Tin ngân hàng ngày 28/9: NHNN tiếp tục hút ròng hơn 57.000 tỷ đồng

19:07 | 28/09/2022

|
ABBank thông tin về việc bán ngoại tệ cho khách hàng "tuồn ra chợ đen"; Tăng cường hiệu quả trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; BIDV triển khai dịch vụ rút tiền QR cho khách hàng Hana Bank… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 27/9: VietinBank siết nợ Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia LaiTin ngân hàng ngày 27/9: VietinBank siết nợ Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai
Tin ngân hàng ngày 26/9: Cảnh báo những tên miền mạo danh ngân hàngTin ngân hàng ngày 26/9: Cảnh báo những tên miền mạo danh ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng hơn 57.000 tỷ đồng

Mới đây, Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, trong tuần trước (19/09 - 23/09/2022), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục sử dụng các công cụ hoạt động thị trường mở nhằm duy trì thanh khoản trên hệ thống ở mức vừa đủ và gián tiếp tác động lên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.

Tin ngân hàng ngày 28/9: NHNN tiếp tục hút ròng hơn 57.000 tỷ đồng
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, NHNN đã phát hành 73,8 nghìn tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, tăng 65,5% so với tuần trước. Lãi suất phát hành đạt 4,5% (tăng 50 điểm cơ bản so với tuần trước) trong 4 ngày đầu tuần và tăng lên 5,0% vào phiên giao dịch thứ 6. Nghiệp vụ mua kì hạn 7 ngày cũng được sử dụng đều đặn với khối lượng trung bình hàng ngày đạt 1 nghìn tỷ đồng và lãi suất cũng được điều chỉnh tăng dần và kết tuần đạt 5,5% (tăng 90 điểm cơ bản).

Kết tuần, NHNN đã hút ròng tổng cộng 34,6 nghìn tỷ đồng thông qua kênh hoạt động thị trường mở và khoảng hơn 23 nghìn tỷ đồng thông qua kênh bán ngoại tệ.

Trước đó, tuần 12-16/9, NHNN cũng đã hút ròng tổng cộng 59,6 nghìn tỷ đồng thông qua kênh hoạt động thị trường mở.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tuần qua tăng 40 điểm cơ bản lên 4,9% và kỳ hạn 1 tuần - 1 tháng lên vùng 5,2% - 5,6%. SSI cho rằng NHNN sẽ duy trì thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND ở vùng 5,0 - 5,5%, để tạo mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.

NHNN thông báo tăng một số lãi suất điều hành, sau gần 11 năm kể từ lần tăng gần nhất, trong đó đáng chú ý nhất là việc tăng 100 điểm cơ bản cho một số lãi suất như lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn và trần lãi suất huy động dưới 6 tháng.

Với mức điều chỉnh kể trên, lãi suất điều hành đã về lại mức tương đương tháng 3/2020 và thấp hơn 50 điểm cơ bản so với thời điểm trước Covid (ngoại trừ trần lãi suất huy động dưới 6 tháng). Động thái này diễn ra ngay sau khi Fed nâng lãi suất điều hành trong kỳ họp tháng 9 và tương đồng với xu hướng của các NHTW khác sau quyết định của Fed.

ABBank thông tin về việc bán ngoại tệ cho khách hàng "tuồn ra chợ đen"

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa có thông cáo liên quan đến phản ánh báo chí về việc cán bộ nhân viên ngân hàng này tư vấn, hỗ trợ bán ngoại tệ (tiền USD) cho nhóm khách hàng chuyên mua gom USD trong các ngân hàng thương mại rồi bán ra thị trường chợ đen.

ABBank cho biết, sau khi ghi nhận phản ánh từ báo chí, ngân hàng đã lập tức kiểm tra, rà soát lại công tác mua, bán ngoại tệ cho khách hàng cá nhân trên toàn hệ thống.

Ngân hàng nhấn mạnh, đối với quy trình về mua, bán ngoại tệ tiền mặt đối với khách hàng cá nhân, ABBank đã ban hành và áp dụng các quy định, quy trình về mua ngoại tệ tiền mặt phục vụ nhu cầu của khách hàng cá nhân cho các mục đích như chữa bệnh; du học; du lịch, công tác, hội nghị… theo đúng nguyên tắc và quy định của Pháp lệnh ngoại hối, Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý.

Đối với việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt tại các đơn vị kinh doanh của ngân hàng, ABBank cho biết, tới thời điểm hiện tại, ngân hàng xác định công tác mua, bán ngoại tệ tiền mặt phục vụ nhu cầu của khách hàng cá nhân được các đơn vị kinh doanh thực hiện theo đúng quy định, quy trình của ngân hàng.

Đối với phát ngôn của Cán bộ nhân viên (CBVN) trong loạt phóng sự, ABBank cho biết, một số CBNV xuất hiện trong phản ánh đã phát ngôn, chia sẻ thông tin không chính xác so với định hướng hoạt động của ngân hàng, chưa thể hiện hình ảnh chuẩn mực, chuyên nghiệp của CBNV ngân hàng khi tư vấn cho khách hàng về các hoạt động nghiệp vụ.

ABBank cho biết thêm, ngân hàng đã có kiểm tra, đánh giá và sẽ có xử lý nghiêm những vi phạm đối với các cá nhân, đơn vị chưa có giám sát, thực hiện đúng chuẩn mực theo quy định của ngân hàng. Mặt khác, ngân hàng cũng tiến hành rà soát, kiểm tra công tác đào tạo nội bộ, các văn bản hướng dẫn CBNV trong hoạt động giao dịch, tiếp xúc khách hàng để đảm bảo việc phục vụ khách hàng chuẩn mực, đảm bảo lợi ích cao nhất cho khách hàng.

Trước đó, theo thông tin của báo chí, một số đối tượng đã thực hiện hành vi trục lợi khi gom đôla Mỹ (USD) trong ngân hàng thương mại, bán ra thị trường chợ đen nhằm ăn chênh lệch tỉ giá. Trong đó, nhân viên ngân hàng ABBank được phản ánh dù biết các trường hợp tạo hồ sơ “xuất cảnh giả” để mua USD từ ngân hàng để bán ra chợ đen ăn chênh nhưng vẫn thực hiện thủ tục để bán USD cho những người này.

Tăng cường hiệu quả trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng

Mới đây, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức Tọa đàm với chuyên gia WB về mô hình Khung đánh giá rủi ro giai đoạn 1 (RAM1) và kết quả kiểm thử tại một số ngân hàng thương mại.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng” (Dự án BSSD) năm 2022 đã được Thống đốc NHNN phê duyệt; đồng thời là hoạt động tiếp nối của buổi “Tọa đàm nội bộ về Mô hình RAM1 và kết quả thử nghiệm tại 3 ngân hàng” được tổ chức ngày 27 - 28/7/2022 tại Hạ Long, Quảng Ninh.

Tại buổi tọa đàm, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Cơ quan TTGSNH) đã trao đổi cởi mở và chi tiết với chuyên gia của WB về mô hình RAM1 được chuyển giao trong khuôn khổ các hỗ trợ về thanh tra, giám sát rủi ro, Hợp phần 2, cụ thể:

(i) Kết quả trao đổi nội bộ của Cơ quan TTGSNH về Mô hình RAM1 và Kết quả thử nghiệm tại 03 ngân hàng trong khuôn khổ buổi tọa đàm nội bộ về RAM1 đã tổ chức tại Quảng Ninh;

(ii) Kết quả thử nghiệm bổ sung tại 2 ngân hàng khác (ngoài 3 ngân hàng đã được thử nghiệm trong khuôn khổ giai đoạn 1 của RAM1);

(iii) Tổng quan về Thông tư 08/2022/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng. Từ đó, các đơn vị tham gia đã đưa ra được nhận định về tính khả thi trong việc ứng dụng RAM1 vào thực tiễn hoạt động thanh tra, giám sát hiện tại.

Đây là một trong những hoạt động được lãnh đạo Cơ quan TTGSNH nói riêng và NHNN nói chung đặc biệt quan tâm chỉ đạo nhằm đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng theo hướng vừa kết hợp thanh tra toàn diện pháp nhân, thanh tra chuyên đề, từng bước kết hợp và áp dụng phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro, vừa theo hướng tập trung hiệu quả nguồn lực thanh tra vào các đối tượng, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh sai phạm.

BIDV triển khai dịch vụ rút tiền QR cho khách hàng Hana Bank

Trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Hana Hàn Quốc (Hana Bank), BIDV đã đẩy mạnh triển khai cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng nhằm đa dạng hóa hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ và gia tăng tiện ích dành cho khách hàng của Hana Bank.

Tin ngân hàng ngày 28/9: NHNN tiếp tục hút ròng hơn 57.000 tỷ đồng
BIDV triển khai dịch vụ rút tiền QR cho khách hàng Hana Bank/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ngày 27/9/2022, BIDV chính thức triển khai dịch vụ rút tiền QR trên ATM qua mobile app Hana Bank. Dịch vụ này cho phép khách hàng sử dụng ví điện tử thuộc hệ sinh thái ứng dụng điện thoại Hana Bank/GLN để quét mã QR và thực hiện giao dịch rút tiền mặt trên các máy ATM BIDV. Từ nay, khi đi công tác hay du lịch tại Việt Nam, khách hàng của Hana Bank trên toàn cầu không cần mang nhiều tiền mặt theo người, giảm thiểu rủi ro thất lạc trong quá trình di chuyển.

Hiện BIDV là ngân hàng duy nhất trên thị trường Việt Nam triển khai dịch vụ rút tiền QR trên ATM qua mobile app Hana Bank, gia tăng tiện ích dành cho đông đảo khách hàng của ngân hàng này khi đến Việt Nam.

Dịch vụ rút tiền hiện đại, tiện lợi và liên thông giữa 2 hệ thống ngân hàng mang lại nhiều lợi ích đối với khách hàng. Khi rút tiền tại ATM BIDV, giao dịch trực tiếp quy đổi trừ tiền từ ví điện tử Hana Bank/GLN của khách hàng. Giao dịch được thực hiện hoàn toàn tự động, đơn giản, nhanh chóng với chi phí sử dụng dịch vụ thấp hơn so với các phương thức rút tiền khác cho khách hàng nước ngoài. Với mạng lưới 1.600 máy ATM BIDV rộng khắp toàn quốc, khách hàng hoàn toàn dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ.

Hana Bank là đơn vị thành viên của Hana Financial Group (Hàn Quốc) - một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất châu Á. Hana Bank có mạng lưới hoạt động rộng lớn với 752 chi nhánh tại Hàn Quốc và 176 chi nhánh tại 24 quốc gia...

Ngày 11/11/2019, BIDV và Hana Bank chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và công bố Hana Bank là cổ đông chiến lược nước ngoài, sở hữu 15% vốn điều lệ của BIDV.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 28/9: NHNN tiếp tục hút ròng hơn 57.000 tỷ đồng

Huy Tùng (T/h)

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/