Tin ngân hàng ngày 2/2: Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng

11:21 | 02/02/2023

|
NHNN sửa quy định về cách tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi; NCB rao bán khoản nợ xấu của công ty Thuận Phát hơn 756 tỷ đồng; Năm 2022, SeABank đạt lợi nhuận trước thuế gần 5.069 tỷ đồng…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 1/2: Quý 4/2022, lợi nhuận trước thuế của MB giảm 2,3%Tin ngân hàng ngày 1/2: Quý 4/2022, lợi nhuận trước thuế của MB giảm 2,3%

Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng

Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố tờ trình bổ sung về phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018.

Tin ngân hàng ngày 2/2: Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa 2,768 tỷ cổ phiếu, tương đương tăng vốn điều lệ thêm tối đa 58,4%.

Hiện vốn điều lệ của Vietcombank là 47.325 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công số cổ phiếu nói trên, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ được nâng lên 75.000 tỷ đồng và trở thành quán quân vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng.

Hiện nay, quán quân vốn điều lệ ngân hàng thuộc về Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với vốn điều lệ hơn 67.434 tỷ đồng.

Năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng (1,15 triệu tỷ đồng) với mức tăng 19% so với năm 2021.

Theo Vietcombank, thu nhập ngoài lãi năm 2022 tăng 9,2% so với năm 2021, hoàn thành 108,7% kế hoạch năm 2022; Thu thuần kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng 31,7% so với năm 2021, hoàn thành 124% kế hoạch năm 2022; Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 2.393 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 80% kế hoạch năm 2022.

Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng tăng 39% so với năm 2021 và đạt 119% kế hoạch năm 2022. NIM đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm % so với 2021. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,84% và 24,25%.

Vietcombank tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất trên thị trường chứng khoán, lọt vào Top 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất thị trường năm 2022 theo Reuter.

NHNN sửa quy định về cách tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi

Ngày 31/12/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 26/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ 31/12/2022.

Theo đó, Thông tư 26/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 20 và khoản 2 Điều 24 của Thông tư 29.

Theo đó, Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn Kho bạc Nhà nước khi tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) và có lộ trình giảm dần. Cụ thể:

(i) Từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành đến 31/12/2023: trừ 50% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước (ii) Từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2024: trừ 60% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước (iii) Từ ngày 1/1/2025-31/12/2025: trừ 80% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước (iv) Từ 1/1/2026: trừ 100% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước.

NHNN vẫn giữ nguyên quy định về trần tỷ lệ LDR áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 85%. Đồng thời, cách tính tổng cho vay không thay đổi.

Theo các chuyên gia phân tích của Chứng khoán VNDirect đánh giá, Thông tư 26 sẽ có tác động tích cực lên thanh khoản hệ thống, khi có khoảng 50% tiền gửi Kho bạc Nhà nước có kỳ hạn tại các Ngân hàng thương mại (ước tính khoảng hơn 150 nghìn tỷ đồng, dựa trên số liệu báo cáo tài chính Quý 4/2022), sẽ có khả năng được tính vào phần dư địa cho vay của hệ thống. Theo đó phần nào sẽ giảm áp lực lên lãi suất cho vay. Nhóm phân tích cho rằng, Thông tư 26 sẽ mang lại lợi thế cho các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước. Vietcombank, BIDV, VietinBank sẽ được hưởng lợi khi tỷ lệ LDR mới giảm đáng kể.

Một nội dung khác tại Thông tư 26, Ngân hàng thương mại chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN thực hiện lộ trình tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41 theo Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu được phê duyệt sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg. Trong thời gian chưa áp dụng Thông tư 41, ngân hàng thương mại thực hiện tỷ lệ an toàn vốn quy định tại Thông tư 22/2019.

NCB rao bán khoản nợ xấu của công ty Thuận Phát hơn 756 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đang rao bán khoản nợ của Công ty CP Đầu tư Xuất nhập khẩu Thuận Phát với giá khởi điểm 138,91 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty Đấu giá hợp danh Quốc gia thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty CP Đầu tư Xuất nhập khẩu Thuận Phát tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).

Được biết, tổng dư nợ tính đến ngày 14/8/2022 là hơn 756,335 tỷ đồng; trong đó, dư nợ gốc hơn 173,5 tỷ đồng, dư nợ lãi gần 332 tỷ đồng, còn lại là lãi quá hạn và lãi chậm trả.

Đây là lần thứ hai khoản nợ trên được rao bán. Mức giá khởi điểm trong lần đấu giá này được đưa ra là hơn 138,91 tỷ đồng (giảm 34,6 tỷ đồng so với lần đấu giá trước đó, tương đương mức giảm 20%).

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là lô hàng nhập khẩu hoặc mua hàng trong nước gồm các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất nhựa (như bột nhựa, hạt nhựa…), thành phẩm ống nhựa và thép không gỉ.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ Ngân hàng NCB, tài sản đảm bảo trên đã bị tẩu tán và khó có khả năng thu hồi.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư Xuất nhập khẩu Thuận Phát được thành lập vào tháng 2/2006, địa chỉ Tổ 7, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của Công ty là Nguyễn Hồng Giang. Hiện Công ty đã tạm ngừng kinh doanh.

Ngoài Công ty CP Đầu tư Xuất nhập khẩu Thuận Phát, Nguyễn Hồng Giang còn là Người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Thuận Phát Hưng Yên - hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn kính xây dựng.

Năm 2022, NCB chủ động xử lý nhiều khoản nợ có vấn đề. Tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn cao do ngân hàng thực hiện phân loại lại nợ xấu, nợ quá hạn theo đúng tình trạng khoản nợ theo quy định của NHNN, đặc biệt là sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng do dịch COVID-19 đã hết hạn vào ngày 30/6/2022.

Năm 2022, SeABank đạt lợi nhuận trước thuế gần 5.069 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - mã chứng khoán SSB) vừa công bố kết quả kinh doanh 2022.

Tin ngân hàng ngày 2/2: Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, tính đến hết 31/12/2022, SeABank duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và đạt được kết quả kinh doanh khả quan, trong đó nổi bật là Tổng tài sản đạt 231.423 tỷ đồng, tăng 9,34% so với năm 2021; Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) lần lượt là 1,83% và 18,1% qua đó cho thấy hiệu quả hoạt động của SeABank nằm trong top cao của hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, nhờ kiểm soát hiệu quả thu chi, tích cực xử lý nợ xấu và tăng cường quản trị rủi ro nên tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của Ngân hàng tiếp tục giảm xuống 35,3% và Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,60%.

Đặc biệt, thu thuần ngoài lãi (NOII) tăng trưởng ấn tượng 43% so với năm 2021, đạt 2.641 tỷ đồng, chiếm 12,7% tổng doanh thu của Ngân hàng. Việc tăng trưởng NOII cho thấy hiệu quả hoạt động ổn định và bên vững của SeABank nhờ việc đa dạng hóa cấu trúc sản phẩm, phát triển ngân hàng số cũng như các dịch vụ phi tín dụng, đồng thời khai thác hiệu quả tệp khách hàng hiện hữu và phát triển mạng lưới khách hàng mới trên thị trường.

Những chỉ số tích cực này đã giúp SeABank đạt lợi nhuận trước thuế gần 5.069 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Nguồn:Tin ngân hàng ngày 2/2: Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn