Liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL

Cần Thơ: Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp

03:05 | 31/05/2022

|
Du lịch nông nghiệp là một trong những xu hướng nổi bật những năm gần đây, bởi loại hình này gắn liền những giá trị của phát triển bền vững. Tại ĐBSCL, du lịch nông nghiệp đã hình thành từ lâu nhưng tiềm năng này vẫn còn bỏ ngỏ bởi nhiều vấn đề nan giải. Tại khuôn khổ Diễn đàn kết nối du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, những vấn đề này được thảo luận để có những giải pháp đưa du lịch nông nghiệp vùng phát triển mạnh mẽ.

Tiềm năng chưa được phát huy

Cần Thơ: Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp
Du lịch về miền quê, nông thôn đang trở thành xu hướng nhiều du khách lựa chọn hiện nay. Trong ảnh: Du khách tham quan tại cồn Sơn (Cần Thơ).

ĐBSCL có hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt với độ dài hơn 28.000km cùng hệ sinh thái đa dạng, từ sinh thái biển đảo, cù lao châu thổ, vườn quốc gia, rừng ngập mặn ven biển và các vùng đất ngập nước độc đáo. Lợi thế về thiên nhiên và văn hóa giàu bản sắc cho phép ĐBSCL phát triển đa dạng các loại hình du lịch: du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch văn hóa, lễ hội, nghỉ dưỡng, nông nghiệp, cộng đồng, MICE… Trong đó, thế mạnh của du lịch ĐBSCL được xác định là du lịch nông nghiệp. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá: “ĐBSCL có nhiều tiềm năng và nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp. Trong đó, thế mạnh nổi trội của vùng là lúa, trái cây và thủy sản, ứng với chuỗi canh tác nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ. Theo đó, chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp là quá trình tạo ra trải nghiệm dành cho du khách, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch”. Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa bản địa là xu hướng chủ đạo trong giai đoạn hiện nay. Nhận thức tầm quan trọng và những lợi thế của du lịch nông nghiệp, trong những năm qua, việc phát triển và nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh được các địa phương chú trọng đầu tư, gắn kết với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn”.

Các khó khăn được đề cập đến nhiều nhất là về chính sách, hạ tầng giao thông, cách thức xây dựng các sản phẩm du lịch… Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: “Điểm nghẽn về du lịch nông nghiệp hiện nay chính là chính sách quản lý của các địa phương còn lúng túng, còn chồng chéo nhiều mặt, chưa có hoạch định rõ cho ngành du lịch nông nghiệp. Việc xây dựng sản phẩm du lịch vẫn còn giẫm chân nhau”. PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hạnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, nhận xét: “Qua các mô hình du lịch nông nghiệp tại Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh… chúng tôi nhận thấy du lịch nông nghiệp ở các địa phương đều có sự phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế về cách thức vận hành, quản lý… Chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp vì thế chưa phát huy hiệu quả”. Ông Phan Đình Huê, Chủ tịch Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, cũng cho rằng: “ĐBSCL có thế mạnh về du lịch sinh thái và gần đây là du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên loại hình này vẫn chưa phát triển đồng bộ. Các điểm du lịch hiện nay đều do nông dân làm, liên kết hợp tác xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nhưng cái khó của bà con nông dân đang vấp phải chính là cơ sở pháp lý. Do đó, có thể thành lập dự án để điều hành hoạt động du lịch của vùng một cách chuyên nghiệp”.

Tìm giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp

Cần Thơ: Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp
Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, trao đổi tại diễn dàn.

Trên cơ sở khảo sát thực tế ở nhiều địa phương ĐBSCL về du lịch nông nghiệp, PGS.TS.Nguyễn Thị Vân Hạnh đưa ra giải pháp 5K cho phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Đó là Khởi tạo, Khai thông, Kết cấu hạ tầng, Khác biệt độc đáo và Khoa học công nghệ. Nghĩa là cần xây dựng đề án, quy hoạch chung; hoạch định các chính sách phù hợp cho du lịch nông nghiệp, cũng như giải quyết những bài toán về hạ tầng giao thông, xây dựng sản phẩm khác biệt và ứng dụng công nghệ số vào hoạt động du lịch.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho rằng phải tháo gỡ khó khăn từng bước: “Chúng ta cần kết nối hạ tầng giao thông để rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương; hỗ trợ vốn vay cho các tổ chức cá nhân phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm với chất lượng và nguồn cung đảm bảo; chất lượng sản phẩm du lịch phải độc đáo, đa dạng thị hiếu của từng độ tuổi và nhu cầu riêng của khách hàng; đảm bảo tính bền vững và gắn với bảo tồn phát huy bản sắc của địa phương”. Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh: “Quan trọng là các tỉnh thành cần liên kết lại để xây dựng những sản phẩm đặc thù, góp vào chuỗi liên kết để tạo ra nét riêng trong cái chung của vùng. Tôi cũng cho rằng cần thiết có đề án quy hoạch chung về du lịch nông nghiệp của vùng, từ đó mới có những quản lý, điều hành phù hợp. Chúng ta cũng cần cân nhắc đến việc điều phối, quản lý du lịch nông nghiệp phải gắn với phát triển bền vững, bởi hiện tại biến đổi khí hậu đang tác động lớn đến môi trường. Về nhân lực du lịch, cần đào tạo nguồn từ học sinh trong nhà trường, thật sự thấu hiểu về từng mảnh đất, câu chuyện của quê hương thì mới quảng bá tốt được”.

Bà Lê Thị Bé Bảy, cố vấn du lịch cồn Sơn, bày tỏ: “Muốn phát triển du lịch nông nghiệp thì phải xác định chủ thể là người nông dân. Bởi chỉ có người nông dân mới viết nên câu chuyện du lịch nông nghiệp bản địa. Do đó, khi làm du lịch người nông dân phải thay đổi tư duy và cần có những giải pháp để trợ lực, giúp họ có những định hướng đúng về du lịch nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”. Ông Miquel Angel P. Martorell, đến từ MQL Sustainable Tourism Services, chuyên gia Ban cố vấn du lịch Việt Nam, cho rằng: “Du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL đang cạnh tranh hơn là hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, các địa phương cần phải có hành động cụ thể hơn để thay đổi thực trạng khách chỉ đến một lần và không quay lại. Tôi cho rằng, các địa phương nên nghĩ đến những kế hoạch trung và dài hạn hơn về phát triển du lịch nông nghiệp, trong đó quan tâm đến vấn đề về xây dựng sản phẩm có giá trị cao và bền vững. Phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, đầu tư cho chất lượng dịch vụ và nhân lực du lịch, linh hoạt cách quảng bá sản phẩm đến đa dạng thị trường”. Chia sẻ ý kiến trên, ông Trần Tường Huy, Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội, cho rằng: “Vai trò liên kết giữa các địa phương rất quan trọng, nhất là trong phát triển sản phẩm du lịch. Liên kết đó phải phù hợp với hướng tuyên truyền sản phẩm của thị trường khách đến trong mối liên kết hạ tầng giao thông”.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng các địa phương tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp nổi trội của ĐBSCL gắn với trải nghiệm du lịch. Cụ thể là thông qua các hoạt động du lịch, dịch vụ hỗ trợ, lồng ghép giá trị bản địa: văn hóa trồng lúa, lối sống, đờn ca tài tử... để nâng cao giá trị trải nghiệm du lịch nông nghiệp. Trên cơ sở quy hoạch phát triển nông nghiệp cần định hướng đầu tư, thu hút nguồn lực, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo phát triển đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Du lịch nông nghiệp được xem là “mỏ vàng” của tài nguyên du lịch ĐBSCL, nhưng đến nay loại hình vẫn chưa phát huy hiệu quả bởi sự phát triển chưa đồng bộ, thiếu đầu tư. Do đó, việc tìm các giải pháp phù hợp là tiền đề rất quan trọng để ĐBSCL có thể hoạch định và thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả trong tương lai.

Nguồn: Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp

Ái Lam

baocantho.com.vn