An Giang: Hết lòng vì những mảnh đời bất hạnh

09:56 | 15/02/2023

|
Gần 30 năm với vai trò là Chủ tịch UBMTTQVN xã Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), khi đến tuổi hưu trí, ông Huỳnh Công Tấn (sinh năm 1962) tiếp tục tham gia, đóng góp sức lực, trí lực cho quê hương với vai trò Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thoại Sơn. Dù ở vai trò nào, ông Tấn cũng làm bằng cái tâm, mong những người yếu thế có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
An Giang: Thoại Sơn tiếp tục phát huy quy chế dân chủ ở cơ sởAn Giang: Thoại Sơn tiếp tục phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở
An Giang tập trung thực hiện Đề án 06 với quyết tâm chính trị caoAn Giang tập trung thực hiện Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao

Ông Tấn chia sẻ: “Tôi còn sức khỏe, minh mẫn nên tiếp tục cống hiến sức mình cho địa phương”. Khi ở vai trò Chủ tịch UBMTTQVN xã Vĩnh Trạch, ông Tấn được xem là người có uy tín cao. Suốt thời gian ấy, ông Tấn tích cực phối hợp Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo của xã, các tổ chức thành viên và là “cầu nối” vững chắc, vận động các nhà hảo tâm đóng góp công sức, vật chất để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2016 - 2020, ông Tấn vận động được tiền và hiện vật hỗ trợ người nghèo, chăm lo an sinh xã hội của xã Vĩnh Trạch với số tiền gần 34,8 tỷ đồng.

Tháng 6/2022, ông Huỳnh Công Tấn bắt đầu vai trò mới - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thoại Sơn. Hình ảnh ông Tấn cùng chiếc xe máy đến với gia đình các nạn nhân da cam đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Ông Tấn giúp đỡ, hướng dẫn, tư vấn cho những người nghi bị phơi nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh lập hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng xét để hưởng chế độ, chính sách theo quy định. Đồng thời, ông tích cực kêu gọi, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ vật chất và tinh thần, tạo nguồn lực để chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Ông Huỳnh Công Tấn (bìa phải) tặng quà cho người nghèo

Ông Tấn chia sẻ: “Chiến tranh rất khốc liệt, người thì hy sinh, người để lại một phần xương máu, người âm thầm mang trong mình vết thương không rỉ máu nhưng dai dẳng, đau đớn và di truyền cho thế hệ sau. Niềm vui sống của mỗi hội viên là động lực giúp tôi có thêm niềm tin, tiếp tục đồng hành với các nạn nhân da cam, xoa dịu những nỗi đau, thiệt thòi mà họ gánh chịu”.

Theo ông Tấn, huyện Thoại Sơn hiện có 134 nạn nhân da cam, trong đó nạn nhân có quyết định chính thức là 21, nghi ngờ là 44, dị dạng, dị tật là 69 trường hợp. Chỉ những nạn nhân được giám định và có quyết định chính thức được hưởng chính sách hỗ trợ. Những trường hợp còn lại, hội phải vận động, tìm nguồn hỗ trợ để chăm lo.

“Với nhà hảo tâm, việc vận động không khó bằng việc tạo dựng uy tín, niềm tin để họ tiếp tục đồng hành với mình trong những chặng đường tiếp theo. Vì vậy, mỗi trường hợp, tôi đều đến tận nhà xác minh kỹ lưỡng. Khi có nguồn hỗ trợ, tôi cùng nhà hảo tâm đến tận nơi để trao cho gia đình, chính điều này đã tạo thêm niềm tin. Nên dù có vất vả thế nào, hội sẽ cố gắng hết mình để giữ “sợi dây” liên kết này mãi bền chặt” - ông Tấn bày tỏ.

Năm 2022, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thoại Sơn đã phối hợp các ngành, tổ chức chính trị - xã hội vận động nhà hảo tâm góp sức chăm lo nạn nhân chất độc da cam vui Xuân, đón Tết được 146 suất quà với số tiền hơn 102 triệu đồng. Đồng thời, vận động 1.000 phần quà Tết, mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng cho nạn nhân chất độc da cam và người nghèo ở các xã, thị trấn. Đáng chú ý, hội đã vận động cất mới 6 căn nhà cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam ở xã: Thoại Giang, An Bình, Phú Thuận, Mỹ Phú Đông với số tiền 430 triệu đồng. Đồng thời, cấp 16 xe lăn cho người khuyết tật; trao tặng 5.000 quyển tập cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn…

Những năm qua, nạn nhân da cam và gia đình của họ nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ nhiều phía. Tuy nhiên, sức khỏe của đa số người bị ảnh hưởng không tốt, thậm chí bị khuyết tật vận động, trí tuệ nên đời sống gặp nhiều khó khăn. “Hãy chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” - thông điệp này luôn thôi thúc ông Tấn phải cố gắng hết mình, làm “cầu nối” thật tốt với nhà hảo tâm để những mảnh đời bất hạnh được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin vào cuộc sống.

“Bất kể là ngày nghỉ, chỉ cần nhà hảo tâm liên hệ muốn đến gặp trực tiếp những nạn nhân chất độc da cam, tôi gác lại mọi việc, đồng hành với những tấm lòng nhân ái dành cho huyện nhà” - ông Tấn tâm sự. Với những đóng góp tích cực trong suốt quá trình công tác, ông Huỳnh Công Tấn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 - 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn: Hết lòng vì những mảnh đời bất hạnh

Phương Lan

baoangiang.com.vn