An Giang tập trung thực hiện Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao

10:39 | 10/02/2023

|
Sau 1 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, các sở, ngành và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ thuộc Đề án 06 tại đơn vị, địa phương. Đến nay, cơ bản hoàn thành các nhóm nhiệm vụ theo đúng lộ trình, tiến độ đã đề ra; ý thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành và chính quyền địa phương được nâng lên, bước đầu tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
An Giang: Du lịch với những tín hiệu vuiAn Giang: Du lịch với những tín hiệu vui
An Giang: Khai thác dư địa phát triển ngành nông nghiệpAn Giang: Khai thác dư địa phát triển ngành nông nghiệp

Những kết quả bước đầu

Năm 2022, UBND tỉnh đã ra mắt và vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang; ban hành Quy chế quản lý, khai thác và vận hành thử nghiệm Trung tâm IOC; tích hợp hệ thống camera an ninh của huyện Châu Phú, Tịnh Biên và TP. Châu Đốc với Trung tâm IOC tỉnh. Hiện nay, Trung tâm IOC tỉnh đang vận hành thử nghiệm với 10 lĩnh vực, có 8 nhân sự tham gia tiếp nhận, xử lý thông tin.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh đã kết nối và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC. Năm 2022, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã triển khai 8/25 dịch vụ công thiết yếu. Đối với 17/25 dịch vụ công thiết yếu còn lại chưa được triển khai, đang được triển khai trên phần mềm chuyên ngành của bộ, ngành Trung ương xuống địa phương.

An Giang tập trung thực hiện Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao
Vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh TP. Châu Đốc

Theo đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh, đến nay, Công an tỉnh đã triển khai thực hiện 11/25 dịch vụ công thiết yếu của Bộ Công an; thực hiện làm sạch dữ liệu, phát triển công dân số đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” và khai thác các tiện ích từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Năm 2022, công an toàn tỉnh đã thu nhận trên 1.847.000 hồ sơ (có 307.800 hồ sơ định danh điện tử), đạt 83,15% so tổng số nhân khẩu trong diện thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) trên địa bàn tỉnh; chưa thu nhận hồ sơ của hơn 374.000 nhân khẩu. Toàn tỉnh đã tiếp nhận và trả 1.745.203 thẻ CCCD cho công dân sử dụng, đạt 100%.

Thời gian qua, các cơ quan báo chí, sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích mang lại của Đề án 06; tổ công tác triển khai Đề án 06 và tổ công nghệ số cộng đồng các cấp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký sử dụng các dịch vụ công trực tuyến... Hoạt động này bước đầu mang lại hiệu quả, được đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Đi vào cuộc sống

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc triển khai thực hiện Đề án 06 là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa, mang lại lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; nhưng quá trình thực hiện phía trước còn nhiều khó khăn, phức tạp. Do đó, lãnh đạo, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương cần quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc Đề án 06 tại đơn vị, địa phương ngay từ những tháng đầu năm 2023. Trong đó, các sở, ngành và UBND cấp huyện chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi giải quyết các TTHC, giao dịch dân sự nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

UBND cấp huyện chỉ đạo rà soát, bố trí đầy đủ máy tính, mạng Internet, địa điểm để hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm 100% các phường, thị trấn và 80% các xã được bố trí các địa điểm giúp người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Niêm yết công khai các TTHC, phí, lệ phí và các hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các địa điểm triển khai, huy động mọi nguồn lực xã hội để bảo đảm các điều kiện thành lập các địa điểm giúp người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu, trong đó 100% dịch vụ công trực tuyến do Bộ Công an chủ trì sẽ tiếp nhận hoàn toàn trực tuyến (hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp nhận hồ sơ trực tiếp); phấn đấu 14/25 dịch vụ công do các bộ, ngành chủ trì có tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt tối thiểu 50%.

Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm 100% các nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, homestay, cơ sở cho thuê lưu trú trên địa bàn tỉnh thực hiện thông báo lưu trú trực tuyến. Sở Y tế chỉ đạo 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh hàng ngày phải thực hiện thông báo lưu trú trực tuyến qua cổng dịch vụ công hoặc thông qua ứng dụng VNeID; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí…

“Đề án 06 là đề án lớn về công nghệ thông tin. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai, phối hợp thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin hệ thống và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là vấn đề hết sức quan trọng cần thực hiện tốt. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền kết quả triển khai thực hiện Đề án 06 tại đơn vị, địa phương, nhất là các tiện ích người dân, doanh nghiệp được hưởng để đưa đề án nhanh chóng vào cuộc sống” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình lưu ý.

Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) được ban hành ngày 6/1/2022. Để thực hiện thành công Đề án 06, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng bộ ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ.

Nguồn: An Giang tập trung thực hiện Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao

Thu Thảo

baoangiang.com.vn