Tin bất động sản ngày 14/2: Thủ tướng “thúc” tiến độ tổ chức lấy ý kiến sửa Luật Đất đai

12:00 | 14/02/2023

|
Hải Phòng thành lập Cụm công nghiệp Quang Phục 500 tỉ;Tại sao Hà Nội thu hồi 5.000m2 đất tại Làng quốc tế Thăng Long; Thái Bình tìm nhà đầu tư cho hai dự án BĐS gần 2.000 tỷ đồng…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 13/2: Hà Nội kiểm đếm bắt buộc khu Tin bất động sản ngày 13/2: Hà Nội kiểm đếm bắt buộc khu "đất vàng" treo 30 năm để xây trường học
Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Tín dụng bất động sản tăng trưởng trên 24%Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Tín dụng bất động sản tăng trưởng trên 24%

Thủ tướng “thúc” tiến độ tổ chức lấy ý kiến sửa Luật Đất đai

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Tin bất động sản ngày 14/2: Thủ tướng “thúc” tiến độ tổ chức lấy ý kiến sửa Luật Đất đai
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo Công điện, qua báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch để tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, qua phản ánh thì tiến độ triển khai lấy ý kiến Nhân dân ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, ngành khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý.

Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các đối tượng trên địa bàn, chú trọng đến các tầng lớp nhân dân, chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền.

Các địa phương chưa triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân phải nghiêm túc kiểm điểm việc chậm ban hành Kế hoạch, chậm tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng yêu cầu tổ chức các đoàn công tác để theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi);

Đồng thời thường xuyên cập nhật, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên trang website lấy ý kiến nhân dân; tiến độ tổ chức lấy ý kiến nhân dân của các Bộ, ngành và địa phương;

Bên cạnh đó, tập trung mọi nguồn lực để tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân, giải trình tiếp thu ý kiến của Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảm đảm chất lượng, thời gian.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ nói trên.

Theo Nghị quyết 67 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thời gian lấy ý kiến từ ngày 3/1/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023.

Theo Nghị quyết 170 của Chính phủ về Ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi, nội dung lấy ý kiến gồm toàn bộ dự thảo luật và một số vấn đề trọng tâm gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư...

Hải Phòng thành lập Cụm công nghiệp Quang Phục 500 tỉ

Mới đây, UBND thành phố Hải Phòng ban hành quyết định về thành lập Cụm công nghiệp Quang Phục, huyện Tiên Lãng

Theo đó, Cụm công nghiệp (CCN) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đăng Khoa là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, địa điểm triển khai tại xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng; diện tích CCN khoảng 50ha; với tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng.

Ngành nghề hoạt động chủ yếu của CCN, thu hút đầu tư các dự án công nghiệp; ngành công nghiệp cơ khí, đóng tàu; ngành công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực cơ khí, đóng tàu; sản xuất đồ gỗ phục vụ lĩnh vực cơ khí, đóng tàu, sửa chữa tàu…

Thời gian thực hiện dự án, từ quý 3/2024 đến quý 4/2025. Thời gian hoạt động của CCN là 50 năm (kể từ ngày có Quyết định cho thuê đất để thực hiện Dự án).

Tại quyết định này, UBND thành phố giao UBND huyện Tiên Lãng đề xuất, báo cáo UBND thành phố đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối CCN với đường huyện 212 đảm bảo phù hợp với nhu cầu và tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Quang Phục; đồng thời chỉ đạo lập, phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 CCN Quang Phục, làm cơ sở để chủ đầu tư triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng theo quy định.

Giao các Sở, ngành chức năng và các đơn vị liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đăng Khoa các thủ tục triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ và theo quy định của pháp luật.

Đối với nhà đầu tư, huy động đủ nguồn vốn để đảm bảo tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tiến độ thu hút đầu tư CCN như cam kết đã đề ra.

Tại sao Hà Nội thu hồi 5.000m2 đất tại Làng quốc tế Thăng Long?

UBND TP Hà Nội vừa ký Quyết định 817/QĐ-UBND về việc thu hồi hơn 5.000m2 đất tại Làng quốc tế Thăng Long (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), do Công ty Điện toán và Truyền số liệu - VDC đang quản lý sử dụng.

Lý do thu hồi là theo Quyết định số 1359/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc giữ lại các cơ sở nhà, đất để tiếp tục sử dụng của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trên địa bàn Hà Nội.

Diện tích bị thu hồi được giao cho Tổng Công ty Hạ tầng mạng - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để tiếp tục sử dụng làm Trung tâm Kỹ thuật và quản lý mạng truyền số liệu quốc gia VNN (đất cơ sở sản xuất, kinh doanh). Thời gian thuê đất đến ngày 4/6/2044; hình thức là Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.

Do đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Tổng Công ty Hạ tầng mạng liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để làm thủ tục xác định giá đất tính thu tiền thuê đất; ký hợp đồng thuê đất; đăng ký biến động giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định.

Đồng thời liên hệ với Cục Thuế Hà Nội để kê khai, nộp tiền thuê đất, nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hàng năm; truy nộp tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các nghĩa vụ tài chính khác còn nợ đọng, chưa nộp (nếu có).

Cũng theo Quyết định, không được chuyển mục đích sử dụng đất nếu chưa được phép của UBND TP Hà Nội. Khi đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, mở rộng công trình xây dựng phải liên hệ với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội để được thỏa thuận về quy hoạch kiến trúc, cấp bản vẽ chỉ giới đường đỏ và công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đảm bảo phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Trong đó, UBND quận Cầu Giấy và UBND phường Dịch Vọng được giao thường xuyên kiểm tra việc sử dụng đất của Tổng Công ty Hạ tầng mạng - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm theo thẩm quyền, báo cáo UBND TP Hà Nội theo quy định.

Thái Bình tìm nhà đầu tư cho hai dự án BĐS gần 2.000 tỉ đồng

Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình thông báo mời thầu rộng rãi 2 dự án: Dự án Phát triển nhà ở khu dân cư tại xã Đông Hòa, TP Thái Bình và Dự án Đầu tư phát triển nhà ở khu dân cư nông thôn kiểu mẫu tại xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, với tổng chi phí thực hiện dự kiến hơn 1.946 tỉ đồng.

Tin bất động sản ngày 14/2: Thủ tướng “thúc” tiến độ tổ chức lấy ý kiến sửa Luật Đất đai
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, Dự án Phát triển nhà ở khu dân cư tại xã Đông Hòa, TP Thái Bình có tổng chi phí thực hiện dự kiến 1.840,5 tỉ đồng, tổng diện tích 422.592 m2; thời gian thực hiện hợp đồng 138 tháng. Dự kiến đóng thầu vào ngày 13/4/2023.

Còn Dự án Đầu tư phát triển nhà ở khu dân cư nông thôn kiểu mẫu tại xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình có tổng chi phí thực hiện dự kiến 105,919 tỉ đồng, tổng diện tích 99.375 m2; thời gian thực hiện hợp đồng là 66 tháng. Dự kiến đóng thầu vào ngày 14/4/2023.

Được biết, trong quý I/2023, Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình sẽ đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nêu trên với thời gian thực hiện dự án dự kiến là 138 tháng.

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Bình có 17 dự án đầu tư phát triển nhà ở có sử dụng đất với quy mô từ vài trăm tỉ đồng cho đến hàng nghìn tỉ đồng như: Dự án khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ (86,3 tỉ đồng); Dự án khu dân cư tại xã Đông Hòa, TP Thái Bình (1.840 tỉ đồng); Dự án thương mại khu dân cư dọc hai bên đường số 2 tại xã Minh Quang, huyện Kiến Xương (1.161 tỉ đồng)...

Thông tin các dự án được công khai minh bạch trên Hệ thống mạng đấu giá quốc gia và các website của tỉnh Thái Bình. Điều đó giúp các nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt và tra cứu thông tin, dự kế hoạch thực hiện dự án khiến các dự án phát triển nhà ở tại tỉnh có sức hút so với các địa phương khác.

Nguồn:Tin bất động sản ngày 14/2: Thủ tướng “thúc” tiến độ tổ chức lấy ý kiến sửa Luật Đất đai

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn