Cà Mau: Quyết tâm tạo đột phá

04:00 | 15/02/2023

|
Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; đoàn kết, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình thực tế, khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Ðó là nội dung trọng tâm trong chương trình hành động của UBND tỉnh trong năm 2023 nhằm phục hồi và tăng tốc phát triển KT-XH.
Cà Mau: Nâng cao nghiệp vụ giữ rừng mùa khôCà Mau: Nâng cao nghiệp vụ giữ rừng mùa khô
Cà Mau: Tìm về ký ứcCà Mau: Tìm về ký ức

Năm 2023 được dự báo KT-XH tỉnh có nhiều tiềm năng, cơ hội để phục hồi và tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn và thách thức. Kinh tế, thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng chưa vững chắc; tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá cả, lạm phát, tài chính, ảnh hưởng đến triển vọng đầu tư, sản xuất, xuất nhập khẩu; cạnh tranh thương mại giữa các nước diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh ngày càng gia tăng cả về tác động và cường độ...

Riêng trên địa bàn tỉnh, ngoài tác động từ những khó khăn của kinh tế toàn cầu, đang nổi lên vấn đề khó khăn là thu nhập bình quân đầu người của tỉnh. Theo thống kê, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt khoảng 60,9 triệu đồng, trong khi con số này của cả nước là hơn 90 triệu đồng. Như vậy, bình quân của cả nước cao hơn gần 1,5 lần so với tỉnh. Ðiều này đồng nghĩa với thực tế đời sống người dân, sự phát triển của Cà Mau đang khó khăn hơn so với nhiều tỉnh, thành khác. Ðó là nguyên nhân chính dẫn đến việc hiện nay trong quy hoạch của Trung ương xác định khu vực ÐBSCL chỉ còn lại 3 tỉnh, thành là vùng kinh tế trọng điểm, giảm 1 tỉnh so với trước kia, là Cà Mau, do quy mô nền kinh tế chưa đủ lớn.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ hạ tầng giao thông là giải pháp đang được tỉnh tập trung chỉ đạo để tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh.

Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Có rất nhiều nguyên nhân, từ khách quan cho đến chủ quan, đã được các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp chỉ ra tại các hội nghị, hội thảo.

Ðánh giá về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao thời gian qua, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhận định, nhiều nhiệm vụ trong năm, trong tháng dù được xác định cụ thể nhưng tiến độ, kết quả, chất lượng không đạt theo yêu cầu, hạn chế này xảy ra ở nhiều ngành, nhiều địa phương.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao chưa đạt theo yêu cầu. “Trong đó, chủ yếu là do thời gian gần đây số nhiệm vụ được giao cho các đơn vị, địa phương nhiều hơn, yêu cầu cao hơn, thời gian thực hiện ngắn hơn, trong khi số lượng cán bộ đang giảm, năng lực cán bộ lại có hạn, phương pháp phối hợp giữa các đơn vị, địa phương chưa đi vào thực chất, từ đó hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ, nhất là trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc đạt kết quả chưa cao”, ông Lê Văn Sử phân tích.

Cụ thể hoá những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thành các nhiệm vụ, chương trình, đề án, phương án, giải pháp cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và địa phương là yêu cầu trong chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023. Theo đó, ông Lê Văn Sử chỉ đạo nêu cao trách nhiệm của các cấp chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tổ chức triển khai nhiệm vụ được giao, với tinh thần quyết liệt, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tế… để tạo bứt phá trên tất cả các lĩnh vực.

Tạo bước phát triển đột phá cho KT-XH, UBND tỉnh xác định 6 nội dung trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của năm 2023. Cụ thể, tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các định hướng phát triển của Trung ương và của tỉnh. Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước. Ðồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, các vấn đề tồn đọng kéo dài, vừa kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, bất ngờ phát sinh trong ngắn hạn, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn. Phát triển văn hoá ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Tỉnh đang tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ.

Mục tiêu tỉnh đặt ra trong năm 2023 là phấn đấu tổng sản phẩm toàn tỉnh (GRDP) tăng từ 7% trở lên. Ðể thực hiện hoàn thành các mục tiêu này, hiện nay Sở Công thương đang triển khai phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan để theo dõi, phân tích, dự báo thị trường nhằm kịp thời có giải pháp điều hành, ứng phó kịp thời. Ðẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường phát triển thương mại điện tử; chú trọng khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới.

Theo đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Nông nghiệp là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, Sở đang đẩy nhanh tiến độ tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyển mạnh khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tăng cường thực hiện phương thức liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển bền vững. Thực hiện các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học công nghệ. Ðẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án hạ tầng quan trọng, được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá cho cả kinh tế và xã hội. Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ, nhất là các công trình trọng điểm có sức lan toả. Cụ thể, nhiệm vụ tỉnh giao cho các chủ đầu tư là đến hết quý I năm 2023 (ngày 31/3/2023) giải ngân ít nhất 25% tổng kế hoạch vốn năm 2023 đã bố trí; đến hết quý II năm 2023 (ngày 30/6/2023), giải ngân ít nhất 50% và hết quý III năm 2023 (ngày 30/9/2023) giải ngân ít nhất 75% tổng kế hoạch vốn năm 2023 đã bố trí. Ðể từ đó, đến ngày 31/1/2024, tất cả các dự án, công trình phải đạt khối lượng hoàn thành tương đương với kế hoạch vốn năm 2023 đã bố trí và phải đảm bảo hoàn thành đầy đủ hồ sơ thanh toán để giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo niên hạn giải ngân quy định. “Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng tiến độ thực hiện dự án, công trình chậm do nhà thầu không đảm bảo năng lực” là chỉ đạo kiên quyết của UBND tỉnh trong đầu tư công./.

Nguồn: Quyết tâm tạo đột phá

Nguyễn Phú

baocamau.com.vn