Cà Mau: Khó kiểm soát hàng hoá thương mại điện tử

03:09 | 25/08/2022

|
Trong thời đại phát triển của công nghệ số, lợi ích mà thương mại điện tử (TMĐT) mang đến là không thể phủ nhận. Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực, TMĐT vẫn còn những rủi ro. Hàng lậu, hàng giả, thậm chí những mặt hàng bị cấm giao lưu, buôn bán cũng có thể hoạt động trên môi trường này. Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý hiện tại gặp không ít khó khăn.

Phát triển TMĐT là xu hướng chung của hội nhập. Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết, trong thời gian qua, cùng với cả nước, TMĐT trên địa bàn Cà Mau có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận được thông tin thị trường, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất, giúp thanh toán nhanh chóng, chính xác và tiện lợi.

Cà Mau: Khó kiểm soát hàng hoá thương mại điện tử
Thương mại điện tử mở ra nhiều cơ hội đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với người tiêu dùng.

Hàng năm, Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển TMĐT. Qua thời gian triển khai thực hiện, TMĐT trên địa bàn tỉnh đã đạt được các nhóm mục tiêu chính như 100% công chức, viên chức quản lý Nhà nước về TMĐT và chủ doanh nghiệp biết đến lợi ích của TMĐT; 90% doanh nghiệp có quy mô lớn tiến hành giao dịch TMĐT loại hình "doanh nghiệp với doanh nghiệp".

Cùng với đó, có 50% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa biết đến tiện ích và tiến hành giao dịch TMĐT loại hình “doanh nghiệp với người tiêu dùng” hoặc “doanh nghiệp với doanh nghiệp”. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã biết tới và đánh giá cao những lợi ích, tích cực triển khai ứng dụng TMĐT ở các mức độ khác nhau.

Sàn TMĐT tỉnh Cà Mau (madeincamau.com) đi vào hoạt động đã thu hút được 60 tài khoản kênh người bán, với 316 sản phẩm được trưng bày; các sàn giao dịch TMĐT của các doanh nghiệp bưu chính có chi nhánh trên địa bàn tỉnh: voso.vn (Viettel), postmart.vn (Bưu điện) hiện có 132 gian hàng, với 450 sản phẩm của tỉnh được giới thiệu, trưng bày.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng mang thương hiệu của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng đã có mặt trên các sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước (Sendo, Shopee, Lazada, Tiki, Alibaba, Amazon...) như bánh phồng tôm Nacama các loại; tôm khô, bánh phồng tôm Tân Phát Lợi…

Tỉnh Cà Mau cũng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ số nhằm cải tiến mô hình sản xuất, kinh doanh, tối ưu hoá hoạt động quản lý thông qua 1 đề án khuyến công quốc gia và 6 đề án khuyến công địa phương, tổng kinh phí đã hỗ trợ là 2,69 tỷ đồng.

heo ông Dương Vũ Nam, phát triển thương mại được xem là bước tiến quan trọng. Chính vì thế, thời gian tới đây, địa phương sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp về TMĐT, góp phần chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số. Thực hiện tốt công tác truyền thông, từng bước làm cho sàn TMĐT trở thành kênh mua, bán sản phẩm hàng hoá chủ lực của tỉnh.

Đáp ứng nguyên tắc cung - cầu thời công nghệ số, TMĐT đã và đang có những tác động lớn đến thói quen của đại bộ phận người dân. Hoạt động giao dịch trên không gian mạng đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Trên không gian mạng, bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà kinh doanh, chỉ cần 1 cái click chuột, người mua sẽ có thể lựa chọn một hoặc nhiều sản phẩm theo nhu cầu ngay tại nhà.

Cùng với sự tiện ích và phát triển ấy lại là môi trường thuận lợi để kẻ xấu lợi dụng hoạt động vi phạm pháp luật. Theo đánh giá của ngành quản lý thị trường, hiện nay, tình trạng gian lận thương mại liên quan đến hoạt động TMĐT là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng. Đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức ngày càng tinh vi của các trang mua bán hàng hoá qua môi trường điện tử, mạng xã hội.

Mặc dù đã quyết liệt chỉ đạo để kiểm tra, ngăn chặn, nhưng số vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp.

Tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang web TMĐT, đặc biệt các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội... thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe doạ đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Cà Mau: Khó kiểm soát hàng hoá thương mại điện tử
Rất nhiều tài khoản cá nhân, hội, nhóm rao bán các mặt hàng được cho thuộc động vật hoang dã, bị cấm giao lưu, buôn bán trên các trang mạng xã hội.

Ông Nguyễn Chí Vững, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Cà Mau, cho biết, việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên môi trường điện tử, mạng xã hội gặp không ít khó khăn, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường. Để tổ chức một cuộc kiểm tra và xác định vị trí, địa điểm, đối tượng vi phạm là không hề dễ. Các đối tượng dễ dàng giả mạo; thay đổi, che giấu nhân thân, lý lịch; tẩy xoá, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ... Việc kiểm tra, xử lý của lực lượng quản lý thị trường đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị huỷ, xoá dấu vết rất nhanh, mà thẩm quyền của lực lượng quản lý thị trường không thể đề xuất lấy các sao kê ngân hàng để theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng. Mặt khác, các đối tượng kinh doanh hàng hoá vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ nên rất khó phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, bản thân người tiêu dùng còn e dè trong tố giác các hành vi vi phạm hoạt động mua bán trên môi trường TMĐT. Từ đó, nhiều khi tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh không đúng theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Chí Vững cho biết thêm, Cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo các đội quản lý thị trường chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động TMĐT (quảng cáo, giới thiệu, chào bán, vận chuyển, giao nhận hàng hoá). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn TMĐT. Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Cùng với đó là đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo từ người dân và doanh nghiệp về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT./.

Nguồn: Khó kiểm soát hàng hoá thương mại điện tử

Văn Đum

baocamau.com.vn