Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tín dụng khó vào bất động sản, chứng khoán

17:21 | 01/01/2023

|
Ngân hàng kiến nghị khơi thông thị trường vốn, sớm cấp room tín dụng; NHNN sửa đổi, bổ sung một số thủ tục hành chính lĩnh vực tiền tệ; BIC chi trả hơn 2,2 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng vay vốn tại BIDV Tây Sài Gòn… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệmTin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tiền gửi dân cư tiếp tục Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tiền gửi dân cư tiếp tục "chảy" mạnh vào ngân hàng

Tín dụng khó vào bất động sản, chứng khoán

Ngân hàng Nhà nước vừa có Văn bản số 9064/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung về tín dụng, lãi suất.

Ngân hàng kiến nghị khơi thông thị trường vốn, sớm cấp room tín dụng; NHNN sửa đổi, bổ sung một số thủ tục hành chính lĩnh vực tiền tệ; BIC chi trả hơ
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong Văn bản số 9064/NHNN-TD, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện một số nội dung cụ thể, như chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro kỳ hạn; tập trung cấp tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt...

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản, trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...

Được biết, đến cuối tháng 11/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 12,2%. Như vậy, room tín dụng theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm, sẽ có khoảng 3,8% room tín dụng. Đây là dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cấp vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế, song thực tế, nguồn tín dụng chỉ được “nắn” vào lĩnh vực ưu tiên và với tình hình hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện.

Ngân hàng kiến nghị khơi thông thị trường vốn, sớm cấp room tín dụng

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng diễn ra hôm 28/12, Hiệp hội ngân hàng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tăng vốn điều lệ cho Agribank để đảm bảo đáp ứng hệ số Car theo qui định. Với vốn điều lệ hiện nay, Agribank đã chạm ngưỡng hệ số CAR, nếu không tăng vốn điều lệ sẽ hạn chế cả hoạt động huy động vốn lẫn cho vay.

Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giao dịch điện tử… nhằm tạo cơ chế pháp lý thống nhất, đồng bộ, giúp các tổ chức tín dụng cho vay an toàn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, chỉ đạo các Bộ ngành xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh phù hợp với thực tiễn để thị trường vốn hoạt động ổn định, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công, thực hiện hài hoà chính sách tiền tệ và tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn. Tránh để thị trường tiền tệ phải chịu áp lực về ngắn hạn cũng như vốn trung và dài hạn trong bối cảnh đến tháng 10/2023 phải đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho trung dài hạn về tỷ lệ 30%.

Với NHNN, Hiệp hội ngân hàng đề nghị NHNN phân bổ chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm để các TCTD có kế hoạch xây dựng kế hoạch kinh doanh thông qua Đại hội cổ đông vào tháng 4 hàng năm.

Bên cạnh đó, cần xem xét điều chỉnh một số quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng.

Ngoài ra, Hiệp hội ngân hàng và các ngân hàng thương mại cũng đề nghị NHNN xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động ngân hàng số, xác thực khách hàng điện tử - eKYC, cho vay theo phương thức điện tử, theo đó việc phê duyệt tín dụng thông qua các hệ thống phần mềm, số hóa, dưới các hình thức giao dịch điện tử sau khi luật giao dịch điện tử được thông qua.

Đồng thời, khẩn trương sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng theo hướng tăng tính tự chủ, phù hợp hơn với chuẩn mực, thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động hiện nay của các tổ chức tín dụng, bổ sung thêm 1 chương về nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo nói chung và tài sản đẩm bảo nợ xấu nói riêng và sớm trình chính phủ trình quốc hôi thông qua đúng thời điểm nghị quyết 42 hết hiệu lực.

NHNN sửa đổi, bổ sung một số thủ tục hành chính lĩnh vực tiền tệ

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, lĩnh vực hoạt động tiền tệ, quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 thực hiện tại bộ phận "một cửa" thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN Việt Nam.

Ngân hàng kiến nghị khơi thông thị trường vốn, sớm cấp room tín dụng; NHNN sửa đổi, bổ sung một số thủ tục hành chính lĩnh vực tiền tệ; BIC chi trả hơ
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, các thủ tục hành chính thực hiện tại NHNN Việt Nam (sở giao dịch) được được sửa đổi, bổ sung bao gồm:

“Thủ tục mở tài khoản lưu ký giấy tờ có giá đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác theo quyết định của Thống đốc NHNN”.

“Thủ tục đóng tài khoản lưu ký giấy tờ có giá đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác theo quyết định của Thống đốc NHNN”.

Các thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung nêu trên thuộc hoạt động lĩnh vực tiền tệ và được thực hiện theo quy định của Thông tư số 16/2022/TT-NHNN ngày 30/11/2022 quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại NHNN.

Quyết định 2160/QĐ-NHNN nêu trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/01/2023 và bãi bỏ Quyết định số 1065/QĐ-NHNN ngày 19/5/2016 của Thống đốc NHNN về việc công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của NHNN.

Hiện tại, NHNN cũng đang soạn thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của thông tư quy định về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Việc sửa đổi này để phù hợp với Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành./.

BIC chi trả hơn 2,2 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng vay vốn tại BIDV Tây Sài Gòn

Ông N.T.T vay vốn tại BIDV Tây Sài Gòn với mục đích vay kinh doanh. Được sự tư vấn của cán bộ tín dụng, ông N.T.T đã tham gia sản phẩm bảo hiểm người vay vốn - BIC Bình An tại Công ty Bảo hiểm BIDV Sài Gòn (BIC Sài Gòn).

Được biết, vào khoảng 17h50 ngày 22/10/2022, ông T điều khiển xe máy di chuyển trên đường vành đai trong hướng về giao lộ, không may xảy ra va chạm với xe máy khác. Sau va chạm, ông T bị chấn thương sọ não cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy và tử vong ngày 24/10/2022. Ngay khi nhận được thông báo từ gia đình ông T, BIC Sài Gòn đã gửi lời chia buồn tới gia đình khách hàng, đồng thời, gấp rút phối hợp với gia đình ông T và BIDV Tây Sài Gòn thu thập các hồ sơ liên quan để triển khai các thủ tục chi trả bồi thường theo quy định. Tổng số tiền chi trả cho gia đình ông T là 2.207.917.020 đồng (bao gồm toàn bộ dư nợ khoản vay và trợ cấp lãi vay, mai táng phí).

Sản phẩm bảo hiểm người vay vốn - BIC Bình An - là một sản phẩm chủ chốt của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) hợp tác giữa BIDV và BIC. Thành công của BIC Bình An tới từ chính ý nghĩa nhân văn của sản phẩm khi hỗ trợ thiết thực cho gia đình người vay vốn trong những thời điểm mất mát, khó khăn nhất để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, BIC Bình An cũng là một trong những công cụ quản trị rủi ro hữu hiệu, giúp ngân hàng bảo toàn được vốn vay trước các rủi ro khách hàng mất khả năng chi trả.

Nguồn:Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tín dụng khó vào bất động sản, chứng khoán

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn