Bến Tre: Cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh

07:15 | 09/04/2023

|
Báo cáo tổng kết tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của UBND tỉnh cho thấy, thời gian qua, tỉnh tiếp tục thực hiện cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh. Kéo giảm thời gian gia nhập thị trường cho doanh nghiệp (DN); đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ pháp lý.
Bến Tre: Sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậuBến Tre: Sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu
“Đồng Khởi mới" - niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao của mỗi người dân Bến Tre“Đồng Khởi mới" - niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao của mỗi người dân Bến Tre

Tỉnh quan tâm cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp.

Tỉnh quan tâm cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Tỉnh đã không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, thực hiện việc tiếp nhận và trả hồ sơ của 16 sở, ban, ngành tỉnh. Đồng thời, trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư, DN được tập trung hỗ trợ thông qua đầu mối Tổ dịch vụ công đặt tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) để hỗ trợ các dịch vụ trước, trong và sau cấp phép cho DN. Tính đến thời điểm hiện tại, Tổ dịch vụ công đã tiếp nhận và trực tiếp hỗ trợ 70 dự án về các hồ sơ, thủ tục có liên quan. Việc cập nhật thông tin, thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ, thông tin quản lý hồ sơ DN được thực hiện dựa trên những tiêu chí như: cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, ngành nghề kinh doanh, mã số DN... giúp giảm thiểu thời gian cho DN, nhà đầu tư. Thông qua hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư, tỉnh đã tiếp và làm việc với 283 đoàn nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước đến tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư; hỗ trợ 2.047 lượt NĐT về các thủ tục đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ triển khai dự án đầu tư sau khi được cấp chủ trương đầu tư.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được quan tâm, thực hiện khá hiệu quả. 80% các TTHC của tỉnh được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 trên cổng thông tin điện tử của tỉnh (www.bentre.gov.vn), các cổng thông tin điện tử thành phần của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và cổng DVCTT của tỉnh (https://dichvucongbentre.gov.vn). Toàn tỉnh có 867 DVCTT toàn trình, 560 DVCTT một phần. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, tỉnh đã được nâng cấp, tích hợp Kho dữ liệu điện tử cá nhân, tổ chức phục vụ công tác số hóa hồ sơ. Kết quả giải quyết TTHC của các ngành, các cấp, đồng bộ các danh mục dữ liệu dùng chung được chia sẻ từ Cổng Dịch vụ công quốc gia và bổ sung tính năng tra cứu tài khoản số của cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tỉnh đã hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, đưa vào khai thác chính thức 2 dịch vụ: xác nhận số định danh cá nhân và chứng minh nhân dân; tra cứu thông tin công dân, phục vụ các nghiệp vụ giải quyết TTHC hiện hành. Riêng đối với dịch vụ xác thực thông tin hộ gia đình, hiện tại chưa có hướng dẫn thủ tục hành chính nào sẽ sử dụng dịch vụ này.

Ngoài ra, tỉnh đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ (Cục Cơ yếu Đảng -Chính quyền) cấp chứng thư số chuyên dùng cho 391 tổ chức, 1.896 cá nhân (bao gồm cán bộ phụ trách Bộ phận Một cửa cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) và cấp phôi SIM PKI có tích hợp chữ ký số cho 165 cá nhân để thực hiện ký số trên thiết bị di động đáp ứng nhu cầu ký số văn bản điện tử và công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.

Giảm thời gian thực hiện các quy định cho doanh nghiệp

Công tác rút ngắn thời gian thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh được rà soát, thực hiện tốt. Các sở, ban, ngành liên quan đến lĩnh vực đầu tư kinh doanh đã tiến hành rà soát lại hoạt động của bộ phận một cửa; bố trí cán bộ có trình độ và năng lực hướng dẫn, hỗ trợ DN; niêm yết công khai phí, lệ phí để DN biết và thực hiện. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương thực hiện TTHC tại một đầu mối, hạn chế DN đi lại nhiều lần.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được tập trung thực hiện. Kết quả đánh giá các chỉ số năm 2021 của tỉnh: Chỉ số CCHC 2021, Bến Tre đạt hạng 37/63 tỉnh, thành, tăng 7 bậc so với năm 2020. Tuy nhiên, các chỉ số khác có sự sụt giảm đáng kể. Cụ thể: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí thứ 18/63 tỉnh, thành, giảm 10 bậc, thuộc nhóm điều hành khá; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 56, giảm 48 bậc; Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp vị trí 26/63 tỉnh, thành, giảm 6 bậc.

Tính đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 22.930 hồ sơ mới và 1.015 hồ sơ kỳ trước chuyển sang. Trong đó, có 10.857/22.930 hồ sơ tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến (tỷ lệ 47,3%); đã giải quyết 22.748/23.945 hồ sơ (tỷ lệ 95%). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn 22.727 hồ sơ (tỷ lệ 99,9%). Số hồ sơ đang giải quyết 1.197 hồ sơ (tỷ lệ 5%). Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai, đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) năm 2022 bằng phương pháp khảo sát trực tuyến trên nền tảng Cloud, nhằm tìm ra hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh chung của tỉnh và những năm tiếp theo.

Tỉnh thường xuyên cập nhật và cung cấp các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển từng ngành, lĩnh vực trên trang thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan, giúp DN nắm bắt hiệu quả các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tận dụng tốt cơ hội đầu tư và tổ chức hoạt động nhanh chóng, thuận lợi theo đúng chủ trương, chính sách của nhà nước.

Tỉnh đã triển khai xây dựng Kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2023 - 2025; hỗ trợ DN nhỏ và vừa tăng dần quy mô, áp dụng các mô hình kinh doanh phù hợp để phát triển bền vững, gia tăng tỷ trọng DN vừa và lớn trong tổng số DN trên địa bàn tỉnh. Hình thành các cụm liên kết ngành, phát triển các DN chế biến, cung ứng gắn với gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút đầu tư. Tỉnh đang dự thảo nội dung xây dựng ban hành bộ tiêu chí lựa chọn DN dẫn đầu trên địa bàn tỉnh

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Thanh toán điện tử được quan tâm, nhất là các dịch vụ thanh toán tiện ích. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp, nhằm tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện, tiền nước... bằng phương thức không dùng tiền mặt. Ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, giúp việc thanh toán được nhanh chóng, an toàn và đảm bảo quyền lợi cho các bên thanh toán, hạn chế đến mức tối thiểu những rủi ro.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các ngành, lĩnh vực khác hình thành hệ sinh thái số, triển khai đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với nhu cầu của khách hàng với chi phí hợp lý. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp CĐS theo “Chương trình CĐS số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng bộ cải cách TTHC”

Kế hoạch hỗ trợ CĐS 1 ngàn DN trên địa bàn tỉnh đang được tiếp tục triển khai, với chủ đề “CĐS - Thay đổi nhỏ, lợi ích lớn”. Tính đến nay, tất cả DN hiện có đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã thực hiện CĐS thành công trong việc khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và sử dụng hóa đơn điện tử.

Tỉnh đang thực hiện nhiệm vụ số hóa dữ liệu các khu cụm công nghiệp trên nền tảng bản đồ số 4D, số hóa hiện trạng khu vực/vị trí mời gọi đầu tư; ứng dụng nền tảng Map4D GIS Platform để xây dựng phần mềm số hóa, quản lý 1.900ha vùng nuôi tôm công nghệ cao, hướng đến việc mở rộng phạm vi số hóa, quản lý 4 ngàn ha theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng giải pháp phát triển phạm vi nuôi chuyên canh tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Giới thiệu 30 DN tham gia chương trình chuyển đổi số với Tập đoàn FPT.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 5.767 DN, với tổng vốn đăng ký khoảng 66.665 tỷ đồng. Trong đó, có 4.274 DN đang hoạt động, với vốn đăng ký khoảng 56.401,6 tỷ đồng và 330 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 64 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 1.628,94 triệu USD và 267 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 61.658,24 tỷ đồng. Tổng số lao động làm việc tại các DN FDI khoảng 36.798 người (kể cả trong và ngoài khu công nghiệp).

Nguồn: Cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh

Trần Quốc

baodongkhoi.vn