Tin ngân hàng ngày 7/7: 6 tháng đầu năm, hơn 125.300 tỉ đồng được “bơm” ra nền kinh tế

13:25 | 07/07/2022

|
Việt Nam sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm mỗi quý từ nay đến quý 3/2023; Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trở lại; Lợi nhuận 6 tháng đầu năm TPBank đạt 3,788 tỉ đồng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 6/7: NHNN bãi bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật từ 15/8Tin ngân hàng ngày 6/7: NHNN bãi bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật từ 15/8
Tin ngân hàng ngày 5/7: Techcombank được tăng vốn điều lệ thêm 63,2 tỷ đồngTin ngân hàng ngày 5/7: Techcombank được tăng vốn điều lệ thêm 63,2 tỷ đồng

6 tháng đầu năm, hơn 125.300 tỉ đồng được “bơm” ra nền kinh tế

Chiều ngày 6/7, tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến hết ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỉ, tăng 9,35% so với cuối năm 2021 và cao hơn cùng kỳ năm trước (6,9%). Huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỉ đồng, tăng 4,51% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm trước chỉ tăng 4,09%). Tín dụng tập trung cho lĩnh vực kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng vào lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Cũng theo ông Tú, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ cho 709.000 tỉ đồng. Tổng số tiền miễn giảm lãi cho khách hàng đến nay đạt trên 50.000 tỉ đồng.

Tin ngân hàng ngày 7/7: 6 tháng đầu năm, hơn 125.300 tỉ đồng được “bơm” ra nền kinh tế
6 tháng đầu năm, hơn 125.300 tỉ đồng được “bơm” ra nền kinh tế

Trước đó, đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong vòng 20 ngày cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã tăng mở rộng thêm 1,2 điểm %, tương với quy mô gần 125.330 tỉ đồng.

Mức tăng trưởng trong tháng 6 là tương đương so với tháng 4 và tháng 5. Dù vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, tốc độ tăng của tín dụng đã chậm lại rõ rệt trong quý II (5,97% tới cuối tháng 3; 6,75% tới cuối tháng 4; 8,04% tới cuối tháng 5 và 9,35% vào cuối tháng 6).

Theo giới phân tích, việc các NHTM đều tiến sát tới mức ''room'' tín dụng được NHNN cấp từ đầu năm nhiều khả năng là lý do chính khiến cho khả năng cho vay thêm của các NHTM giảm xuống, làm tăng trưởng tín dụng chững lại, đồng thời kéo theo việc lãi suất liên ngân hàng tiếp tục duy trì mặt bằng thấp trong các tuần gần đây.

Trong khi SSI Research cho rằng tín dụng tăng chậm lại một phần là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn chững lại (giao dịch trái phiếu doanh nghiệp được tính trong tăng trưởng tín dụng). Một phần khác, tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng lớn đã gần chạm mức trần tín dụng mà NHNN đặt ra đầu năm, và do vậy giải ngân tín dụng mới sẽ được các ngân hàng cân nhắc hơn.

Việt Nam sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm mỗi quý từ nay đến quý 3/2023

Theo HSBC, hiện tại áp lực giá cả của Việt Nam chưa rõ ràng như những quốc gia khác trong khu vực, đà lạm phát vẫn tăng nhanh chóng. Lạm phát toàn phần tháng vừa qua tăng 0,7% so với tháng trước, tương đương với 3,4% so với năm ngoái, vượt khỏi dự báo của HSBC và thị trường. Giá xăng đầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng, đạt mức cao kỷ lục, đóng góp vào sự tăng lên của lạm phát.

Trong khi giá năng lượng cao đã là điều được dự đoán từ trước, bất ngờ lớn nhất là lạm phát lương thực, tăng 0,8% so với tháng trước. Điều này phần lớn phản ánh tác động mạnh mẽ của chi phí năng lượng leo thang đối với lạm phát lương thực. Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đã bắt đầu lan rộng. Lần đầu tiên trong gần 2 năm, lạm phát cơ bản đã hồi phục ở mức 2% so với cùng kỳ năm trước, khi nhu cầu trong nước tiếp tục tăng.

Do giá dầu thế giới tăng, các chuyên gia cho rằng áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Bộ phận phân tích HSBC dự báo rằng lạm phát năm 2022 sẽ ở mức trung bình 3.5%, thấp hơn mức trần 4% do Ngân hàng Nhà nước (SBV) đặt ra, áp lực giá sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2022. Dựa vào các dự báo, lạm phát sẽ có thể vượt qua mức 4% kể từ quý 4/2022 đến quý 2/2023, đòi hỏi SBV cần bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ. Theo dự báo của tổ chức này, SBV có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất 50 điểm cơ bản từ quý 3/2022, và tăng thêm 50 điểm mỗi quý cho đến quý 3/2023. Như vậy, đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành có thể lên đến 6,5%.

Dự báo về tăng trưởng nền kinh tế, các chuyên gia cũng nhận định Việt Nam có vài điểm sáng để có thể tự vệ với những rủi ro bên ngoài. Việc mở cửa hồi phục nền kinh tế sau dịch đã giúp Việt Nam ghi nhận những kết quả tích cực ở các lĩnh vực như du lịch, bán lẻ tiêu dùng, xuất nhập khẩu… Đặc biệt, nguồn vốn FDI vào Việt Nam vẫn ổn định, tạo điểm tựa cho cán cân cơ bản.

Tăng trưởng GDP quý 2/2022 chạm mốc 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dễ dàng vượt xa những kỳ vọng của thị trường (HSBC: 5,8%, Các tổ chức nghiên cứu: 5,9%). Đây cũng là mức tăng trưởng GDP theo quý cao nhất mà Việt Nam từng đạt được kể từ năm 2011, nhờ vào phục hồi kinh tế mạnh mẽ trên diện rộng ở các lĩnh vực.

Mặc dù Việt Nam được hưởng lợi từ việc tái mở cửa nền kinh tế, và nhu cầu trong nước đang quay trở lại, nhưng các chuyên gia cho rằng cần phải thận trọng với những rủi ro tăng cao đối với sự tăng trưởng, nhất là rủi ro từ giá năng lượng leo thang. HBSC dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 lên 6,9%, nhưng giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống mức 6,3%.

Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trở lại

Theo dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tính từ đầu năm đến cuối tháng 6 giảm tới 30% so với cùng kỳ. Hai tháng qua, nhóm ngân hàng gần như "độc chiếm" kênh huy động vốn này.

Tháng 5, doanh nghiệp bất động sản bắt đầu quay trở lại thị trường, nhưng ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với hơn 14.600 tỉ đồng, chiếm gần 61% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản xếp ở vị trí thứ 2 khi phát hành trên 6.800 tỉ đồng trái phiếu, tương đương hơn 28% tổng giá trị phát hành.

Tính từ đầu năm đến ngày 24/6, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng đạt 8.996 tỉ đồng, giảm 6,14%, chiếm khoảng 6% tổng giá trị phát hành; giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 143.389 tỉ đồng, giảm gần 30%, chiếm 94% tổng giá trị phát hành.

Đại diện Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được giao chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chính phủ liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trong năm 2021 với tổng số tiền lên đến hơn 100.000 tỉ đồng. Lãi vay trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm.

Chuyên gia cho rằng, lý do các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản chọn lựa kênh huy động vốn vay trái phiếu doanh nghiệp vì đây là kênh có thể huy động vốn lớn để làm dự án và lãi vay tính ra vẫn rẻ hơn lãi vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại.

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của TPBank đạt 3,788 tỉ đồng

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt trội. Sự bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận quý 2 đạt gần 2,200 tỉ đồng, tăng gần 600 tỉ, tương ứng tăng gần 34% so với quý 1 đã đưa lợi nhuận lũy kế đến 30/6/2022 của TPBank đạt 3,788 tỉ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước.

Tin ngân hàng ngày 7/7: 6 tháng đầu năm, hơn 125.300 tỉ đồng được “bơm” ra nền kinh tế
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm TPBank đạt 3,788 tỉ đồng

Kết thúc 30/6/2022, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 310 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành gần 89% kế hoạch mục tiêu. Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng trong kỳ của ngân hàng cho thấy TPBank không tập trung quá nhiều vào tín dụng mà có sự gia tăng lợi nhuận ở hoạt động dịch vụ và phi tín dụng.

Tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 8,165 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ dịch vụ đạt 1,192 tỉ đồng, tăng 71.56% so với cùng kỳ nhờ đẩy mạnh hoạt động phát hành thẻ, mở tài khoản, bán chéo bảo hiểm và hoạt động thanh toán. Thu nhập lãi thuần từ dịch vụ chiếm tới 14.6% tổng thu nhập, tăng gần 3.5% so với thời điểm 30/6/2021.

Là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam hiện đang áp dụng theo chuẩn Basel III, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản được ngân hàng quản lý rất chặt chẽ. Theo đó, tỉ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) tại 31/5/2022 đạt 13.1%, cao hơn nhiều so với quy định tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước. tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ ở mức dưới 1% phản ánh chất lượng tín dụng và chất lượng tài sản an toàn của TPBank, với danh mục tín dụng được đa dạng hóa, giảm thiểu rủi ro tập trung, đặc biệt trước tác động của đại dịch Covid-19.

TPBank đã điều tiết nhu cầu tăng trưởng huy động theo nhu cầu sử dụng vốn của ngân hàng để đạt được hiệu quả tốt nhất. Tổng huy động đạt trên 276 nghìn tỉ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ tương đương hơn 58 nghìn tỉ đồng và hoàn thành hơn 94% so với kế hoạch, chủ yếu tập trung vào khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Theo báo cáo phân tích gần đây của công ty Chứng khoán Vietcombank: “Chiến lược tập trung vào nhóm khách hàng trẻ giúp TPBank tăng trưởng CASA, bệ đỡ duy trì chi phí huy động trong áp lực lãi suất huy động có kì hạn tăng nhẹ. Trong giai đoạn 2015-2021, TPBank chứng kiến CASA tăng trưởng gấp bốn lần, từ gần 7,500 tỉ đồng lên gần 31,000 tỉ đồng”.

Tính đến hết 30/6, TPBank tăng thêm gần 1.5 triệu khách hàng mới, tương đương tăng trưởng 25% so với cuối năm 2021, nâng tổng số khách hàng của TPBank đang phục vụ lên hơn 6 triệu khách hàng.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 7/7: 6 tháng đầu năm, hơn 125.300 tỉ đồng được “bơm” ra nền kinh tế

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn