Quý đầu tiên năm 2024, PGBank kinh doanh ra sao?

15:00 | 22/04/2024

|
Quý I/2024, PGBank ghi nhận lãi sau thuế hơn 92 tỷ, giảm 24% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%, hiện ngân hàng chưa xóa sạch nợ xấu tại VAMC.
Tin ngân hàng ngày 4/7: PGBank thay đổi loạt nhân sự cấp caoTin ngân hàng ngày 4/7: PGBank thay đổi loạt nhân sự cấp cao
Tin ngân hàng ngày 19/4: PGBank đạt lợi nhuận tăng trên 20% trong quý I/2023Tin ngân hàng ngày 19/4: PGBank đạt lợi nhuận tăng trên 20% trong quý I/2023

Lợi nhuận tại PGBank giảm, chưa xóa sạch nợ xấu tại VAMC

Báo cáo tài chính quý I/2024 vừa công bố của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) cho thấy, quý đầu tiên của năm 2024 lãi sau thuế 92,8 tỷ đồng giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tại PGBank giảm trong quý I/2024 do tổng thu nhập hoạt động giảm gần 4% xuống còn 376 tỷ đồng trong khi chi phí hoạt động lại tăng 17% ghi nhận hơn 218 tỷ đồng.

Tổng tài sản của PG Bank tính đến 31/3/2024 đạt 58.764 tỷ đồng, tăng gần 6% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng giảm nhẹ 0,4% xuống còn 35.186 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đã tăng 4% lên 37.224 tỷ đồng.

Quý đầu tiên năm 2024, PGBank kinh doanh ra sao?

Tính đến 31/3/2024, nợ xấu của PGBank chỉ tăng nhẹ hơn 2% so với đầu năm, lên mức 1.033 tỷ đồng. Do cho vay khách hàng giảm nên tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 2,86% hồi đầu năm lên 2,93%.

Đặc biệt, PGBank ghi nhận số dư trái phiếu VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng) tính đến 31/3/2024 vẫn còn 949 tỷ đồng. Do đó, PGBank đã trích lập gần 278 tỷ đồng cho những khoản nợ xấu “gửi” tại VAMC.

Quý đầu tiên năm 2024, PGBank kinh doanh ra sao?

Nợ xấu tại VAMC là những khoản nợ được đánh giá là "khó nhằn" của mỗi ngân hàng, được bán sang cho VAMC nhằm hai mục đích. Thứ nhất là giảm tỉ lệ nợ xấu nội bảng, thứ hai xử lí nợ thông qua VAMC. Bán nợ cho VAMC cũng không đồng nghĩa các ngân hàng sẽ thoát khỏi gánh nặng từ các khoản nợ xấu này mà vẫn phải xử lý. Nợ xấu vẫn có khả năng quay lại ngân hàng nếu sau 5 năm (thời hạn của trái phiếu đặc biệt) vẫn chưa được xử lý.

Hơn nữa, tuy đã bán nợ cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng với chi phí khá cao, ở mức 20%/năm đối với mệnh giá trái phiếu trong vòng 5 năm, chỉ trừ vài trường hợp đặc biệt dạng ngân hàng đang phải tái cơ cấu được trích lập dự phòng ở mức 10%/năm theo thời hạn trái phiếu 10 năm.

Ngoài ra, tính đến cuối quý I/2024, tổng số nhân viên của PGBank là 1.901 người, so với 1.678 nhân viên vào cuối quý I năm ngoái. Nếu sử dụng số liệu trung bình theo quý, số nhân viên của PGBank đã tăng 12,8% trong một năm qua. Đây là nguyên nhân chính khiến chi phí hoạt động của ngân hàng tăng cao và kéo lợi nhuận đi xuống. Thu nhập trung bình của mỗi nhân viên là gần 28,5 triệu đồng/người/tháng theo thống kê của PGBank, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Bất động sản thế chấp chỉ chiếm 48%, còn hơn 5.000 tỷ nghĩa vụ tiềm ẩn

Tính đến 31/3/2024, bất động sản thế chấp tại PGBank đạt hơn 43.965 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, chỉ chiếm 48% tài sản thế chấp của khách hàng. Ngoài ra còn có cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá thế chấp hơn 10.000 tỷ đồng; máy móc thiết bị, động sản thế chấp hơn 14.800 tỷ đồng và TSBĐ khác hơn 22.700 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngoài con số nợ xấu được thể hiện rõ trong bảng cân cân đối kế toán, PGBank còn hơn 5.262 tỷ đồng "nghĩa vụ tiềm ẩn" chỉ được ghi nhận ngoại bảng, tăng 14% so với đầu năm. (Nghĩa vụ tiềm ẩn gồm bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C và bảo lãnh khác).

Quý đầu tiên năm 2024, PGBank kinh doanh ra sao?

Trước đó, ngày 05/03, PGBank đã hoàn tất phân phối 120 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ thực hiện quyền 40% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ căn cứ theo báo cáo tài chính năm 2022 kiểm toán là 1.200 tỷ đồng.

Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu thưởng, vốn điều lệ của PGBank tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.

Hiện nay, PGBank đang trong quá trình kiện toàn lại bộ máy nhân sự sau khi cổ đông lớn là Petrolimex thoái vốn.

Được biết, PGBank chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2024 vào ngày 20/4 tới đây tại Ninh Bình.

Tại đại hội năm nay, Hội đồng Quản trị (HĐQT) PGBank sẽ trình kế hoạch kinh doanh với tổng thu thuần kỳ vọng đạt mức 2.086 tỷ đồng, tăng gần 49,7% so với thực hiện năm 2023. Chi phí hoạt động và dự phòng được dự báo sẽ tăng thêm 46,9%, lên 1.532 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của PGBank dự kiến đạt 554 tỷ đồng, tăng gần 58% so với kết quả thực hiện năm 2023.

Nguồn: Quý đầu tiên năm 2024, PGBank kinh doanh ra sao?

Huy Tùng - Hà Phương

kinhtexaydung.petrotimes.vn