Tin ngân hàng ngày 11/2: ACB đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 20.000 tỷ đồng trong năm 2023

12:02 | 11/02/2023

|
VietBank nhận lại hơn 1.800 tỷ đồng tiền cọc mua toà nhà làm trụ sở;Năm 2023, HDBank dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số;NCB tăng tổng tải sản lên gần 90.000 tỷ đồng…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 10/2: Ngân hàng Nhà nước mua thêm gần 2,8 tỷ USDTin ngân hàng ngày 10/2: Ngân hàng Nhà nước mua thêm gần 2,8 tỷ USD
Tin ngân hàng ngày 9/2: Thống nhất giảm lãi suất huy độngTin ngân hàng ngày 9/2: Thống nhất giảm lãi suất huy động

ACB đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 20.000 tỷ đồng trong năm 2023

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã có cuộc họp với các chuyên gia phân tích, trong đó hé lộ về kế hoạch hoạt động kinh doanh trong năm 2023.

Tin ngân hàng ngày 11/2: ACB đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 20.000 tỷ đồng trong năm 2023
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, theo cập nhật của Công ty chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV), lãnh đạo ACB cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ bám sát mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 14-15%. Tăng trưởng huy động thấp hơn và sát với tín dụng, ước đạt 10%. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch cho năm 2023 là trên 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu cụ thể phải chờ Đại hội đồng cổ đông vào tháng 4 tới.

Bên cạnh đó, ACB đang có kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ tương tự 2021 là 25% nhưng tỷ lệ bằng tiền và bằng cổ phiếu chưa được xác định và phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh, năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ACB tăng 42,6% đạt 17.114 tỷ đồng, vượt 13,5% kế hoạch năm. Các chỉ số khả năng sinh lời ấn tượng, ROE đạt 26,5% và ROA 2,4%.

Thu thuần từ hoạt động dịch vụ 2022 của ngân hàng đạt 3.526 tỷ, tăng 21,8%. Trong đó, thu từ bancassurance đạt 1.954 tỷ, tăng 31%; thu từ dịch vụ thẻ đạt 663 tỷ (tăng 86%); thu từ dịch vụ thanh toán quốc tế tăng 36%, đạt 358 tỷ; thu từ dịch vụ chứng khoán và các dịch vụ tài khoản lần lượt giảm 34% và 36%.

Chất lượng tài sản ACB vẫn thuộc top đầu ngành, trong đó, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 là 0,74%. Dự phòng bao phủ nợ xấu 155%. Ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ (cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa) là 93%, tương đương cuối năm 2021. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng theo Basel II đạt 12.8%.

Về dư nợ các khoản vay bất động sản là khoảng 99,3 nghìn tỷ, chiếm 24% tổng danh mục cho vay, trong đó chủ yếu là cho vay cá nhân mua nhà (chiếm 82% tổng danh mục cho vay liên quan bất động sản). Cho vay mua nhà dự án là khoảng 2.000 tỷ. ACB dự kiến vẫn sẽ cho vay bất động sản với khẩu vị rủi ro chặt chẽ.

Tổng nguồn vốn huy động của ACB tăng 13,2% trong năm 2022. Trong đó, tăng trưởng tiền gửi khách hàng ở mức khả quan 9%. Tỷ lệ CASA giảm 3,2 điểm % xuống 22,3%, tuy nhiên vẫn thuộc Top 5 và là một trong số ít các ngân hàng có CASA giảm chậm.

ACB cũng cho biết lãi huy động của ngân hàng đang ở mức phù hợp với nhu cầu và đủ cạnh tranh nên sẽ không tăng. Kỳ vọng NIM 2023 giữ ổn định do lãi suất vẫn sẽ cao trong nửa đầu năm.

VietBank nhận lại hơn 1.800 tỷ đồng tiền cọc mua toà nhà làm trụ sở

Mới đây, HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đã có Nghị quyết về việc nhận lại toàn bộ số tiền 1.808 tỷ đồng đã đặt cọc cho Công ty TNHH Lương Thạch liên quan đến chuyển nhượng toà nhà Lim II tại số 62A Cách mạng Tháng 8, quận 3, TP HCM.

Theo tìm hiểu, ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của VietBank đã thông qua việc mua tòa nhà Lim II với giá dự kiến là 1.400 tỷ đồng để làm trụ sở.

Tới ngày 27/12/2019, Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường của VietBank đã thông qua không đầu tư vào toà nhà Lim II, với lý do thủ tục kéo dài, đối tác chưa hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng.

Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên vào cuối tháng 5/2020 của VietBank lại một lần nữa chấp thuận mua một phần toà nhà Lim II. Phạm vi mua lúc này là 3 tầng hầm, tầng trệt đến tầng 11, tổng diện tích 18.713m2. Giá mua tài sản dự kiến là 1.340 tỷ đồng. Phần còn lại của toàn nhà Lim II sẽ được thỏa thuận mua tiếp trong tối đa 3 năm, khi VietBank mở rộng quy mô hoạt động và có có thêm nguồn vốn phù hợp.

Ngày 10/8/2020, VietBank ký hợp đồng đặt cọc với Công ty TNHH Lương Thạch để nhận chuyển nhượng một phần toà Lim II, giá chuyển nhượng là 1.340 tỷ đồng. Sau đó, VietBank đã chuyển số tiền đặt cọc 1.100 tỷ đồng cho Lương Thạch.

Đến ngày 13/5/2021, VietBank và Lương Thạch tiếp tục ký hợp đồng hứa mua, hứa bán phần còn lại của toà Lim II (tầng 12-19), với giá chuyển nhượng 944 tỷ đồng, thời gian ký kết hợp đồng mua bán không quá 25/5/2023. Số tiền đặt cọc cho Lương Thạch cho phần còn lại của toàn nhà là 708 tỷ đồng.

Như vậy, VietBank đã đặt cọc tổng cộng cho Lương Thạch số tiền lên tới 1.808 tỷ đồng để mua toà Lim II; còn tổng giá trị của thương vụ là 2.284 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh của VietBank, lợi nhuận trước thuế lũy kế cả năm 2022 đạt 649 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của Vietbank đạt 111.936 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng gần 26% lên hơn 63.632 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 13,8% so với năm trước, đạt 75.988 tỷ đồng.

Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 26% lên 2.324 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2021 lên 1.814 tỷ đồng.

Năm 2023, HDBank dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số

Tại Hội nghị Nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh năm 2022, đại diện HDBank cho biết, trong năm 2023, ngân hàng kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng cao về qui mô và chất lượng. Áp dụng Basel III, chuyển đổi số và phát triển mạnh hơn nữa mảng dịch vụ là những chương trình được kỳ vọng đóng góp tích cực nâng cao hiệu quả và an toàn hoạt động cua HDBank.

Năm 2022 là năm ngân hàng đã đạt được kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay với 10,268 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 27.2% so với năm trước. Trong đó tổng doanh thu của ngân hàng cán mốc 21,967 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước. Mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ của ngân hàng cũng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, thể hiện tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Chất lượng tài sản của HDBank cũng được duy trì ở mức tốt với tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ là 1.3%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất là 1.67%, thấp hơn nhiều so với mức 1.92% của toàn ngành. Tỷ lệ dư nợ trên tiền gửi thấp so với mức tối đa của ngân hàng nhà nước. Điều này xuất phát từ việc ngân hàng luôn thận trọng trong việc quản trị rủi ro thanh khoản, huy động vốn từ thị trường 1 đạt kết quả cao.

Đến ngày 31/12/2022, HDBank có 347 chi nhánh và phòng giao dịch, hơn 24,5 nghìn điểm giao dịch tài chính tiêu dùng và trên 16,000 cán bộ nhân viên phục vụ trên 14 triệu khách hàng.

Để đạt được những kết quả nêu trên, ngân hàng đã thực hiện một số chiến lược như đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, khai thác lợi thế hệ sinh thái, kinh doanh bảo hiểm và quản trị doanh nghiệp và rủi ro môi trường, xã hội theo các chuẩn mực quốc tế tốt nhất.

Năm 2023, HDBank đặt mục tiêu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, quản trị hiệu quả rủi ro, đảm bảo chất lượng tài sản và các chỉ tiêu an toàn hoạt động trong nhóm ngân hàng dẫn đầu đồng thời triển khai các chương trình hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đang đẩy mạnh việc ký kết hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền và huy động nguồn vốn quốc tế với chi phí hợp lý nhằm nâng cao hơn nữa các chỉ số an toàn và hiệu quả hoạt động, sẵn sàng áp dụng Basel III.

NCB tăng tổng tài sản lên gần 90.000 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2022 và luỹ kế cả năm 2022. Nhìn chung, quý IV/2022, NCB cho thấy những tín hiệu tích cực khi tổng mức tài sản tăng mạnh từ khoảng 73.782 tỷ đổng từ đầu năm lên 89.847 tỷ đồng cuối năm (tính đến ngày 31/12/2022), tăng hơn 21,7%.

Tin ngân hàng ngày 11/2: ACB đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 20.000 tỷ đồng trong năm 2023
NCB tăng tổng tài sản lên gần 90.000 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong đó, tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác và cho các tổ chức tín dụng khác vay hơn 11.658 tỷ đồng, tỷ lệ tăng khoảng 3,8 lần so với đầu năm (hơn 3.201 tỷ đồng); tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước cũng tăng từ 1.966 tỷ đồng lên hơn 3.947 tỷ đồng, tỷ lệ tăng khoảng 100%; tiền mặt, vàng bạc, đá quý cũng tăng từ 242 tỷ lên 384 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 15%, đạt 46.762 tỷ đồng.

Trong quý, NCB dành ra gần 54 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 45% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, quý IV này NCB không trích cho các khoản xử lý theo phương án cơ cấu tại ngân hàng trong khi quý IV/2021 phải trích hơn 326 tỷ đồng. Do đó, NCB thu được hơn 181 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý IV/2022 trong khi cùng kỳ lỗ hơn 203 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của NCB đạt hơn 309 tỷ đồng. Trong năm, NCB dành ra hơn 268 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng kèm với 40 tỷ đồng dành cho các khoản xử lý theo phương án cơ cấu tại ngân hàng. Kết quả, NCB thu được 1.24 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm 2022.

Theo lý giải từ NCB, trong năm ngân hàng thực hiện thoái lãi, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại, đồng thời ngân hàng tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Đáng chú ý, danh mục khách hàng mới khách hàng doanh nghiệp tăng trưởng 231% so với năm 2021, huy động vốn đạt các kết quả tích cực, mảng khách hàng cá nhân ghi nhận tăng trưởng mạnh về tiền gửi và số giao dịch. Hoạt động ngoại hối trong quý cũng có sự tăng trưởng lớn với lãi thuần đạt 76 tỷ đồng.

Nguồn:Tin ngân hàng ngày 11/2: ACB đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 20.000 tỷ đồng trong năm 2023

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn