Tin bất động sản ngày 9/2: Đà Nẵng tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án ì ạch

13:39 | 09/02/2023

|
Hà Nội sắp có thêm 4 khu công nghiệp mới; Yêu cầu tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà; Nhà đầu nào đề xuất thực hiện KĐT hơn 3.600 tỷ đồng ở Khánh Hòa…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 8/2: Bộ Tư pháp đề xuất xây dựng Luật Thuế bất động sảnTin bất động sản ngày 8/2: Bộ Tư pháp đề xuất xây dựng Luật Thuế bất động sản
Tin bất động sản ngày 7/2: Thái Bình sắp khởi công loạt dự án nghìn tỷTin bất động sản ngày 7/2: Thái Bình sắp khởi công loạt dự án nghìn tỷ

Đà Nẵng tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án ì ạch

Mới đây, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký quyết định ban hành Kế hoạch đền bù giải tỏa (ĐBGT) 202 dự án trên địa bàn thành phố năm 2023. Trong số này có nhiều dự án chậm giao mặt bằng từ nhiều năm qua.

Tin bất động sản ngày 9/2: Đà Nẵng tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án ì ạch
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo Quyết định, chia 202 dự án ra thành 3 nhóm, trong đó có nhóm I/2018 gồm 6 dự án đã cam kết hoàn thành ĐBGT năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Do vậy, trong kế hoạch mới nhất, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu tiến độ ĐBGT phải hoàn thành trước ngày 30/4 để phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện hạ tầng.

Được biết, 6 dự án trên đều nằm ở địa bàn quận Liên Chiểu, gồm: Khu Du lịch sinh thái Nam Ô còn 1 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng; Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu còn 20 hồ sơ; dự án Kênh thoát nước và vệt cây xanh cách ly còn 1 hồ sơ; dự án khu số 1 trung tâm đô thị mới Tây Bắc còn 2 hồ sơ; khu tái định cư Hòa Hiệp 3 giai đoạn 2 còn 5 hồ sơ và khu tái định cư Hòa Hiệp mở rộng phía Nam nhà máy nước còn 3 hồ sơ. Liên Chiểu là địa bàn "nóng" về việc ĐBGT với tổng cộng 49 dự án. Công tác giải phóng mặt bằng vô cùng khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian bởi tác động trực tiếp đến quyền lợi người dân.

Nguyên nhân chậm trễ có thể kể ra như người dân không tự nguyện chấp hành bàn giao mặt bằng, khâu đền bù tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu, mong muốn của người dân… Bên cạnh đó, vướng mắc do xây dựng nhà trên đất không phải đất ở, không đủ điều kiện bố trí tái định cư cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ. Ngoài ra, không ít trường hợp chống đối khi nhận giá trị bồi thường đất thấp, không đủ tiền nộp tiền sử dụng đất cho lô đất tái định cư hoặc tiền đền bù nhà cửa, vật kiến trúc không đủ xây lại nhà mới sau giải tỏa.

Theo ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, khẳng định trong năm 2023, địa phương xác định việc tháo gỡ vướng mắc, vận động người dân bàn giao mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, ưu tiên nguồn lực cho các dự án trọng điểm, động lực trên địa bàn quận như: dự án trục 1, dự án Làng Vân, dự án đường nối cảng Liên Chiểu…

Hà Nội sắp có thêm 4 khu công nghiệp mới

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định về việc bổ sung danh mục, kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố; 2 đồ án quy hoạch tại huyện Sóc Sơn, Đông Anh và 2 đồ án ở huyện Thường Tín.

Theo đó, danh mục được bổ sung gồm 4 đồ án: Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn (thuộc các xã Minh Trí, Tân Dân của huyện Sóc Sơn) có quy mô 302,8ha; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Đông Anh (thuộc các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh của huyện Đông Anh), quy mô 300ha; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Bắc Thường Tín (thuộc các xã Liên Phương, Văn Bình, Ninh Sở và Văn Phú của huyện Thường Tín), quy mô 112ha và Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Phụng Hiệp (thuộc các xã Tô Hiệu, Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên và Dũng Tiến của huyện Thường Tín), quy mô 174,8ha.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng giao Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức lập 4 quy hoạch nói trên. Thời gian lập quy hoạch dự kiến kéo dài từ năm 2023 - 2025. Ranh giới, quy mô các quy hoạch được xác định cụ thể trong giai đoạn lập quy hoạch.

Được biết, trên địa bàn Hà Nội có tổng số 10 KCN đang hoạt động có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN đã và đang tiến hành xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng) với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở; đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở, và đã bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng các KCN đang hoạt động, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đề xuất phương án phát triển hệ thống KCN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 24 khu, với tổng diện tích 5.831,8ha.

Các KCN gắn kết với hệ thống, mạng lưới giao thông theo quy hoạch Thủ đô. Vị trí, định hướng quy hoạch, xây dựng các KCN cơ bản được bố trí tiếp cận theo các tuyến đường vành đai (2,3 và vành đai liên vùng 4, 5), các trục đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm (1,2, 3,5, 6), Đại lộ Thăng Long, các trục đường phát triển kinh tế (Bắc - Nam, Cienco 5, Đỗ Xá - Quan Sơn) và các sân bay, cảng sông Hồng.

Yêu cầu tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà

Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 trực tuyến với địa phương vừa ban hành, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản với các doanh nghiệp bất động sản và người mua theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 03 ngày 27/1/2023.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Cũng theo Nghị quyết của Chính phủ, tăng trưởng tín dụng phải được điều hành hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải được chuẩn bị, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/2/2023.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ yêu cầu khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn, tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân. Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đề cao hơn trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu quả phối hợp, thực hiện giám sát các dự án công khai, minh bạch, xử lý nghiêm vi phạm.

Đối với các nội dung, đề án trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ yêu cầu có phương án huy động nguồn lực thực hiện chương trình, tháo gỡ kịp thời vướng mắc gói hỗ trợ lãi suất 2%. Khẩn trương triển khai thực hiện các dự án đầu tư đủ thủ tục, điều hòa vốn linh hoạt, đảm bảo giải ngân toàn bộ vốn của chương trình.

Nhà đầu nào đề xuất thực hiện KĐT hơn 3.600 tỷ đồng ở Khánh Hòa?

Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa báo cáo UBND tỉnh về trường hợp đề xuất đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Núi Sông Cầu thuộc xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh.

Nhà đầu tư đề xuất đầu tư dự án nói trên là liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư Nhà An Khánh, Công ty Cổ phần Đô thị Vĩnh Thái, Công ty TNHH Tân Khánh Hòa KH.

Tin bất động sản ngày 9/2: Đà Nẵng tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án ì ạch
Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư Nhà An Khánh, Công ty Cổ phần Đô thị Vĩnh Thái, Công ty TNHH Tân Khánh Hòa KH đề xuất đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Núi Sông Cầu hơn 3.600 tỷ đồng/ Ảnh minh họa

Được biết, dự án Khu đô thị sinh thái Núi Sông Cầu có quy mô 466 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến là 3.645,2 tỷ đồng. Dự án sẽ hoàn thành xây dựng cơ bản và đưa vào hoạt động sau 48 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.

Việc đề xuất đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Núi Sông Cầu ở xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh hoàn toàn phù hợp với định hướng của Nghị quyết 09/BCT của Bộ Chính trị.

Bên cạnh Khu đô thị sinh thái Núi Sông Cầu ở xã Sông Cầu được quy hoạch và đề xuất đầu tư, huyện Khánh Vĩnh cũng đã quy hoạch các Khu đô thị sinh thái sông núi ở xã Sơn Thái, Khu đô thị sinh thái sông núi ở xã Khánh Thượng, Khu đô thị sinh thái sông núi ở xã Khánh Trung, Khu đô thị sinh thái sông núi ở xã Khánh Hiệp nhằm thu hút đầu tư, khai thác thế mạnh đất đai sinh thái miền núi theo đúng tinh thần Nghị quyết 09/BCT của Bộ Chính trị và của lãnh đạo Tỉnh Khánh Hòa.

Bên cạnh đó, tập đoàn Novaland cũng đang thực hiện thủ tục để triển khai đầu tư Khu đô thị sinh thái và sân golf Diên Khánh - Khánh Vĩnh bao gồm các xã Diên Thọ, Diên Đồng và Sông Cầu.

Nguồn:Tin bất động sản ngày 9/2: Đà Nẵng tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án ì ạch

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn