Cà Mau: Ấm tình đảo xa

13:13 | 30/01/2022

|
Sắp đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Hòn Chuối tất bật chuẩn bị đón đoàn công tác từ đất liền ra thăm. đối với lính hải đảo, mỗi chuyến thăm từ đất liền là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp các anh vững tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc.
Cà Mau: Ấm tình đảo xa
Tàu khuất xa dần nhưng tôi vẫn còn nhìn thấy cánh tay của các anh em vẫy chào.

Đảo xa vẫy gọi

Tôi được tháp tùng trong chuyến công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, do Đại tá Lương Hoàng Đông, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, làm trưởng đoàn. Hơn 2 giờ chiều, tại thị trấn Sông Đốc, con tàu mang biển số BP-19.98.01 do Hải đội 2 quản lý, chở nhu yếu phẩm, thiết bị y tế... từ từ rời bến, rẽ sóng thẳng hướng về Hòn Chuối.

Hơn 2 giờ vượt sóng, đoàn công tác đã ra tới đảo. Phía trên đảo, những cánh tay của người dân, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang giơ cao vẫy gọi. Thế nhưng, do ảnh hưởng của sóng nên tàu không ghé được ghềnh Nam, mà phải quay đầu chạy qua ghềnh Nồm tránh sóng. Những mùa đổi gió, người dân trên đảo gọi đây là “đặc sản” của đảo, vì duy nhất chỉ có Hòn Chuối người dân phải 6 tháng dời nhà 1 lần.

Hết bị sóng dập, đoàn công tác phải đối mặt với hơn 1.500 m đường núi. Con đường không rộng lắm, chỉ bằng một người đi, có anh trong đoàn bảo đây là tuyến đường do Thiếu tá Trần Bình Phục, Phó đội trưởng Đội Vận động quần chúng, tìm ra để phục vụ cán bộ, chiến sĩ thuận lợi trong việc di chuyển trợ giúp người dân.

Tình Quân – Dân

Hơn 1 giờ vượt núi, băng rừng, đoàn công tác cũng lên tới địa điểm đóng quân của cán bộ, chiến sĩ biên phòng Hòn Chuối. Đối với những cán bộ, chiến sĩ đã quen vận động, sức khoẻ dẻo dai, chuyện vượt núi này rất bình thường; còn với những người ít vận động như chúng tôi là cả vấn đề. Đón chúng tôi là Thiếu uý Lê Chấn Khang, y sĩ của đơn vị. Khang đã chuẩn bị đầy đủ, nào là trà đường, chanh nóng, cả thuốc để phòng khi có người gặp sự cố vì không quen leo núi.

Khang kể: “Cách đây chừng 2 tháng, có một anh công nhân ra đây tham gia xây dựng công trình trên đảo, cũng lên từ ghềnh Nồm này, nhưng chỉ đi được một đoạn thì anh ấy có biểu hiện khó thở. Nhận được tin báo, tôi tức tốc xuống để hỗ trợ. Qua thăm khám ban đầu, anh ấy bị tụt huyết áp vì vận động quá sức. Trong quá trình cứu viện, tôi cũng lường trước được nguyên nhân nên có mang theo trà đường. Sau khi sức khoẻ anh phục hồi, cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ anh lên đơn vị tiếp tục điều trị”.

Thiếu uý Khang quê xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, tháng 1/2020 được phân công về đơn vị. Khang trần tình: “Ngày lên đường nhận nhiệm vụ tôi mới cưới vợ được vài ngày, lâu lâu mới về nhà một lần. Vợ tôi hiểu công việc của chồng nên động viên tôi rất nhiều”.

25 tuổi, cả tuổi đời và tuổi nghề còn khá trẻ, nhưng Khang biết vận dụng triệt để những kiến thức học được ở ghế nhà trường để áp dụng vào thực tế. Gác tình riêng, tập trung vào nhiệm vụ; qua đó, Khang đã hỗ trợ rất nhiều người dân trên đảo, ngư dân khai thác trên biển gặp nạn được cứu chữa kịp thời.

Là người tháp tùng và theo Khang hỗ trợ người dân gặp nạn trên biển, chiến sĩ Hà Khánh Duy cho biết: “Cách đây khoảng 3 tháng, có anh ngư phủ trong lúc đang lặn dưới biển, vô tình bị chân vịt máy chém trúng cánh tay phải. Nhận được tin báo, anh Khang bảo tôi cùng đi. Xuống tới phương tiện thì anh ngư phủ đó mất máu quá nhiều. Qua sơ cứu và kiểm tra vết thương, anh Khang đã khâu cho ngư phủ ấy 8 vết khâu và cho thuốc để anh uống cầm máu, giảm đau. 7 ngày sau thì anh ngư phủ đó bình phục và tiếp tục ra khơi”.

Đối với những ngư dân trên đảo, người lính quân y không chỉ chăm sóc sức khoẻ mà còn là người bạn thân thiết. Chị Trần Thị Mỹ Hằng cho biết: “Mỗi khi đau ốm chúng tôi đều lên đơn vị xin thuốc. Y sĩ ở đây chăm sóc bệnh nhân tận tình nên chúng tôi rất yên tâm”.

Dịch Covid-19 bùng phát, F0 trên các phương tiện đánh bắt nhiều nên công tác vận động và lịch thăm khám cho người dân càng dày hơn. Thiếu uý Khang chia sẻ: “Bên cạnh việc thăm khám, hỗ trợ thuốc, test định kỳ cho người dân trên đảo, tôi còn vận động người dân hạn chế tiếp xúc với các phương tiện đánh bắt khác; nếu có trao đổi, mua bán thì phải thực hiện nghiêm quy định 5K để bảo vệ chính mình”.

Thiếu tá Trương Văn Kết, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hòn Chuối, chia sẻ: “Dù nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, Thiếu uý Khang luôn hoàn thành tốt công việc của mình, không ngại khó, ngại khổ. Dù đường núi gập ghềnh hiểm trở nhưng khi có tin báo người dân đau ốm hay ngư phủ gặp nạn trên biển, bất kể ngày hay đêm, đồng chí Khang vẫn đến nơi để hỗ trợ bà con”.

Với trình độ, chuyên môn vững vàng và sự ân cần, trách nhiệm, cán bộ quân y là điểm tựa vững chắc cho quân, dân trên đảo yên tâm vươn khơi, bám biển.

Dạo quanh khu nhà nấu ăn của cán bộ, chiến sĩ, tôi bắt gặp vài “bóng hồng” đang tất bật cùng các chiến sĩ chuẩn bị bữa ăn. Hỏi ra mới biết, các chị là người dân trên đảo lên đơn vị hỗ trợ lực lượng nấu ăn mỗi khi có khách ra thăm. Chị Bùi Phương Thuỳ tay luôn tất bật nhưng vẫn rôm rả kể: “Ở đây quân với dân như một nhà, mỗi khi dân có việc thì quân giúp, khi quân cần thì tôi xông pha liền”.

Chị Thuỳ trần tình: “Nếu không có các chú bộ đội thì chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, mỗi khi dời nhà, các chú xuống hỗ trợ ngay. Nếu gia đình nào cũng tự di dời thì không làm xuể được”.

Thời điểm này, do sóng to nên phương tiện vận chuyển hàng hoá từ đất liền ra đảo phục vụ bà con mua sắm Tết tạm dừng hoạt động, nhưng hầu hết bà con trên đảo đều cảm nhận được không khí Tết bằng cơn gió xuân se lạnh len vào từng ô cửa. Mùa xuân mới đang về thật gần!

Hòn Chuối nằm trên vùng biển Tây Nam, thuộc thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), cách cửa biển Sông Đốc 17 hải lý về phía Tây, độ cao gần 170 m so với mặt nước biển.

Nguồn: Ấm tình đảo xa

Kim Cương

baocamau.com.vn