Tin ngân hàng ngày 22/2: Nợ có khả năng mất vốn tại VietBank ở mức báo động

12:00 | 22/02/2023

|
ATM Online ra mắt ứng dụng cho vay tự động 24/7; NHNN cảnh báo các tổ chức tín dụng ép khách mua bảo hiểm; F88 hợp tác chiến lược với Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 21/2: Sacombank giảm mạnh lãi suất huy độngTin ngân hàng ngày 21/2: Sacombank giảm mạnh lãi suất huy động
Tin ngân hàng ngày 20/2: Sacombank lên tiếng về tỷ lệ sở hữu room ngoạiTin ngân hàng ngày 20/2: Sacombank lên tiếng về tỷ lệ sở hữu room ngoại

Nợ có khả năng mất vốn tại VietBank ở mức báo động

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với nhiều khoản mục có biến động.

Tin ngân hàng ngày 22/2: Nợ có khả năng mất vốn tại VietBank ở mức báo động
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong quý 4, hầu hết các các mảng hoạt động của VietBank đều sụt. Lợi nhuận sau thuế trong quý giảm mạnh hơn 52,45% so với cùng kỳ xuống 100,395 tỷ đồng.

Thu nhập lãi thuần giảm 33,2% xuống còn 466,5 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 53,1% xuống 81,3 tỷ đồng.

Mặt khác, mảng kinh doanh ngoại hối của ngân hàng lỗ gần 7 tỷ đồng và mảng chứng khoán đầu tư lỗ hơn 400 tỷ đồng trong quý 4, trong khi chỉ có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 12,7% so với cùng kỳ lên 37,2 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế VietBank chỉ đạt 649 tỷ đồng, nhích nhẹ 2,1% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 21,3% so với năm trước lên 1.802 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 35,4% lên 119 tỷ đồng. Trong khi mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận lãi gấp gần 5 lần so với năm trước lên 55,6 tỷ đồng, thì ngược lại, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư ghi nhận giảm 87% so với năm trước, từ 475,6 tỷ xuống còn 61,7 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của VietBank đạt 111.936 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng gần 26% lên hơn 63.632 tỷ đồng. Số dư tiền gửi của khách hàng tăng 13,8% so với năm trước, đạt 75.988 tỷ đồng.

Cùng chiều với đà tăng dự nợ tín dụng, nợ xấu của ngân hàng này tại thời điểm 31/12/2022 đã tăng 26% so với đầu năm lên 2.324 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng vẫn duy trì ở mức cao với 3,65%. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2021 lên 1.814 tỷ đồng.

Trong quý, VietBank đã thực hiện nộp hơn 218 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, thuế TNDN đạt hơn 158 tỷ đồng, thuế TNCN đạt hơn 32 tỷ đồng, thuế GTGT đạt hơn 18 tỷ đồng, còn lại là các loại thuế khác. Kết thúc quý, số thuế VietBank chưa nộp còn gần 28 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 21/2, giá cổ phiếu VBB của ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín giảm nhẹ, ở mức 10.200 đồng/cp.

ATM Online ra mắt ứng dụng cho vay tự động 24/7

Công ty ATM Online và đối tác vừa chính thức cho ra mắt ứng dụng (app) vay trả góp có tên gọi là “ATM Online” trên điện thoại di động, trước mắt thử nghiệm trên hệ điều hành Android.

Theo đó, từ tháng 2/2023, Ứng dụng ATM Online ra mặt trên điện thoại di động với mục đích cung cấp các dịch vụ vay cho khách hàng một cách nhanh chóng, tiện lợi; bước đầu thử nghiệm trên hệ điều hành Android, chiếm hơn 60% thị phần hệ điều hành di động tại Việt Nam (Theo báo cáo của Appota, 2020).

Cuối quý I/2023, ATM Online và đối tác dự kiến sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng ATM Online trên trên nền tảng iOS.

Cụ thể, với ứng dụng ATM Online, khách hàng có thể thao tác dễ dàng trong việc thực hiện đăng ký khoản vay bằng cách chụp hình CCCD trực tiếp bằng điện thoại. Cùng với việc giản lược một số thông tin so với nền tảng web, thời gian khách hàng hoàn tất thông tin trên app sẽ nhanh chóng hơn so với phiên bản web. Thời gian cho quá trình điền thông tin và gửi đi được ước lượng tối đa không quá 2 phút. Tổng thời gian từ lúc điền thông tin cho đến lúc nhận tiền vào tài khoản thông thường là 15 phút đối với khách hàng mới và từ 5-7 phút đối với khách hàng cũ.

Ngoài ra, khả năng sao lưu tự động của app giúp khách hàng tiếp tục hoàn thành đơn đăng ký còn đang dang dở, trong trường hợp khách hàng chưa kịp hoàn tất trong thời điểm đó. Đặc biệt, ứng dụng sẽ không yêu cầu quyền truy cập thông tin cá nhân của khách hàng như danh bạ, lịch sử cuộc gọi, Facebook… Đây là điểm khác biệt then chốt về bảo mật quyền riêng tư của ứng dụng ATM Online so với các ứng dụng khác.

Với ứng dụng ATM Online, khách hàng có thể quản lý danh sách hợp đồng đã được thực hiện, theo dõi lịch thanh toán và lịch sử thanh toán, tìm kiếm địa điểm thanh toán gần nhất. Việc thanh toán trở nên dễ dàng hơn khi khách hàng có thể truy xuất thông tin tài khoản định danh cá nhân hoặc lưu mã QR code về máy để thanh toán qua các ứng dụng của ngân hàng mà không cần phải phải gọi lên tổng đài để kiểm tra thông tin như trước đây.

Ứng dụng còn giúp khách hàng ký hợp đồng điện tử và theo dõi trạng thái hồ sơ đã được khởi tạo và kịp thời nhận thông báo cũng như các thông tin về các chương trình khuyến mãi của ATM Online. Một ưu điểm nổi bật khác của ứng dụng ATM Online là mật khẩu dưới dạng sinh trắc học: vân tay, FaceID (đối với các dòng điện thoại có hỗ trợ). Điều này giúp cho khách hàng có thể đăng nhập vào tài khoản của mình một cách nhanh chóng, thuận tiện và an toàn mà không tốn thời gian chờ và nhập mã OTP.

NHNN cảnh báo các tổ chức tín dụng ép khách mua bảo hiểm

Ngày 21/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống ngân hàng, không để xảy ra trường hợp cán bộ; đơn vị kinh doanh “ép” khách mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Theo văn bản, "NHNN sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên, đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm và tổ chức tín dụng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này”.

Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng được yêu cầu phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Các đơn vị này đã lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng.

Vừa qua, báo chí phản ánh hiện tượng một số tổ chức tín dụng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, tăng lãi suất; ép khách hàng tất toán khoản vay nếu hủy hợp đồng bảo hiểm, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm, chuyển từ tiền tiết kiệm tại ngân hàng của khách hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ…

Trước đó, NHNN đã thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo các tổ chức tín dụng về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Trong đó yêu cầu tổ chức tín dụng giải thích đầy đủ, rõ ràng về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm; không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm.

Mới đây, NHNN cũng đã ban hành công văn số 506 về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm, trong đó tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm.

F88 hợp tác chiến lược với Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank

Mới đây, Công ty cổ phần Kinh doanh F88 (F88) đã ký kết hợp tác chiến lược với Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank (KBank) chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ cùng nhau thúc đẩy một số hạng mục quan trọng.

Tin ngân hàng ngày 22/2: Nợ có khả năng mất vốn tại VietBank ở mức báo động
F88 hợp tác chiến lược với Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Thứ nhất, hai bên sẽ hợp tác phân phối dịch vụ tài chính toàn diện tới nhóm khách hàng chưa đủ điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, hướng đến việc hỗ trợ người lao động phổ thông tiếp cận các dịch vụ tài chính nói chung một cách dễ dàng.

Thứ hai, hợp tác cung cấp các dịch vụ tài chính số phù hợp với định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thứ ba, đẩy mạnh việc cung cấp các khoản tín dụng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam với lãi suất ưu đãi.

Thứ tư, tận dụng thế mạnh và chuyên môn của cả hai bên để phát triển các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mang đến giải pháp tài chính và trải nghiệm tốt nhất bằng các dịch vụ chất lượng trên cả hai kênh online cũng như offline.

Sự hợp tác giữa F88 và KBank nhằm thúc đẩy việc phân phối, phổ cập dịch vụ tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Với mạng lưới 830 phòng giao dịch trên khắp toàn quốc và vẫn đang tiếp tục mở rộng, dự kiến đạt 1.000 phòng giao dịch trong năm 2023, F88 đang dẫn đầu trong thị trường cung cấp dịch vụ tài chính tiện ích.

Đối tượng khách hàng chính của F88 là người lao động phổ thông, cũng là đối tượng chính của các dịch vụ tài chính toàn diện, nên F88 có sự thấu hiểu tâm lý, nhu cầu, thói quen khách hàng. Bên cạnh đó, F88 đã xây dựng được một hạ tầng công nghệ thông tin đủ mạnh để tích hợp và vận hành nhiều dịch vụ tài chính số do KBank cung cấp.

Ngoài ra, F88 đang đạt được tốc độ tăng trưởng dư nợ và doanh thu trung bình 200%/năm trong ba năm liên tiếp gần đây.

Nguồn:Tin ngân hàng ngày 22/2: Nợ có khả năng mất vốn tại VietBank ở mức báo động

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn