Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Lãi suất liên ngân hàng lập đỉnh 10 năm

14:27 | 11/09/2022

|
Ông Phạm Huy Thông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV GPBank; Không "đẻ" thêm giấy phép con để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2%; Moody’s nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2; VietinBank rao bán nhiều khoản nợ hàng trăm tỷ… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật trong tuần qua.
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: NHNN có thể phải mở room tín dụng lên mức 16%Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: NHNN có thể phải mở room tín dụng lên mức 16%
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Người dân gửi thêm hơn 300 nghìn tỷ đồng vào ngân hàngTin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Người dân gửi thêm hơn 300 nghìn tỷ đồng vào ngân hàng

Lãi suất liên ngân hàng lập đỉnh 10 năm

Cụ thể, trong phiên 7/9, khoản vay qua đêm giữa các ngân hàng thương mại đã ghi nhận lãi suất bình quân lên tới 6,88%/năm, cao hơn 1,17 điểm % so với phiên liền trước. Do đây chỉ là mức lãi suất bình quân nên trên thực tế, sẽ có những khoản vay chéo giữa các nhà băng có lãi suất cao hơn mức này.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Lãi suất liên ngân hàng lập đỉnh 10 năm
Lãi suất liên ngân hàng lập đỉnh 10 năm/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Nếu so với trung tuần tháng 8, lãi suất cho vay qua đêm đã tăng gần 3,5 lần. Tương tự, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần giữa các nhà băng trong phiên 7/9 cũng tăng vọt lên mức 6,83%/năm, cao hơn 1,2 điểm % so với phiên liền trước.

Đáng chú ý, mức lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm kể trên thậm chí còn cao hơn lãi suất huy động bình quân kỳ hạn trên 24 tháng ở thị trường 1 (ngân hàng với cư dân).

Cụ thể, theo NHNN, lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại hiện phổ biến ở mức 3,3-3,7%/năm với tiền gửi kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng; 5,1-6%/năm với kỳ hạn 6-12 tháng; 5,4-6,6%/năm với kỳ hạn trên 12 đến 24 tháng và 6,3-6,7%/năm với kỳ hạn trên 24 tháng.

Trên thị trường, hiện chỉ có khoảng 5-7 ngân hàng đưa ra mức lãi suất tiền gửi cá nhân cao hơn 6,88%/năm. Như vậy, số liệu kể trên cho thấy các ngân hàng thương mại trong phiên 7/9 đã phải đi vay qua đêm với lãi suất cao hơn cả lãi huy động kỳ hạn trên 24 tháng.

Trong khi lãi suất cho vay qua đêm và một tuần tăng mạnh, lãi suất cho vay 2 tuần và một tháng chỉ tăng nhẹ lên 5,85%/năm (+0,17%) và 6,3%/năm (+0,78%).

Với việc đường cong lãi suất đảo chiều (lãi vay ngắn hạn cao hơn dài hạn), phần lớn giao dịch vay chéo giữa các nhà băng kể trên đều là để đáp ứng nhu cầu thanh khoản ngắn hạn.

Cũng theo số liệu của NHNN, trước áp lực thanh khoản lớn từ các ngân hàng thương mại, trong phiên 7/9, cơ quan quản lý tiền tệ đã bơm ròng hơn 28.720 tỷ đồng ra thị trường thông qua việc mua kỳ hạn tín phiếu 7 ngày và 14 ngày. Đây là khối lượng tiền VNĐ được NHNN bơm ra trong một phiên cao nhất kể từ đầu năm 2019 đến nay.

Tính từ đầu tuần này (5/9), NHNN đã thực hiện bơm gần 65.000 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ mua tín phiếu trên thị trường mở.

Ông Phạm Huy Thông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV GPBank

Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) mới đây đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Phạm Huy Thông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) của ngân hàng.

Đồng thời, nhà băng này cũng công bố các quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cấp cao đối với ông Hồ Hữu Minh giữ chức vụ Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc GPBank, ông Nguyễn Quang Trung giữ chức vụ Thành viên HĐTV GPBank, bà Nguyễn Thị Hương giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc GPBank. Thời hạn giữ chức vụ được bổ nhiệm nêu trên là 5 năm, kể từ ngày 7/9/2022.

Tân Chủ tịch GPBank Phạm Huy Thông sinh năm 1979, có trình độ thạc sỹ quản trị kinh doanh. Trước khi trở thành lãnh đạo GPBank, ông Thông công tác tại VietinBank và đảm nhiệm nhiều vị trí tại nhà băng này như: Phó Giám đốc, Giám đốc Chi nhánh TP Hà Nội; Phó Tổng Giám đốc. Giai đoạn từ tháng 9/2013-5/2014, ông là người được ủy quyền công bố thông tin của VietinBank.

Đến tháng 7/2015, sau khi GPBank được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, ông Phạm Huy Thông được điều động và bổ nhiệm giữ chức thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc GPBank cho đến khi có quyết định mới.

Tân Tổng Giám đốc Hồ Hữu Minh cũng là một nhân sự cũ của VietinBank. Ông làm Giám đốc chi nhánh Bắc Kạn, Phó phòng Phê duyệt tín dụng trụ sở chính của nhà băng này trước khi chuyển sang GPBank.

GPBank là một trong 4 ngân hàng yếu kém bị chuyển giao bắt buộc giá 0 đồng. Hiện chưa có thông tin về đơn vị sẽ nhận chuyển nhượng ngân hàng này.

Ngày18/7, PGBank đã nhận được công văn về việc chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của cổ đông lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex tại ngân hàng thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán. Thời gian đấu giá dự kiến diễn ra vào quý III năm nay.

Tại PGBank, Petrolimex là cổ đông lớn nhất của PGBank với tỉ lệ sở hữu 40%, tương ứng 120 triệu cổ phiếu.

Không "đẻ" thêm giấy phép con để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2%

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành văn bản về đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Lãi suất liên ngân hàng lập đỉnh 10 năm
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo văn bản, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát danh sách các khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, có khoản vay ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 và có phát sinh thời điểm trả nợ từ ngày 20/5/2022 để nắm bắt nhu cầu được hỗ trợ; thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.

"Rà soát lại các quy định, hướng dẫn nội bộ để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định; không ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất; không để xảy ra trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất", NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại.

NHNN cũng nhấn mạnh cần quán triệt tới từng chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống về việc xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời triển khai thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, NHNN yêu cầu theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Chủ động giải đáp, xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền tại địa bàn và kịp thời báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước các vấn đề vượt thẩm quyền.

"Thành lập và công bố ngay đường dây nóng (số điện thoại, email) tại Chi nhánh để tiếp nhận các phản ánh chính sách và xử lý nghiêm các trường hợp trốn tránh, từ chối hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng thuộc đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất...", NHNN nhấn mạnh.

Moody’s nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2

Theo Moody’s, kết quả tài chính của các ngân hàng Việt Nam đã diễn biến tích cực trong năm 2021 bất chấp ảnh hưởng từ sự bùng phát của dịch bệnh. Doanh thu tăng đáng kể khi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tiếp tục mở rộng, điều này dẫn đến tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) gia tăng dù phải đẩy mạnh dự phòng rủi ro cho vay. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ có vấn đề giảm nhờ các biện pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lý, trong khi sức khỏe nguồn vốn được cải thiện.

Hãng xếp hạng này cho biết, ROA bình quân của các ngân hàng được xếp hạng đã tăng lên 1,4% vào năm 2021 từ mức 1,2% trong năm 2020 nhờ thu nhập lãi thuần gia tăng. Trong đó, NIM mở rộng nhờ chi phí huy động giảm trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào và đẩy mạnh thu hút tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm lãi suất thấp.

Moody’s dự báo ROA của các ngân hàng được xếp hạng sẽ tiếp tục tăng trong 2022 khi áp lực dự phòng rủi ro giảm dần.

Cụ thể, tỷ lệ nợ có vấn đề/tổng dư nợ cho vay tại các ngân hàng được xếp hạng đã giảm xuống 1,7% vào cuối năm 2021 từ mức 1,9% một năm trước đó. Số liệu của đơn vị này cho thấy, ba ngân hàng có chi phí tín dụng thấp nhất hệ thống trong hai năm gần nhất là LienVietPostBank, ACB, VIB. Moody’s dự báo tỷ lệ nợ có vấn đề sẽ ổn định và áp lực dự phòng tại các ngân hàng sẽ giảm trong năm 2022 do hầu hết có đủ bộ đệm rủi ro.

Việc nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia là cơ sở để Moody’s thực hiện các động thái tương tương tự đối với các tổ chức kinh tế trong nước, đặc biệt là các ngân hàng thương mại. Điều này sẽ giúp nâng cao uy tín và hỗ trợ hoạt động huy động vốn nước ngoài của các nhà băng.

Được biết, xu hướng vay vốn trên thị trường quốc tế đang được nhiều ngân hàng đẩy mạnh trong thời gian gần đây.

Mới nhất, Techcombank đã huy động được hơn 1 tỷ USD khoản vay hợp vốn từ nước ngoài trong tháng 7. Trước đó, ngân hàng này cũng đã tiếp cận thị trường cho vay hợp vốn quốc tế vào tháng 10 năm ngoái, với khoản vay trị giá 800 triệu USD.

Hồi giữa tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) cho biết đã phê duyệt khoản vay có giá trị lên tới 200 triệu USD cho SeABank. Vào tháng 4, VPBank cũng thông báo đã rút vốn thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá 600 triệu USD, kỳ hạn 3 năm.

Theo giới phân tích, các khoản vay quốc tế không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vốn mà còn hỗ trợ các ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung và dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ ngày càng cao của khách hàng. Qua đó giúp các nhà băng có đà tăng tốc hơn trong quý cuối của năm 2022 và những năm tới.

VietinBank rao bán nhiều khoản nợ hàng trăm tỷ

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) liên tục thông báo thực hiện bán hoặc chuyển nhượng các khoản nợ của một số doanh nghiệp và thanh lý tài sản để xử lý dư nợ tồn đọng.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Lãi suất liên ngân hàng lập đỉnh 10 năm
VietinBank rao bán nhiều khoản nợ hàng trăm tỷ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, tại Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư Tân Hương, giá trị khoản nợ của công ty là 327,1 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 99 tỷ đồng, lãi quá hạn là 170,2 tỷ đồng và lãi phạt quá hạn là 57,7 tỷ đồng. Giá khởi điểm của khoản nợ được rao bán là 133 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là toàn bộ hệ thống nhà xưởng, vật kiến trúc được xây dựng trên diện tích 23.164 m2 đất thuê và toàn bộ vật kiến trúc xây dựng trên xây dựng trên diện tích 2.557 m2 đất thuê tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.

Ngoài ra còn có một cầu trục lăn hai dầm và một máy xúc đào bánh lốp, hàng hóa sắt thép các loại cùng với 6 quyền sử dụng đất tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.

Trước đó, VietinBank cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Giấy BPP (được đổi tên từ CTCP Giấy Bãi Bằng) cũng được VietinBank bán đấu giá khoản nợ. Tổng dư nợ gốc và lãi tính đến ngày 30/6 là 389,2 tỷ đồng, trong đó dự nợ gốc là 212,5 tỷ đồng, lãi vay trong hạn là 154,7 tỷ đồng và lãi phạt quá hạn là 21,8 tỷ đồng

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ bao gồm toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị và các hạng mục khác phục vụ sản xuất giấy in, viết của dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy in, viết công suất 50.000 tấn/năm của CTCP Giấy BPP được đầu tư xây dựng, lắp đặt trên đất của hai quyền sử dụng đất có diện tích 31.867 m2 và toàn bộ nhà xưởng và vật kiến trúc khác được xây dựng trên đất của Quyền sử dụng đất có diện tích 18.945 m2.

Ngoài ra tài sản bảo đảm còn có dây chuyền thiết bị tẩy trắng bột tre công suất 10.000 tấn/năm, hệ thống thiết bị xeo, hệ thống máy khuấy bột, máy biến áp 1.500KVA, hệ thống cân điện tử và 5 phương tiện vận tải gồm một xe ô tô con, hai xe Volvo 642, một xe ô tô tải và một xe nâng hàng.

Công ty cổ phần Giấy BPP có địa chỉ tại khu Tầm Vông, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Công ty cổ phần Giấy BPP là một thành viên của Tổng công ty giấy Việt Nam (Vinapaco), ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT hiện đang là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Nguồn: Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Lãi suất liên ngân hàng lập đỉnh 10 năm

Huy Tùng (T/h)

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/