Bến Tre: Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024

06:10 | 15/03/2024

|
Ngày 14-3-2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND huyện Thạnh Phú tổ chức hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm năm 2024”. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội, Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Trương Thanh Hải chủ trì hội nghị.
Bến Tre: Khởi nghiệp mô hình trồng nấm bào ngư sữaBến Tre: Khởi nghiệp mô hình trồng nấm bào ngư sữa
Bến Tre: Nuôi rắn ri voi hiệu quả kinh tế caoBến Tre: Nuôi rắn ri voi hiệu quả kinh tế cao

Chủ trì hội nghị.

Chủ trì hội nghị.

Trong năm 2023, diện tích toàn tỉnh đạt trên 36.300ha nuôi tôm nước lợ. Sản lượng đạt trên 96.600 tấn. Nhiều mô hình nuôi tôm mới được áp dụng như: Nuôi tôm kết hợp với cá rô phi, nuôi tôm trong ao lót bạt, nuôi có lưới che, nuôi trong nhà kính…, đặc biệt nhất là mô hình nuôi tôm theo hướng ưng dụng công nghệ cao (UDCNC) được đánh giá mang lại hiệu quả trong thời gian qua.

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn tỉnh sẽ phát triển 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao (CNC) đến năm 2025. Qua triển khai, mô hình nuôi tôm UDCNC trên địa bàn tỉnh chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm UDCNC trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đạt 3.110ha (Ba Tri 380ha, Bình Đại 1.551ha, Thạnh Phú 1.179ha), năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu/vụ nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sản lượng nuôi tôm UDCNC đạt 49.072 tấn chiếm 50% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh. So với nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh, năng suất tôm chân trắng đạt 12 - 15 tấn/ha, tôm sú 6-8 tấn/ha; quảng canh, tôm lúa, tôm rừng đạt 250 kg/ha.

Tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội đề nghị: Chi cục Thủy sản phối hợp các địa phương tuyên truyền doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển thêm 500ha nuôi tôm UDCNC trên địa bàn 3 huyện biển. Phối hợp với các doanh nghiệp người nuôi triển khai tốt các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và quốc tế như: BAP, ASC… để nâng cao giá trị con tôm trong bối cảnh hiện nay và tương lai, đồng thời tổ chức nhân rộng ra 3 huyện.

Người nuôi tôm ý kiến thảo luận đề xuất giải pháp tại hội nghị.

Người nuôi tôm ý kiến thảo luận đề xuất giải pháp tại hội nghị.

Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ, tư vấn, tập huấn, tuyên truyền lợi ích của việc tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất trong nuôi tôm nước lợ. Phối hợp với địa phương triển khai các chính sách liên kết sản xuất giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận để phát triển sản xuất.

Trung tâm Tư vấn và dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP, các doanh nghiệp xây dựng các mô hình nuôi tuần hoàn, biofloc, nuôi theo hướng UDCNC; nhất là các quy trình nuôi CNC quy mô nhỏ (1 - 2ha) để người nuôi tiếp cận và áp dụng vào sản xuất; tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo để chia sẻ các kinh nghiệm về nuôi tôm nước lợ một cách kịp thời và hiệu quả nhất…

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất các sở, ban, ngành cùng đồng hành với Sở quan tâm, tăng cường phối hợp với ngành nông nghiệp và UBND các huyện kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh lĩnh vực thủy sản; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và thực hiện của người dân, doanh nghiệp trong phát triển ngành tôm nước lợ như: Chính sách về vay vốn; thu hút doanh nghiệp về đầu tư hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư nhà máy chế biến tôm trên địa bàn tỉnh; thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật phát triển ngành nuôi tôm nước lợ của tỉnh…

Nguồn: Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024

Cẩm Trúc

baodongkhoi.vn