Cơn khát LNG ở châu Á và bất ổn nguồn cung

08:10 | 01/06/2023

|
Với việc khí đốt tự nhiên được coi là nhiên liệu được lựa chọn để củng cố an ninh năng lượng trong quá trình chuyển đổi, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang trong cuộc cạnh tranh ngày càng tăng nhằm tìm kiếm thêm nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), theo Upstream Online.
Những gã khổng lồ nào sẽ tham gia dự án LNG 42 Tỷ USD tại TanzaniaNhững gã khổng lồ nào sẽ tham gia dự án LNG 42 Tỷ USD tại Tanzania
Mỹ tiếp tục đẩy công suất xuất khẩu LNG lên tối đaMỹ tiếp tục đẩy công suất xuất khẩu LNG lên tối đa
Cơn khát LNG ở châu Á và bất ổn nguồn cung
Ảnh minh họa

Các nhà nhập khẩu LNG hàng đầu của Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đang tìm kiếm nguồn cung mới để thay thế các hợp đồng sắp hết hạn, đồng thời cố gắng đa dạng hóa nguồn cung để đối phó với bối cảnh địa chính trị toàn cầu ngày càng bất ổn.

Mối quan tâm trở lại đối với nguồn cung cấp LNG dài hạn xuất hiện khi nền kinh tế của Trung Quốc nhận thấy nhu cầu phục hồi sau các đợt phong tỏa do đại dịch Covid-19 và sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với LNG sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine vào năm ngoái đã khiến châu Âu giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Trong bối cảnh đó, các nhà cung cấp từ Mỹ và Na Uy đã đưa ra cảnh báo rằng châu Âu có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và rủi ro an ninh năng lượng vì các đối thủ ở Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác đang giành được các thỏa thuận dài hạn với các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ.

Các khách hàng LNG từ Trung Quốc, từ các công ty lớn do nhà nước điều hành đến các công ty hạng hai, đang tiếp tục theo đuổi chiến lược tích cực ký kết hợp đồng khi họ tìm kiếm nguồn cung để đáp ứng cả nhu cầu trong nước và giao dịch, nhưng điều đó không hề dễ dàng.

Các chuyên gia từ Poten & Partners nhận xét trong một ghi chú nghiên cứu: “Việc chốt các thỏa thuận mua bán vẫn còn là một thách thức, trong bối cảnh các vấn đề như thời điểm, điều kiện thị trường và nguồn hàng, giá cả và rủi ro vận chuyển”.

Trung Quốc dự kiến sẽ tăng công suất tái khí hóa thêm gần 30 triệu tấn mỗi năm (tpa) thông qua các cảng nhập khẩu LNG mới từ năm 2023 đến 2024 và Poten & Partners cho biết có những lo ngại rằng các cơ sở sẽ được sử dụng dưới mức thiết kế, tùy thuộc vào nhu cầu cũng như các điều khoản.

Những lần thất bại của Trung Quốc khi không đạt được thỏa thuận mua bán (SPA) chủ yếu do những khó khăn trong việc đảm bảo tín dụng và mâu thuẫn về giá giữa người mua và người bán, Poten & Partners cho biết thêm.

Các khách hàng LNG của Trung Quốc đang đàm phán trực tiếp với những người đề xuất dự án hóa lỏng ở Mỹ, và cả Mexico. Ví dụ mới nhất là động thái của nhà phân phối khí đốt Trung Quốc Towngas cho một SPA khả thi với Hartree Partners để cung cấp nguồn cung giao tại tàu (DES) sang Trung Quốc từ dự án Delfin LNG ở Louisiana, Mỹ.

Nghiên cứu của Poten & Partners đã đặt ra một số câu hỏi về mức độ rủi ro vận chuyển mà người mua Trung Quốc có thể quản lý cho các lô hàng được giao tự do (FOB).

“Nhiều công ty Trung Quốc cũng cảnh giác với Henry Hub do rủi ro cơ bản, tắc nghẽn kênh đào Panama, các vấn đề tiềm ẩn về sản xuất và giao hàng cũng như căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung”, nghiên cứu cho biết.

Chiến lược của Nhật Bản

Hiện tại, lượng dự trữ LNG của Nhật Bản đang ở mức cao do nhu cầu trong mùa đông năm ngoái không mạnh như dự kiến nhờ nền nhiệt độ ấm hơn và một số nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế nhu cầu trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao.

Theo công ty tư vấn Rystad Energy của Na Uy, Nhật Bản dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 70 triệu tấn LNG vào năm 2023, giảm từ 74 triệu tấn vào năm 2021 và 72 triệu tấn vào năm ngoái.

“Chiến lược mua LNG hiện tại của Nhật Bản tập trung chủ yếu vào việc mua LNG thông qua các hợp đồng dài hạn có liên quan đến dầu mỏ. Trong những năm tới, Nhật Bản có thể sẽ ký thêm các hợp đồng dài hạn khi một số sẽ hết hạn từ năm 2026-2032”, Masa Odaka, nhà phân tích tại Rystad nói với Upstream.

Rystad dự báo nhu cầu LNG của Nhật Bản sẽ giảm nhẹ trong những năm tới, khi nước này rời xa nhiên liệu hóa thạch. 2/3 lượng LNG nhập khẩu vào Nhật Bản hiện được dùng để phát điện, trong khi 1/3 được bán dưới dạng khí đốt.

“Dự báo của chúng tôi cho thấy nhu cầu LNG của Nhật Bản vào khoảng 69 triệu tấn vào năm 2030 và 51 triệu tấn vào năm 2040”, Odaka nói.

Tuy nhiên, vẫn có xu hướng thực hiện một số giao dịch rất dài hạn, chẳng hạn như SPA kéo dài 20 năm mà Jera đã ký với Venture Global vào cuối tháng 4 để mua khoảng 1 triệu tấn LNG mỗi năm từ dự án CP2 ở Cameron Parish, Louisiana.

An ninh năng lượng Hàn Quốc

Tập đoàn khí đốt nhà nước Hàn Quốc (Kogas) - nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới - cũng chịu áp lực tương tự và đã ký một thỏa thuận với TotalEnergies của Pháp để thúc đẩy kinh doanh và tối ưu hóa LNG nhằm tăng cường an ninh năng lượng của đất nước mình.

Kogas và TotalEnergies sẽ hợp tác về tiếp thị và vận chuyển LNG, khám phá các cơ hội kinh doanh trong giao dịch như chia sẻ xu hướng thị trường LNG và khởi động một hệ thống hợp tác để tăng cường an ninh năng lượng.

TotalEnergies cũng đã ký hợp đồng 15 năm cung cấp 600.000 tấn LNG mỗi năm cho Hanwha Energy của Hàn Quốc từ năm 2024. Khối lượng cho thỏa thuận này sẽ được lấy từ danh mục đầu tư toàn cầu của công ty Pháp và được chuyển đến cảng Tongyeong ở Hàn Quốc.

Odaka lưu ý rằng không giống như Nhật Bản, nhập khẩu LNG của Hàn Quốc có thể sẽ có xu hướng tăng trong nửa cuối thập kỷ này do chính sách thúc đẩy khí đốt thay vì than để sản xuất điện. Hơn nữa, nhu cầu công nghiệp dự kiến sẽ vẫn mạnh mẽ.

“Nhu cầu LNG của Hàn Quốc dự kiến sẽ vào khoảng 45 triệu tấn vào năm 2023, so với 45,4 triệu tấn vào năm 2021 và 46 triệu tấn vào năm 2022. Chúng tôi dự kiến Hàn Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 48 triệu tấn vào năm 2030 và 50 triệu tấn vào năm 2040.

Hàn Quốc có khả năng nhập khẩu một phần đáng kể LNG thông qua các hợp đồng dài hạn, giống như Nhật Bản. Tuy nhiên, Kogas có thể sẽ tiếp tục mua LNG giao ngay khi nhu cầu đạt đỉnh vào mùa đông”, Odaka nói.

Kogas vào năm 2022 đã ký hợp đồng nhập khẩu 1,58 triệu tấn LNG/năm từ BP trong tối đa 18 năm bắt đầu từ năm 2025, với giá được liên kết với Henry Hub.

“Thỏa thuận cung cấp dựa trên LNG được sản xuất tại Mỹ, bao gồm cả Freeport LNG, sẽ giúp chúng tôi giảm sự phụ thuộc vào Trung Đông và đa dạng hóa nguồn cung”, Kogas cho biết vào thời điểm đó.

Công ty đang tiếp tục tìm kiếm LNG mới trên thị trường sau khi quyết định không gia hạn thỏa thuận khoảng 700.000 tấn/năm kéo dài đến 2027 từ dự án hóa lỏng Donggi Senoro ở Sulawesi, Indonesia.

Áp lực dài hạn vẫn còn đối với Hàn Quốc. S&P Global lưu ý rằng Kogas sẽ mất nguồn cung 7,02 triệu tấn LNG của Qatar vào năm 2026 trong khi hợp đồng 20 năm cho 2 triệu tấn LNG mỗi năm từ RasGas sẽ hết hạn vào năm 2032.

“Một số thỏa thuận dài hạn hơn mà Kogas có với các nhà cung cấp khác, chẳng hạn như 4 triệu tấn mỗi năm từ OLNG của Oman, dự kiến sẽ hết hạn trước năm 2030”, S&P Global lưu ý.

Hiện tại, 70 - 80% lượng mua LNG của Kogas dựa trên các hợp đồng có thời hạn và khối lượng còn lại đến từ thị trường giao ngay.

Hợp tác xuyên biên giới

Jera của Nhật Bản và Kogas vào tháng 4 đã ký kết một biên bản ghi nhớ để hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh LNG, nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định và cho phép ​​hai bên đánh giá các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh LNG bao gồm hoán đổi LNG, giao dịch, tối ưu hóa tàu và trao đổi quan điểm thị trường.

Jera lưu ý: “Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo ra một môi trường năng lượng khắc nghiệt, chẳng hạn như giảm nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống cho châu Âu và rủi ro về nguồn cung năng lượng toàn cầu đang gia tăng mạnh mẽ”.

Lo ngại từ Australia

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản cũng bày tỏ không hài lòng về độ tin cậy lâu dài của nguồn cung từ Australia, quốc gia chiếm 43% khối lượng LNG nhập khẩu của Nhật Bản vào năm 2022.

Takayuki Ueda, Giám đốc điều hành của Inpex Nhật Bản - nhà điều hành dự án Ichthys LNG khổng lồ và là nhà đầu tư lớn nhất của Nhật Bản tại Australia - đã gây bất ngờ tại hội nghị ở Canberra vào tháng 3 khi chỉ trích môi trường đầu tư của Australia “có vẻ như đang xấu đi”.

Ông nói về “hậu quả xấu xa” của việc Australia “lặng lẽ từ bỏ” hoạt động kinh doanh LNG và nói rằng từ bỏ LNG sẽ có lợi cho Nga, Trung Quốc và Iran.

Giám đốc nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của Wood Mackenzie, Angus Rodger nhận xét: “Chuông báo động về an ninh năng lượng đang vang lên ở mức cao nhất tại Tokyo”.

Điều khiến Nhật Bản lo lắng là Australia sẽ có thể chuyển khí đốt đã cam kết theo các hợp đồng xuất khẩu LNG sang thị trường nội địa.

Rodger cho biết: “Điều này chắc chắn đã khiến tất cả các nhà nhập khẩu LNG của Australia hoảng sợ, nhưng không ai khác hơn là khách hàng lớn nhất của họ, Nhật Bản”.

Xuất khẩu LNG của Australia sang Nhật Bản trong năm tài chính 2022 đạt 28,89 tỷ AUD (18,81 tỷ USD), trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt trị giá 18,27 tỷ AUD và 13,01 tỷ AUD, theo statista.com.

“Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường Bắc Á khác không chỉ dựa vào LNG của Australia để cung cấp một phần đáng kể nguồn cung cấp năng lượng của họ, mà về lâu dài, họ còn coi nước này là đối tác và hy vọng tốt nhất để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, chủ yếu thông qua thu hồi và lưu trữ carbon và hydro. Những thông điệp trái chiều mà họ đang nhận được về cam kết của Australia đối với mối quan hệ này đang gây ra một số phản ứng rất mạnh mẽ”, Rodger nói thêm.

Nguồn:Cơn khát LNG ở châu Á và bất ổn nguồn cung

Đỗ Khánh

nangluongquocte.petrotimes.vn