên quan đến trường lớp và học sinh, cô luôn tranh thủ hoàn thành tốt nhất, sớm nhất.

Những năm qua, nhà trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học triệt để, sâu rộng đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh thông qua công tác bồi dưỡng chuyên môn, tích cực dự giờ thăm lớp giáo viên, kiểm tra nội bộ; tham gia hội thi viết sáng kiến, cải tiến cấp trường, cấp cơ sở…

Từ đó, góp phần thúc đẩy học sinh hứng thú, thi đua trong học tập, rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện thân thể, bổ sung hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống và tinh hoa văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh luôn được xem trọng, ưu tiên. Từ đây, cô Ánh Hồng đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm với mô hình tư vấn học đường, điểm nhấn là hướng đến giáo dục học sinh phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.

An Giang: Cô giáo vùng quê với những sáng kiến kinh nghiệm hiệu quả
Cô Ánh Hồng luôn tận tâm với học sinh trong giảng dạy lẫn giáo dục đạo đức

“Thời gian qua, tôi tích cực tham gia phong trào viết sáng kiến, cải tiến đạt giải cấp trường, cấp tỉnh. Nhiều sáng kiến đã đạt giải và được công nhận có tính hiệu quả, ứng dụng thực tiễn cao. Điển hình như sáng kiến “Một số giải pháp đẩy mạnh công tác tư vấn học đường góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức học sinh ở Trường THPT Nguyễn Quang Diêu” năm học 2017-2018. Từ thực tế muốn tăng cường giáo dục đạo đức, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh để có những định hướng, giáo dục phù hợp, tôi đã viết sáng kiến này.

Hiệu quả mang lại được đánh giá khá cao. Công tác tư vấn học đường đã có sức lan tỏa và tạo được chuyển biến về tâm lý mạnh mẽ theo hướng tích cực. Học sinh được giáo viên tư vấn và giải tỏa tâm tư, tình cảm, nên hầu hết cảm thấy lạc quan, vui vẻ hơn... Tình trạng vi phạm đạo đức lối sống của học sinh được chấn chỉnh, có chuyển biến tốt, được phụ huynh đánh giá cao” - cô Hồng cho biết.

Năm học 2018-2019, cô Ánh Hồng tiếp tục đạt giải C với sáng kiến kinh nghiệm mang tên: “Biện pháp đẩy mạnh công tác tư vấn học đường góp phần giáo dục toàn diện học sinh ở Trường THPT Nguyễn Quang Diêu”. Sáng kiến nêu bật tầm quan trọng công tác tư vấn học đường, tạo chuyển biến về tâm lý theo hướng tích cực, toàn diện, học tập tiến bộ hơn. “Tư vấn học đường là mô hình rất cần thiết cho các em, là nơi để các em học sinh chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn trong cuộc sống, học tập, cũng như trong tình cảm yêu thương”- cô Ánh Hồng chia sẻ.

Năm học 2021-2022, sáng kiến kinh nghiệm “Biện pháp phát huy hiệu quả công tác tư vấn học đường góp phần giáo dục toàn diện học sinh ở Trường THPT Nguyễn Quang Diêu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” của cô Hồng tiếp tục được đánh giá cao về tính thực tiễn. Sáng kiến nhằm hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, góp phần động viên, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc về tâm lý trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, kể cả phụ huynh trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Trên tinh thần “Tôn trọng - thấu hiểu - chia sẻ - bình đẳng”, ngoài tư vấn, giáo viên còn kịp thời động viên, hỗ trợ cần thiết cho học sinh vượt qua khó khăn để vui vẻ đến trường.

Ban Tư vấn học đường của trường hiện có 15 thành viên, gồm các giáo viên, phụ huynh và học sinh tham gia. Cô Nguyễn Thị Ánh Hồng (cố vấn Ban Tư vấn học đường) cho biết, thành viên được chọn tham gia nhiệm vụ này dựa trên các tiêu chí là người có tâm huyết, uy tín, yêu thương chăm lo cho học sinh và có khả năng nắm bắt tâm lý học sinh. Đây không chỉ là nhiệm vụ, giáo viên còn phải xác định sự quan tâm từ trái tim đối với học sinh, tôn trọng các em, tin tưởng và giúp các em có niềm tin nơi mình. Phần lớn nội dung học sinh tìm đến giáo viên nhờ hỗ trợ về vấn đề tâm lý, khi không tìm được người tin tưởng hoặc không có ai chia sẻ…

Ngoài ra, cô Ánh Hồng còn phối hợp với ban giám hiệu, ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia các phong trào thiện nguyện, như: Vận động xây nhà Tình nghĩa, vận động Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Mái ấm công đoàn, phát động phong trào giúp bạn đến trường, tiếp bước đến trường, vui xuân đón Tết, vận động các nguồn học bổng hỗ trợ học sinh. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch ở trường và địa phương, cô Hồng đã vận động hơn 800 bộ đồ bảo hộ, 2 máy đo thân nhiệt và các trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ cho công tác chống dịch.

Với những đóng góp tích cực, từ năm học 2016-2017 đến nay, cô Ánh Hồng được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục. Năm học 2021-2022, cô Nguyễn Thị Ánh Hồng được Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen “Thực hiện tốt phong trào thi đua về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nguồn: Cô giáo vùng quê với những sáng kiến kinh nghiệm hiệu quả

Phương Lan

baoangiang.com.vn