Cần Thơ: Cô gái kể chuyện “miền Tây thu nhỏ” bằng đất sét

11:20 | 15/09/2021

|
Một tiệm tạp hóa, một khu chợ “chồm hổm”, một bữa cơm dân dã miền Tây hay những chiếc bánh xèo, trái chuối nướng... tất cả trở nên nhỏ bé, nằm gọn trong lòng bàn tay cô gái sinh năm 1994 Phạm Thùy Thanh Thảo. Cô gái trẻ say mê dùng đất sét để kể chuyện “miền Tây thu nhỏ” trong căn phòng trọ tại hẻm 102, đường 3 Tháng 2, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Cần Thơ: Cô gái kể chuyện “miền Tây thu nhỏ” bằng đất sét
Mô hình tiệm tạp hóa giống y như thật nhưng lớn chỉ bằng đôi bàn tay người lớn.

Vừa bước vào căn phòng trọ của Thanh Thảo, khách sẽ choáng ngợp với rất nhiều vật dụng, món ăn được cô “biến hóa” tí hon nhưng lại sống động như thật. Nhìn mô hình tiệm tạp hóa miền Tây của Thảo, ai cũng phải trầm trồ vì sự tỉ mỉ, kỳ công và khéo tay. Mấy keo chao, chai nước mắm, nước tương, rồi bó cải, lọn rau... đến cá khô treo lủng lẳng, mấy thùng mì ăn liền... giống y như vật thật, chỉ đó điều tỷ lệ nhỏ hơn nhiều lần. Nhỏ đến độ, cả tiệm tạp hóa có thể nằm gọn trên đôi bàn tay. Hay nhìn vào vỉ chuối nướng trên bếp than rực hồng, những trái chuối nướng đủ lửa, nhìn phát thèm và có cả mỡ hành... thật thú vị.

Thanh Thảo kỳ công đến độ, chẳng phải tạo vẻ bề ngoài cho giống mà phần “ruột” bên trong của các mô hình cũng giống “nguyên xi”. Ví dụ như những chiếc bánh xèo vàng rượm nhỏ chỉ bằng lóng tay, nhưng mở bên trong lại có đủ giá, thịt, tôm... đặt cạnh bên là chén nước mắm, rồi xô bột bên bếp lửa có chảo chiên bánh xèo. Thau cá đồng đặt cạnh tiệm tạp hóa của Thảo, có đủ cá trê, lươn, cá lóc... nhỏ chỉ bằng bàn tay bé sơ sinh nhưng nếu chụp ảnh cận cảnh, nhiều người không nghĩ đó chỉ là mô hình.

Và còn rất nhiều mô hình độc đáo khác được Thanh Thảo hoàn thiện bằng niềm đam mê và sự khéo léo của mình. Thảo kể, chị vốn học sư phạm mầm non nên được làm quen với việc sáng tạo các mô hình nho nhỏ. Vả lại, đây cũng là niềm đam mê từ nhỏ của chị. Dạy học được mấy tháng, chị quyết định nghỉ học để theo đuổi đam mê... nắn đất sét. Từ nguyên liệu đất sét, màu mua được, chị Thảo thỏa sức làm các mô hình theo ý thích, từ sự quan sát cuộc sống và trí tưởng tượng phong phú của mình. Cứ vậy, hơn 4 năm qua, từ tập tành đến thạo việc, Thảo gắn bó và sống được với công việc này, thu nhập trung bình mỗi tháng đều từ 5 triệu đồng trở lên.

Theo chị Thảo, để làm mô hình bằng đất sét đẹp, điều quan trọng là phải có óc quan sát, trí tưởng tượng “biến to thành nhỏ” và sự kiên trì, nhẫn nại. Chỉ một trái dưa hấu, chùm nho nhỏ bằng một lóng tay nhưng Thảo phải mất 2-3 ngày để hoàn thiện. Hay với một cọng giá trong nhưn bánh xèo, Thảo cũng tỉ mẩn cả ngày để làm nên. Sự chi tiết, kỹ lưỡng đó giúp làm nên những mô hình giống hệt như thật. Các mô hình này có độ bền rất lâu, chỉ cần bảo quản tránh môi trường ẩm độ cao.

Hiện tại, các mô hình của Thảo làm ra được bán trên mạng xã hội với giá bán mỗi sản phẩm từ vài ngàn đồng đến cả triệu, tùy độ khó của sản phẩm và công sức của người làm. Nhờ khéo tay nên sản phẩm của Thảo bán rất chạy, có khi chị phải thức thâu đêm để kịp hoàn thành đơn đặt hàng của khách. Nhưng bù lại, chị có thêm thu nhập và những lời khen từ người mua. “Khách hàng của Thảo chủ yếu là người trung niên và các cô chú lớn tuổi, có lẽ, họ thích hoài niệm”, Thảo chia sẻ.

Làm mô hình bằng đất sét không phải hiếm nhưng Thảo lại chọn lối đi riêng cho mình, đó là tái hiện những hình ảnh thân thương, dung dị của miền Tây sông nước, nhìn thôi đã thấy nhớ. Thảo tâm sự, qua những mô hình chị làm, chị mong muốn đó không chỉ là đồ chơi, vật trang trí mà còn là cách để trao gửi và giữ gìn văn hóa của quê hương, xứ sở. Để ai một lần nhìn thấy các mô hình của Thảo, tái hiện hình ảnh dù gần gũi, bắt gặp hằng ngày, nhưng vẫn phải thốt lên: “Miền Tây mình đẹp quá”.

Với những sản phẩm cần sự khoan, cắt hay kỹ thuật cơ khí, Thanh Thảo có sự trợ giúp của bạn trai là anh Lê Lý Bảo. Đôi bạn trẻ luôn đồng hành trong từng sản phẩm, thêm khắng khít qua niềm đam mê tạo mô hình bằng đất sét. Anh Lý Bảo kể: “Thật ra, lúc trước tôi không mê công việc này lắm, nhưng Thảo đã truyền đam mê đó cho tôi. Cô ấy say sưa, đặt hết tâm huyết vào từng sản phẩm, hào hứng khi làm được mô hình nào đó mới lạ”.

Trên con đường khởi nghiệp, mỗi người trẻ lại có một lối rẽ khác nhau để đi đến thành công. Thanh Thảo đã chọn một miền Tây dung dị để phác họa qua những viên đất sét, tuy nhỏ mà thân thương..../.

Nguồn: Cô gái kể chuyện “miền Tây thu nhỏ” bằng đất sét

Đăng Huỳnh

baocantho.com.vn