Tin ngân hàng ngày 23/4: Vietcombank điều chỉnh phí dịch vụ SMS Banking từ ngày 1/5/2022

13:25 | 23/04/2022

|
Vietcombank điều chỉnh phí dịch vụ SMS Banking từ ngày 1/5/2022; BIDV lên kế hoạch phát hành tối đa 35.000 tỷ đồng trái phiếu; Ngân hàng Shinhan ra mắt gói vay vốn cho cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ; SeABank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 22.690 tỷ đồng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 22/4: Saigonbank báo lãi trước thuế tăng gần 70% trong quý I/2022Tin ngân hàng ngày 22/4: Saigonbank báo lãi trước thuế tăng gần 70% trong quý I/2022
Tin ngân hàng ngày 21/4: SHB lên kế hoạch chào bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoàiTin ngân hàng ngày 21/4: SHB lên kế hoạch chào bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài

Vietcombank điều chỉnh phí dịch vụ SMS Banking từ ngày 1/5/2022

Sau khi tăng phí SMS Banking lên 11.000-77.000 đồng/tháng hồi đầu năm, Vietcombank vừa có thông báo điều chỉnh việc thu phí dịch vụ này.

Cụ thể, mức phí mới áp dụng từ ngày 1/5/2022 chỉ còn 11.000 đồng/tháng (đã gồm VAT).

Đây là dịch vụ nhân thông báo thay đổi số dư tài khoản, giao dịch chi tiêu thẻ quốc tế, lịch trả gốc vay, lãi vay,…qua tin nhắn SMS.

Tin ngân hàng ngày 23/4: Vietcombank điều chỉnh phí dịch vụ SMS Banking từ ngày 1/5/2022
Vietcombank điều chỉnh phí dịch vụ SMS Banking từ ngày 1/5/2022.

Trước đó, hồi đầu năm 2022, Vietcombank đã điều chỉnh phí SMS Banking từ 11.000 đồng/tháng lên 11.000-77.000 đồng/tháng và gặp phải nhiều phản ánh không hài lòng từ khách hàng. Cụ thể, số lượng tin nhắn SMS dưới 20 tin nhắn phải chịu phí 11.000 đồng/tháng, từ 20-dưới 50 tin nhắn có phí 27.500 đồng/tháng, từ 50-dưới 100 tin nhắn có phí 55.000 đồng/tháng và từ 100 tin nhắn trở lên có phí 77.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, các khách hàng đã sử dụng SMS chủ động trong kỳ tháng 2, tháng 3, tháng 4 năm 2022, để đồng hành và chia sẻ cùng khách hàng, Vietcombank sẽ thu phí dịch vụ theo mức phí 11.000 đồng/tháng, không phân biệt số lượng tin nhắn.

Khách hàng cũng có thể thay thế dịch vụ SMS chủ động bằng dịch vụ thông báo số dư qua ứng dụng VCB Digibank (dịch vụ OTT Alert) HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ mà vẫn được hỗ trợ đầy đủ các thông báo thay đổi số dư tài khoản, giao dịch chi tiêu thẻ, nhắc lịch trả nợ định kỳ, các thông tin dịch vụ, các chương trình ưu đãi nổi bật và nhiều thông tin khác từ Vietcombank.

BIDV lên kế hoạch phát hành tối đa 35.000 tỷ đồng trái phiếu

Theo báo cáo thường niên được công bố mới đây cuả Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID). Dự kiến trong năm 2022, BIDV lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 20.600 tỷ đồng, tăng 50% so với mức thực hiện năm 2021. Huy động vốn dự kiến phù hợp với việc sử dụng vốn và cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng, mục tiêu tăng trưởng ở mức 13%, tương ứng đạt hơn 1.705 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 12,5%, đạt 1.539 tỷ đồng, đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu theo kế hoạch duy trì ở mức dưới 1,5% trong năm 2022.

Tin ngân hàng ngày 23/4: Vietcombank điều chỉnh phí dịch vụ SMS Banking từ ngày 1/5/2022
BIDV lên kế hoạch phát hành tối đa 35.000 tỷ đồng trái phiếu.

Cùng với đó, BIDV cũng phê duyệt phương án phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ trong năm 2022 để tăng quy mô hoạt động của ngân hàng, tạo thêm kênh thu hút vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của khách hàng.

Tổng giá trị phát hành tối đa theo mệnh giá là 35.000 tỷ đồng. Loại hình trái phiếu là không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm.

Đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của Luật Chứng khoán, bao gồm các tổ chức (cả tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Kỳ hạn của các trái phiếu này là 1-5 năm, sẽ được phát hành trong tối đa 35 đợt, dự kiến thực hiện trong năm 2022.

Nhìn lại tình hình tài chính trong năm 2021, BIDV ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 62.494 tỷ đồng, tăng 24,9% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 10.841 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng ở mức 50%.

Tổng tài sản tính tới ngày 31/12/2021 đạt hơn 1,76 triệu tỷ đồng, tăng 16,2% so với thời điểm đầu năm. Tổng huy động vốn đạt hơn 1,64 triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.

Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt gần 1,68 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng tổ chức kinh tế và cư dân đạt hơn 1,37 triệu tỷ đồng, chiếm 13% thị phần tín dụng toàn ngành.

Ngân hàng Shinhan ra mắt gói vay vốn cho cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ

Theo Ngân hàng Shinhan, với sản phẩm “Vay bổ sung vốn lưu động”, khách hàng là những hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) tư nhân và DN siêu nhỏ sẽ được chủ động lựa chọn một trong ba gói vay, bao gồm: Gói vay lãi suất 5,8%/năm, cố định 3 tháng; Gói vay lãi suất 6,2%/năm, cố định 6 tháng; Gói vay lãi suất 6,85%/năm, cố định 9 tháng tính trên dư nợ thực tế.

Tin ngân hàng ngày 23/4: Vietcombank điều chỉnh phí dịch vụ SMS Banking từ ngày 1/5/2022

Sản phẩm “Vay bổ sung vốn lưu động” được thiết kế linh hoạt với hạn mức tài trợ lên đến 100% nhu cầu vốn lưu động, thời gian trả nợ cho từng khế ước nhận nợ lên đến 09 tháng. Khách hàng được hoàn toàn chủ động trong kế hoạch vay-trả theo hạn mức trong năm. Đặc biệt, sản phẩm “Vay bổ sung vốn lưu động” miễn hoàn toàn phí trả nợ trước hạn.

Với sản phẩm “Vay vốn đầu tư kinh doanh”, Ngân hàng hướng đến cung cấp giải pháp tín dụng trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi, bao gồm: Gói vay lãi suất 6,85%/năm, cố định 12 tháng; Gói vay lãi suất 7,15%/năm, cố định 24 tháng; Gói vay lãi suất 7,25%/năm, cố định 36 tháng tính trên dư nợ thực tế.

Ưu điểm nổi bật của sản phẩm là hạn mức cho vay lên đến 80% nhu cầu vốn, thời gian trả nợ lên đến 15 năm, giúp khách hàng chủ động và giảm áp lực trả nợ khi thực hiện phương án kinh doanh. Phí trả nợ trước hạn cũng được miễn hoàn toàn từ năm thứ 3 trở đi.

SeABank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 22.690 tỷ đồng

Ngày 21/4/2022, ĐHCĐ của SeABank đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có kế hoạch kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận đạt 4.866,6 tỷ đồng, phương án tăng vốn điều lệ lên 22.690 tỷ đồng.

Theo kế hoạch kinh doanh 2022 được ĐHĐCĐ thông qua, SeABank đặt mục tiêu: Tổng tài sản dự kiến tăng trưởng 10%; Huy động dự kiến tăng trưởng ròng 22.000 tỷ đồng tương ứng tăng 16% so với năm 2021; tỷ lệ tăng trưởng tín dụng dự kiến tối đa 17%, phụ thuộc vào chấp thuận của NHNNVN, tương đương tăng trưởng ròng 24.000 tỷ đồng so với năm 2021. Năm 2022 Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 4.866,6 tỷ đồng và Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Theo đó kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng sẽ được SeABank thông qua các hình thức: Phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, Phát hành cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn dành cho CBNV của SeABank năm 2022 (ESOP 2022) và Phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Cụ thể, SeABank dự kiến phát hành 321.100.000 cổ phiếu phổ thông mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó 211.400.000 cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 12,7%) để trả cổ tức năm 2021 và phát hành 109.700.000 cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6,6%) cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Như vậy mỗi cổ đông SSB sẽ được nhận cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tổng tỷ lệ gần 20%.

Với phương án phát hành ESOP 2022, Ngân hàng dự kiến phát hành 59.400.000 cổ phiếu cho CBNV. Ngoài ra, tùy theo điều kiện phù hợp với mục tiêu đề ra, SeABank dự kiến chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc chào bán cho cổ đông hiện hữu 228.700.000 cổ phiếu.

Nguồn: Ngân hàng Shinhan ra mắt gói vay vốn cho cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ

Kim Anh

kinhtexaydung.petrotimes.vn