Cần Thơ: Người dân đồng thuận, việc gì cũng xong

10:15 | 26/05/2023

|
Nhờ phát huy dân chủ, trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Ðỏ đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng mới 3 cầu, trị giá hơn 680 triệu đồng và 2.700 ngày công lao động; giặm vá, sửa chữa 18km đường các loại, với tổng số tiền hơn 327 triệu đồng; xây dựng mới 3km đường bê tông, lắp đặt hệ thống chiếu sáng dài 2km... Tính chung, tổng trị giá công tác vận động xã hội hóa, xây dựng cầu, đường giao thông hơn 2 tỉ đồng.
Cần Thơ: Ðẩy mạnh xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp Nhật BảnCần Thơ: Ðẩy mạnh xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp Nhật Bản
Cần Thơ: Giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sốngCần Thơ: Giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống
Cần Thơ: Người dân đồng thuận, việc gì cũng xong
Cầu Mương Cua được xây dựng khang trang nhờ đóng góp của nhân dân.

Buổi lễ khánh thành cầu Mương Cua, ấp Thạnh Lợi, diễn ra trong không khí phấn khởi. Công trình do Khối Dân vận xã phối hợp ấp vận động nhân dân đóng góp thực hiện. Ông Nguyễn Văn Như, Trưởng Khối Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã, nói: “Khối Dân vận chỉ đạo Hội LHPN xã trực tiếp phối hợp ấp tổ chức họp dân bàn bạc cách thức đóng góp, quy cách xây dựng. Bà con thống nhất thực hiện công trình trên cơ sở tự nguyện”.

Ðể tiết kiệm chi phí, Hội LHPN xã tổ chức nấu ăn phục vụ nhân công làm cầu. Chị Nguyễn Thị Thùy Mị, hội viên phụ nữ ấp Thạnh Lợi, nói: “Những ngày làm cầu, không khí nhộn nhịp. Chị em chúng tôi tham gia nấu ăn. Bà con người góp rau củ, người cho trái cây. Tất cả đều nhiệt tình vì việc chung”. Nhờ tinh thần chung sức, đồng lòng, cầu Mương Cua hoàn thành trong 1 tháng thi công. Chú Nguyễn Văn Giúp, một trong những người nhiệt tình đóng góp tiền và tham gia xây dựng cầu, nói: “Cầu cũ rộng 2,5m, xuống cấp, thiếu an toàn. Do đó, khi có chủ trương làm cầu, bà con phấn khởi lắm. Ngoài việc đóng 4 triệu đồng, tôi tham gia tiếp ngày công lao động”.

Chú Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Ban vận động bắc cầu Mương Cua, nói: “Cầu mới dài 20m, rộng 4,4m, có tổng trị giá xây dựng 230 triệu đồng. Sau khi hoàn thành công trình, chúng tôi báo cáo thu chi đầy đủ để bà con nắm, đảm bảo tinh thần công khai, dân chủ, minh bạch”. Tại lễ khánh thành, địa phương cũng đã tặng các hộ gia đình khó khăn 10 phần quà, mỗi phần trị giá 320.000 đồng. Dịp này, UBND huyện, UBND xã Trung Thạnh tặng giấy khen tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong xây dựng cầu.

Trước đó, tháng 9-2022, người dân ấp Thạnh Phước rất phấn khởi khi cầu Tập Ðoàn hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ðồng chí Hoàng Quyết Thắng, Tổ trưởng Tổ Dân vận ấp Thạnh Phước, thông tin: “Cầu cũ rộng 2m, đã xuống cấp, đi lại khó khăn, thiếu an toàn”. Trước nhu cầu của người dân, tháng 9-2022, Khối Dân vận xã chỉ đạo Xã đoàn phối hợp Tổ Dân vận ấp tổ chức thực hiện công trình. Qua các lần họp dân, bà con thống nhất cách thức xây dựng cũng như hỗ trợ tiền và ngày công lao động để làm cầu.

Ðể thực hiện công trình, địa phương thành lập Ban vận động, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Anh Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Ban vận động xây dựng công trình, cho biết: “Ban gồm 9 thành viên. Các thành viên chia nhiệm vụ đi vận động từng nhà. Tổng số tiền thực hiện công trình này là 260 triệu đồng; trong đó, Quỹ Hy vọng hỗ trợ 50%, phần còn lại do nhân dân đóng góp”. Anh Trần Chí Hơn, người tích cực đóng góp làm cầu, bộc bạch: “Có được cây cầu khang trang là mơ ước của bà con. Do đó, khi địa phương có chủ trương làm cầu, tôi và nhiều người đều đồng tình. Ngoài việc đóng góp tiền, tôi còn trực tiếp tham gia làm cầu”.

Tháng 3-2023, công trình “Tuyến đường thắp sáng miền quê” - lắp đặt hệ thống chiếu sáng với chiều dài 1.700m tại tuyến Rạch Sình Cầu của ấp Thạnh Phước, hoàn thành và đưa vào sử dụng, với 72 trụ, 75 bóng đèn. Mô hình “Dân vận khéo” này là kết quả phối hợp giữa Tổ Dân vận ấp và Xã đoàn Trung Thạnh. Theo đó, Tổ Dân vận phối hợp Xã đoàn tổ chức họp dân, bàn bạc cách thức đóng góp, quy cách thực hiện. Bà con thống nhất thực hiện công trình trên cơ sở tự nguyện, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít. Tính chung tổng trị giá công trình là 68 triệu đồng. Ông Nguyễn Ngọc Thành, người dân ấp Thạnh Phước, nói: “Trước kia chưa có đèn chiếu sáng, việc đi lại của người dân còn nhiều khó khăn, an ninh trật tự phức tạp, trộm chó thường xuyên diễn ra. Do vậy, khi chính quyền địa phương có chủ trương làm tuyến đèn đường, bà con phấn khởi lắm. Bản thân tôi đóng góp 2 triệu đồng”.

Trong năm 2022 và 5 tháng năm 2023 xã Trung Thạnh xây dựng mới 3 cầu bê tông, giặm vá, sửa chữa 18km đường, xây dựng mới 3.000m đường bê tông; lắp đặt hệ thống chiếu sáng 2km đường... Theo đồng chí Nguyễn Thị Tảo, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở xã Trung Thạnh, trước khi làm đường, bắc cầu, chính quyền địa phương đều tổ chức thăm dò ý kiến nhân dân, khi thấy thời điểm thuận lợi thì chính thức họp dân để bàn bạc công khai. Nhờ có sự chủ động từ trước, đa số các công trình xã thông báo chủ trương, bà con rất đồng thuận ủng hộ. Tuy nhiên, việc thực hiện QCDC ở xã vẫn còn một số hạn chế: còn một bộ phận người dân chưa phát huy hết quyền làm chủ của mình, tham dự hội họp và phát biểu mang tính xây dựng đôi lúc còn ít, còn ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước… Thời gian tới, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở xã Trung Thạnh tiếp tục tham mưu Ðảng ủy chỉ đạo các ngành phối hợp MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện QCDC. Qua đó, kịp thời phát huy những mặt tích cực, khắc phục, chấn chỉnh những mặt tiêu cực, hạn chế trong thực hiện QCDC ở địa phương.

Nguồn: Người dân đồng thuận, việc gì cũng xong

Hải Thư

baocantho.com.vn