Tin ngân hàng ngày 10/3: Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam chốt lịch tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2022

15:00 | 10/03/2022

|
Ngân hàng điện tử TPBank Biz mang lại cho khách hàng nhiều tiện ích; Lãi suất tăng đe dọa lợi nhuận ngân hàng; Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ký Quy chế mua bán ngoại tệ…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 9/3: LienVietPostBank dành nhiều ưu đãi hấp dẫn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩuTin ngân hàng ngày 9/3: LienVietPostBank dành nhiều ưu đãi hấp dẫn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Tin ngân hàng ngày 8/3: Nam A Bank triển khai nhiều ưu đãi cho khách hàng nữ nhân ngày 8/3Tin ngân hàng ngày 8/3: Nam A Bank triển khai nhiều ưu đãi cho khách hàng nữ nhân ngày 8/3

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam chốt lịch tổ chức ĐHCĐ thường niên 2022

Mới đây, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MCK: MSB) vừa công bố nghị quyết phê duyệt tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên lần thứ 30 để thông qua kế hoạch kinh doanh của ngân hàng trong năm 2022 và phương án chia cổ tức đồng thời bầu thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới.

Tin ngân hàng ngày 10/3: Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam chốt lịch tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2022
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam chốt lịch tổ chức ĐHCĐ thường niên 2022

Theo đó, ngày dự kiến chốt quyền tham dự đại hội cổ đông là 25/3/2022 và MSB dự kiến tổ chức đại hội cổ đông lần thứ 30 vào ngày 25/4/2022 tại Hà Nội để thông qua kế hoạch kinh doanh của ngân hàng trong năm 2022 và phương án chia cổ tức đồng thời bầu thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới.

Mới đây, MSB cũng vừa công bố Báo cáo kiểm toán năm 2021 với các số liệu không có thay đổi nhiều so với kết quả trước kiểm toán mà lãnh đạo ngân hàng chia sẻ trước đó.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 5.088 tỷ đồng theo số liệu hợp nhất, vượt 55% so với mục tiêu 3.280 tỷ đồng mà đại hội đồng cổ đông thông qua từ đầu năm. Tổng tài sản của Ngân hàng đạt trên 203 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cuối năm 2020 và vượt hơn 7% so với kế hoạch đề ra. CASA của ngân hàng nằm trong top 3 trên thị trường, Top 10 Ngân hàng có lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cao nhất trong năm 2021, ngoài ra, đây là ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận trước thuế và giá cổ phiếu tính bằng lần cho năm 2021.

Theo lãnh đạo MSB, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 6.800 tỷ đồng tương ứng với mức tăng trưởng 30%, mô tài sản đạt 230.000 tỷ đồng. Ngân hàng tự tin đạt được mục tiêu tham vọng này với chiến lược đẩy mạnh hơn nữa các mảng thu nhập ngoài lãi, tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ để giúp ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút Casa, giảm chi phí vốn và chi phí hoạt động.

Ngân hàng điện tử TPBank Biz mang lại cho khách hàng nhiều tiện ích

Bên cạnh việc miễn nhiều loại phí, những giải pháp số toàn diện tại ngân hàng điện tử TPBank Biz cũng mang lại cho khách hàng sự tiện lợi, tối giản trong thao tác sử dụng, giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi ngay trên điện thoại di động với tốc độ nhanh chóng...

Với TPBank Biz - ứng dụng ngân hàng điện tử dành cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể dễ dàng thao tác, trải nghiệm xuyên suốt và đồng nhất trên mọi thiết bị, từ máy tính đến điện thoại di động hay máy tính bảng. Mọi giao dịch từ thông thường như tài khoản tiền gửi, thanh toán, chuyển tiền và tiền gửi có kỳ hạn cho tới việc gửi các yêu cầu về phát hành, sửa đổi bảo lãnh, thanh toán L/C… đều có thể dễ dàng thực hiện tại bất kì đâu 24/7 mà không cần tới trực tiếp ngân hàng.

Thấu hiểu những khó khăn và vướng mắc về mặt tài chính của doanh nghiệp, TPBank hiện đang miễn phí tới 30 loại phí khi khách hàng thực hiện giao dịch trên ứng dụng, con số này tương đương 70% tổng số các loại phí mà ngân hàng này đang triển khai và có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm tới hàng trăm triệu đồng chi phí trong 1 năm.

Đáng chú ý, TPBank là một trong số ít các ngân hàng tại Việt Nam hiện đang ứng dụng Open API - phương thức liên kết các ứng dụng của doanh nghiệp với ứng dụng của ngân hàng để trao đổi dữ liệu trong giao dịch ngân hàng điện tử. Với tính năng này, TPBank cho phép doanh nghiệp truyền dữ liệu tới ngân hàng ngay trên hệ thống của doanh nghiệp, giúp khách hàng giảm được rất nhiều bước khi thực hiện các lệnh chuyển tiền cho đối tác. Doanh nghiệp có thể dễ dàng đẩy các giao dịch chuyển tiền đơn lẻ hoặc theo lô trực tiếp tới ngân hàng mà không phải thêm bước tạo lệnh trên ứng dụng TPBank Biz như trước đây.

Lãi suất tăng đe dọa lợi nhuận ngân hàng

Chiến tranh Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế leo thang đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, áp lực lạm phát tăng là rất lớn và ngành ngân hàng được xếp vào nhóm ngành có ảnh hưởng tiêu cực, bởi lạm phát tăng, kéo theo lãi suất huy động tăng, khiến “nồi cơm” lợi nhuận của ngân hàng nhỏ lại.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết, năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ vẫn giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay, trong khi mặt bằng lãi suất huy động đang nhích lên rõ rệt. Điều này sẽ làm giảm biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng.

“Hiện tại, các ngân hàng vẫn sống dựa khoảng 70% vào tín dụng, NIM giảm sẽ làm lợi nhuận ngân hàng không như kỳ vọng. Đây là lo lắng của nhà đầu tư, khiến cổ phiếu giảm”, vị lãnh đạo này nhận định.

Trong tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có phiên họp chính sách. Tuần sau, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ họp và chính thức công bố quyết định tăng lãi suất, cũng như lộ trình tăng lãi suất trong năm.

Giữa tháng 2 vừa qua, cổ phiếu ngân hàng đã lao dốc sau khi có tin đồn về việc Fed có thể họp khẩn về việc tăng lãi suất. Dù khả năng đó không xảy ra, song cổ phiếu ngân hàng vẫn trong giai đoạn tiêu cực. Tuần qua, cổ phiếu “vua” tiếp tục đi xuống, sau khi NHNN có văn bản yêu cầu ngân hàng thương mại báo cáo về tình hình hợp tác với thị trường Nga, tác động của lệnh trừng phạt Nga đối với việc xử lý giao dịch cho khách hàng.

Hai năm qua, môi trường lãi suất thấp khiến tốc độ tăng trưởng huy động vốn khu vực dân cư của ngân hàng sụt giảm mạnh và thấp hơn tiền gửi doanh nghiệp. Lo ngại dòng tiền huy động tiếp tục sụt giảm nếu lạm phát tăng, nhiều ngân hàng đã phải nâng lãi suất huy động từ đầu năm nay.

Ngân hàng tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, trong khi không thể tăng mạnh lãi suất cho vay tương ứng, khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ký Quy chế mua bán ngoại tệ

Ngày 9/3, tại Hà Nội, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã ký Quy chế mua bán ngoại tệ giữa ngân sách nhà nước và Dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức.

Tin ngân hàng ngày 10/3: Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam chốt lịch tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2022
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà ký kết Quy chế mua, bán ngoại tệ.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nhằm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc điều hành thị trường ngoại hối, đồng thời tạo thuận lợi cho ngân sách nhà nước cân đối ngoại tệ, phục vụ các khoản chi ngân sách bằng ngoại tệ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng Quy chế mua bán ngoại tệ giữa ngân sách nhà nước và Dự trữ ngoại hối nhà nước.

Quy chế này chuẩn hóa quy trình mua, bán ngoại tệ giữa ngân sách nhà nước, dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức, rút ngắn thời gian thực hiện mua, bán ngoại tệ của ngân sách nhà nước.

Việc ký kết Quy chế mua bán ngoại tệ đã cụ thể hóa các nội dung hợp tác giữa hai cơ quan theo Quy chế phối hợp công tác và trao đổi thông tin giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2012.

Theo đó, việc triển khai Quy chế mua bán ngoại tệ sẽ góp phần tăng cường sự phối hợp của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách, điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 10/3: Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam chốt lịch tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2022

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn