Tin bất động sản ngày 4/2: Hà Nội sắp có thêm công viên vườn hoa rộng hơn 18ha tại Gia Lâm

09:14 | 04/02/2022

|
Phát huy vai trò của quy hoạch trong quản lý xây dựng và phát triển đô thị; Lâm Đồng quy định mới về tách thửa, hợp thửa…là những tin tức bất động sản đáng chú ý
Tin bất động sản ngày 3/2: Năm 2022, Đà Nẵng xúc tiến đầu tư các khu đô thị lớn ở phía Tây, phía NamTin bất động sản ngày 3/2: Năm 2022, Đà Nẵng xúc tiến đầu tư các khu đô thị lớn ở phía Tây, phía Nam
Tin bất động sản ngày 2/2:  Bắc Giang quy hoạch khu dân cư giáp đường Vành đai 5Tin bất động sản ngày 2/2: Bắc Giang quy hoạch khu dân cư giáp đường Vành đai 5

Hà Nội sắp có thêm công viên vườn hoa rộng hơn 18ha tại Gia Lâm

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 khu công viên, vườn hoa thuộc ô quy hoạch B1.1 tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm.

Tin bất động sản ngày 4/2: Hà Nội sắp có thêm công viên vườn hoa rộng hơn 18ha tại Gia Lâm
Hà Nội sắp có thêm công viên vườn hoa rộng hơn 18ha tại Gia Lâm

Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có quy mô khoảng 18,4ha, phía Đông Bắc giáp đường Nguyễn Mậu Tài; phía Đông Nam giáp đường có mặt cắt rộng 22 m đang đầu tư xây dựng; phía Tây Nam giáp đường quy hoạch mặt cắt rộng 30m; phía Tây Bắc giáp đường hiện có và trụ sở mới Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Gia Lâm (thị trấn Trâu Quỳ).

Khu đất nghiên cứu lập quy hoạch được phân bổ chức năng gồm: đất đường giao thông khu vực khoảng 4,4ha; đất hồ điều hòa có diện tích khoảng 9ha; đất cây xanh thể dục thể thao có diện tích khoảng 5ha. Dự kiến sẽ có các phân khu như: văn hóa giáo dục, biểu diễn, thể thao, thiếu nhi...

Mục tiêu của quy hoạch nhằm tạo lập một khu công viên cây xanh kết hợp hồ điều hòa hiện đại, đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Việc xây dựng khu công viên kết hợp cải tạo nạo vét xây dựng hệ thống hồ điều hòa Trâu Quỳ 2 theo quy hoạch sẽ góp phần tạo cảnh quan môi trường, nâng cao điều kiện tiện nghi cho dân cư khu vực.

Phát huy vai trò của quy hoạch trong quản lý xây dựng và phát triển đô thị

Theo Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch và Kiến trúc (Bộ Xây dựng), quy hoạch xây dựng là công cụ quan trọng quản lý và kiểm soát việc triển khai đầu tư xây dựng, cần phải đi trước một bước để đảm bảo khai thác hiệu quả và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, tạo nguồn lực phát triển đô thị. Việc xây dựng, ban hành và thực hiện các quy chế quản lý kiến trúc; lập, phê duyệt thiết kế đô thị... đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý kiến trúc ở địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển đô thị, nông thôn.

Qua tìm hiểu, hết năm 2021, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt khoảng 53%. Trong đó, 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 19 đô thị loại I đạt khoảng 80 - 90%. Các đô thị khác đạt khoảng 40 - 50%. Tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt gần 100%.

Luật Kiến trúc được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, phát triển quy hoạch kiến trúc tại các tỉnh, thành phố và xây dựng, hoàn thiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021.

Tuy nhiên, hiện nay, quy hoạch vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục, nhất là vấn đề thiếu các căn cứ lập quy hoạch; việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ các cấp độ theo quy định; chất lượng các đồ án quy hoạch chưa khả thi; việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương thiếu đồng bộ… Bên cạnh đó, tỷ lệ độ phủ quy chế quản lý kiến trúc mới chiếm khoảng 20 - 30% trên tổng số đô thị và công tác lập thiết kế đô thị theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013 và Thông tư 16/2013/TT-BXD ngày 16/10/2013 của Bộ Xây dựng còn hạn chế.

Vì vậy, công tác quy hoạch kiến trúc cần sớm được Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan sớm thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch - kiến trúc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đô thị tại Việt Nam trong năm 2022.

Lâm Đồng quy định mới về tách thửa, hợp thửa

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng quy định, để đủ điều kiện trước khi xem xét tách thửa, hợp thửa đất đối với trường hợp hình thành đường giao thông mới thì người sử dụng đất thực hiện theo hai trường hợp.

Tin bất động sản ngày 4/2: Hà Nội sắp có thêm công viên vườn hoa rộng hơn 18ha tại Gia Lâm
Lâm Đồng quy định mới về tách thửa, hiến đất làm đường

Trường hợp thứ nhất, đối với diện tích thửa đất hoặc khu đất (gồm nhiều thửa đất) nhỏ hơn 5 ha thì tiến hành lập Bản vẽ tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500, được Ủy ban nhân dân cấp huyện ký duyệt bản vẽ kèm theo văn bản thống nhất.

Trong đó thể hiện các quy chuẩn quy định liên quan đến hạ tầng kỹ thuật đường giao thông thuộc bản vẽ gồm sự tương đồng về chiều rộng của đường giao thông đấu nối, chiều rộng đường giao thông nội khu; chiều rộng đường đấu nối và đường nội khu trong bản vẽ ≥ 7,0 m (bao gồm lòng đường, lề đường, mương thoát nước,...).

Ngoài ra, đối với thửa đất hoặc khu đất đề nghị tách thửa, hợp thửa mà có diện tích từ 5.000 m2 trở lên sau khi đã trừ diện tích làm đường giao thông, thì phải dành ít nhất 5% diện tích của thửa đất hoặc khu đất để làm hạ tầng xã hội phục vụ lợi ích công cộng.

Trên cơ sở các quy chuẩn, quy định của văn bản đã thống nhất này, Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận hoàn thành đầu tư hạ tầng giao thông đưa vào sử dụng sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng.

Diện tích đất hạ tầng kỹ thuật giao thông, diện tích hạ tầng xã hội để phục vụ lợi ích công cộng giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý và thực hiện thủ tục đất đai theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật đất đai năm 2013.

Trường hợp thứ hai, đối với diện tích thửa đất hoặc khu đất lớn hơn hoặc bằng 5 ha, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu phải tiến hành lập Quy hoạch chi tiết xây dựng trình phê duyệt theo quy định để triển khai thực hiện.

Ngoài ra, đối với trường hợp hình thành đường giao thông mới mà đã có trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt, người sử dụng đất chủ động đề nghị tự bỏ kinh phí đầu tư hạ tầng theo quy hoạch, tự nguyện trả lại đất thì được Ủy ban nhân dân cấp xã thống nhất triển khai đầu tư và thực hiện thủ tục đất đai theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai năm 2013. Sau đó thực hiện các thủ tục tách thửa, hợp thửa theo Quyết định này.

Nguồn: Tin bất động sản ngày 4/2: Hà Nội sắp có thêm công viên vườn hoa rộng hơn 18ha tại Gia Lâm

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn