Cần Thơ: Phát huy hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm

13:15 | 29/08/2023

|
Chị Sơn Thị Lang, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Làng nghề Cờ Đỏ, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Thành lập từ năm 2019, HTX nỗ lực duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và làm nghề đan lục bình. Qua đó, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho xã viên và người lao động”.
Cần Thơ: Lan tỏa tinh thần tiết kiệm điện trong đồng bào dân tộc KhmerCần Thơ: Lan tỏa tinh thần tiết kiệm điện trong đồng bào dân tộc Khmer
Cần Thơ: Xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quảCần Thơ: Xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả
Phát huy hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm
Xã viên, người lao động HTX Làng nghề Cờ Đỏ an tâm gắn bó nghề đan lục bình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Trở lại ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, chúng tôi cảm nhận nhịp độ lao động của chị em phụ nữ dân tộc Khmer rất sôi nổi. Vừa thoăn thoắt đôi tay làm việc, chị em vừa trao đổi về mẫu mã mặt hàng mới. Chị Sơn Thị Lang kể, từ khi thành lập đến nay, nguồn hàng gia công dồi dào, liên tục. Nhiều chị em thạo nghề, tự mua hay tìm cắt lục bình, phơi khô, đan sản phẩm để có thu nhập khá hơn. Chị Hồ Thị Bé Thảo, ở ấp Thới Hòa A, nói: “Tôi học và làm nghề này từ năm 2013. Tôi cảm thấy vui vì có việc làm phù hợp điều kiện bản thân và thực tế gia đình. Tôi vừa đan sản phẩm, vừa chăm lo việc nhà, thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Lúc rảnh rỗi, tôi tranh thủ tìm cắt lục bình làm nguyên liệu đan sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nên thu nhập khá hơn”.

Chị Sơn Thị Lang nói: “Trước đây, Hội Phụ nữ thị trấn Cờ Đỏ phối hợp mở nhiều lớp dạy nghề và thành lập tổ, nhóm đan lục bình, tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc Khmer. Nghề ngày càng lan truyền, nhân rộng, giúp bà con có việc làm, thu nhập ổn định. Với những tín hiệu lạc quan đó, HTX Làng nghề Cờ Đỏ được thành lập, hiện có 42 xã viên, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho gần 100 lao động. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn từng năm”. Trong quá trình hoạt động, các xã viên chủ động học hỏi, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, đảm bảo hợp đồng sản phẩm với HTX Kim Hưng, ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng. Chị Thạch Thị Đầm, ở ấp Thới Hòa B, tuy bận rộn mua bán ở chợ, vẫn chịu khó nhận đan sản phẩm lục bình để thêm thu nhập. Chị Đầm bày tỏ: “Nghề này dễ học, dễ làm, chỉ cần chịu khó, kiên trì là có thu nhập để xoay sở chi tiêu hằng ngày”.

Góp phần ổn định nguồn lao động, đảm bảo tiến độ gia công các mặt hàng theo hợp đồng, chị Sơn Thị Lang vừa phối hợp mở 2 lớp dạy nghề đan lục bình cho gần 60 phụ nữ xã Thới Đông và thị trấn Cờ Đỏ theo kế hoạch đào tạo nghề cho lao động năm 2023 của UBND huyện. Học nghề xong, chị em sẽ nhận gia công sản phẩm cho HTX để nhân rộng mô hình đan sản phẩm lục bình. Mặt khác, Ban Giám đốc HTX Làng nghề đang nghiên cứu làm các sản phẩm giỏ xách thời trang, phục vụ thị trường tiêu dùng, trong đó, quan tâm tuyển chọn và nâng cao tay nghề xã viên, người lao động. Để giữ vững hoạt động hiệu quả, Ban Giám đốc HTX Làng nghề Cờ Đỏ khuyến khích chị em tìm cắt lục bình làm nguyên liệu; phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề để tiếp cận mẫu mã, kiểu dáng mới; hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài; vận dụng các hình thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm, trong đó, có phát huy hiệu quả mạng xã hội…

Hiện thu nhập bình quân mỗi người ở HTX Làng nghề Cờ Đỏ từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng, tùy tay nghề. Ngoài ra, chị em còn được Hội LHPN thị trấn giới thiệu vay vốn ưu đãi từ 20-45 triệu đồng/hộ, để mua nguyên liệu đan sản phẩm và phát triển mua bán nhỏ. Chị Lý Thị Nhanh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cờ Đỏ, cho biết: “Thời gian qua, Hội LHPN thị trấn Cờ Đỏ hỗ trợ giới thiệu hoạt động HTX với việc trưng bày sản phẩm tại các dịp lễ hội do Hội LHPN thành phố và huyện Cờ Đỏ tổ chức. Hiện HTX chỉ gia công sản phẩm thô theo hợp đồng với HTX Kim Hưng nên thu nhập của xã viên, người lao động chưa cao. Sắp tới, Hội định hướng chị em làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, như kệ, hộp đựng hồ sơ, văn phòng phẩm, nón, giỏ xách thời trang… để tăng thu nhập”. Hội LHPN thị trấn kiến nghị, các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho Ban Giám đốc HTX; tập huấn, trang bị tay nghề kỹ thuật cho xã viên, người lao động. Đồng thời, tích cực hỗ trợ máy móc, trang thiết bị để HTX trực tiếp hoàn chỉnh thành phẩm, cung ứng thị trường tiêu dùng.

Nguồn: Phát huy hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm

Anh Phương

baocantho.com.vn