Tin ngân hàng ngày 20/6: Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất tối đa 0,5%

11:03 | 20/06/2022

|
Tăng trưởng tín dụng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021; Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế; Cán bộ ngân hàng Co-opBank chiếm đoạt tiền của gần 100 khách hàng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tăng cường thanh tra, xử nghiêm các trường hợp ngân hàng ép khách mua bảo hiểmTin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tăng cường thanh tra, xử nghiêm các trường hợp ngân hàng ép khách mua bảo hiểm
Tin ngân hàng ngày 18/6: Gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàngTin ngân hàng ngày 18/6: Gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất tối đa 0,5%

Theo báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) phân tích đánh giá ảnh hưởng của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản của mình thêm 0,75 điểm phần trăm.

Tin ngân hàng ngày 20/6: Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất tối đa 0,5%
Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất tối đa 0,5%

Theo ACBS, bất chấp lạm phát cao ở Mỹ, cùng với việc FED và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất và chương trình Thắt chặt định lượng của FED, nhóm phân tích kỳ vọng CPI của Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trong khoảng 3,5%-4% và vẫn nằm trong mục tiêu 4% của Chính phủ.

Và mặc dù lo ngại những sự kiện đó có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những quý sắp tới của năm 2022, với các yếu tố cơ bản vẫn duy trì tốt trong tháng đầu năm 2022, ACBS vẫn duy trì kỳ vọng rằng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ dần phục hồi trong ba quý cuối năm 2022. Tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trường, qua đó sẽ thúc đẩy các hoạt động từ khu vực FDI về mặt đầu tư và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang nổi lên như một trong tâm sản xuất công nghiệp thay thế nhằm bù đắp sản lượng mất mát, do chiến lược zero Covid của Trung Quốc, theo đó tiếp tục thúc đẩy phục hồi các hoạt động sản xuất công nghiệp.

Nhu cầu tiêu dùng nội địa và các ngành dịch vụ cũng phục hồi sau khi được phép mở cửa lại phần lớn các loại hình kinh doanh dịch vụ đi kèm với việc mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế và các hoạt động giao thông vận tải trở lại vận hành bình thường (với tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2022 đạt 9,7% so với cùng kỳ năm 2021).

ACBS duy trì quan điểm rằng nền kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong khoảng 5,8% - 6,9% trong năm 2022. Nhóm phân tích cũng tiếp tục giữ quan điểm việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2022 sẽ không bị tác động lớn.

Thứ nhất, miễn là tỷ lệ lạm phát của Việt Nam duy trì trong mức 4%, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021

Tại buổi thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 được tổ chức tại TPHCM ngày 18/6, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết, tính đến ngày 9/6, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021 và đến nay, chỉ sau 1 tuần tín dụng đã tăng khoảng 8,2% - tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ.

Theo đó, hiện tổng dư nợ nền kinh tế hơn 12 triệu tỷ đồng, với mức tăng trưởng tín dụng định hướng khoảng 14% trong năm 2022 sẽ cung ứng thêm 1,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế, trong khi đó hiện tăng trưởng tín dụng mới đạt 8,2%, nên còn dư địa để cung ứng vốn cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Mục tiêu tăng trưởng 14% chỉ mang tính định hướng và Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế. Định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, trên cơ sở kiểm soát lạm phát, ngành ngân hàng tiếp tục ưu tiên vốn cho doanh nghiệp. Những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu… để khôi phục nền kinh tế.

Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự thảo Luật này. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là dự án Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, do đó việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong Luật; còn những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn thì quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ngày 29/3, Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, trong đó đề nghị nêu rõ sự cần thiết phải duy trì quỹ, hiệu quả sử dụng, đánh giá kỹ tác động đối với các đối tượng có liên quan.

Dự thảo luật trình Hội nghị có một số thay đổi so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, như: Kết cấu của dự thảo luật; Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm; Các loại hình bảo hiểm về bảo hiểm vi mô; Các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; các quy định về hợp đồng bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm...

Như vậy, sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, so với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, gồm 7 chương và 154 điều, trong đó giảm 1 chương và 3 điều, đáp ứng được các mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật...

Cán bộ ngân hàng Co-opBank chiếm đoạt tiền của gần 100 khách hàng

Nguyễn Như Quỳnh (SN 1993, hộ khẩu tại khu 3, xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) cán bộ Ngân hàng HTX Việt Nam (Co-opBank), chi nhánh Yên Bái. Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái xác định đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của gần 100 khách hàng.

Tin ngân hàng ngày 20/6: Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất tối đa 0,5%
Cán bộ ngân hàng Co-opBank chiếm đoạt tiền của gần 100 khách hàng

Ngày 19/6, Thượng tá Nguyễn Tiến Đỗ, Trưởng Công an TP Yên Bái cho biết: Ngày 17/6, Cơ quan CSĐT, Công an TP Yên Bái đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Như Quỳnh về hành vi "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản."

Quá trình điều tra, Công an TP Yên Bái bước đầu xác định: Với trách nhiệm được phân công, Quỳnh có nhiệm vụ tư vấn và làm hồ sơ vay tiền cho khách hàng. Song do chi nhánh chỉ có một cơ sở, người dân vay tiền ở các địa bàn vùng sâu và xa, gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán đã nhờ qua đối tượng.

Từ năm 2019 đến cuối tháng 1/2022, Quỳnh vẫn trả đủ tiền cho gần 100 người nên đã tạo lòng tin cho người bị hại. Sau đó, từ tháng 2/2022 đến tháng 6/2022, sau khi gần 100 khách hàng đã gửi tiền vào tài khoản cá nhân hoặc đưa tiền trực tiếp cho bị can Quỳnh nhờ trả hộ tiền gốc hoặc lãi cho khoản vay của họ với ngân hàng, Quỳnh đã chiếm đoạt để sử dụng cá nhân.

Quá trình điều tra, Công an TP Yên Bái xác định Quỳnh đã nhận làm hồ sơ đáo hạn đối với các hợp đồng của khách hàng vay tại ngân hàng đã đến hạn thanh toán khoản nợ nhưng có nhu cầu vay vốn tiếp. Khi khoản vay mới được giải ngân, khách hàng tin tưởng nhờ Quỳnh nhận hộ tiền để trả vào khoản vay cũ nhưng Quỳnh không thực hiện mà chiếm đoạt sử dụng.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 20/6: Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất tối đa 0,5%

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn